Thứ Năm, 10/06/2010 09:25

Mua - bán CTCK: Người mua áp đảo! 

Không cần "hàng hiệu", quy mô vốn nhỏ, không "dính" tự doanh… là những tiêu chí tìm mua các công ty chứng khoán (CTCK) hiện nay. Thị trường mua bán loại hình DN này đang thuộc về người bán, khi số người tìm mua nhiều hơn.

Sau cao trào thành lập CTCK vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tạm ngừng nhận hồ sơ cấp phép thành lập loại hình DN này. Đến nay, UBCK vẫn chưa nhận hồ sơ thành lập CTCK trở lại, do chưa thống nhất được việc nâng cao tiêu chí. Do đó, những người muốn sở hữu CTCK chỉ còn cách thông qua hình thức mua cổ phiếu tại những CTCK đã thành lập.

Sau khi thông qua một công ty trung gian môi giới bất thành, NĐT S đã đăng thông báo cần mua CTCK trên một website chuyên báo giá cổ phiếu OTC. NĐT S cho biết, tiêu chí để mua một CTCK là vốn khoảng 35 - 40 tỷ đồng, có nghiệp vụ môi giới và tư vấn chứng khoán. Việc mua CTCK nhằm mục đích tái cấu trúc công ty nên số cổ phiếu cần mua tối thiểu từ 40% trở lên.

"Nếu đối tác bán hết số cổ phiếu thì càng tốt, bởi nếu không 2 bên sẽ phải ngồi lại với nhau để thống nhất về định hướng phát triển và điều hành công ty", NĐT S nói. Hiện trên thị trường có không ít cổ phiếu CTCK được giao dịch tại mức giá chỉ hơn 10.000 đồng/CP. Vậy nhưng, nhiều NĐT vẫn tìm cách đàm phán mua từ đối tác lớn với giá cao hơn, thay vì thu gom từ các NĐT nhỏ lẻ.

Theo một chuyên gia tài chính, hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán luôn biến động. Do đó, những người tham gia góp vốn cần sự đồng thuận cao trong việc điều hành, nhằm đảm bảo phát triển công ty trong dài hạn và không xung đột lợi ích. Nếu âm thầm thu gom cổ phiếu từ NĐT nhỏ lẻ và bất ngờ trở thành cổ đông lớn sẽ dễ dẫn đến xung đột trong điều hành công ty sau này.

Ông Phan Xuân Cần, Tổng giám đốc điều hành CTCP Đầu tư tài chính Việt Nam (TigerInvest) cho biết, thị trường mua bán CTCK đang thuộc về người bán, do số người mua áp đảo. Năm 2008 và 2009, khi TTCK diễn biến xấu, hoạt động của các CTCK hết sức khó khăn, nhiều cổ đông sáng lập đã tìm cách bán cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang dần đi vào ổn định, trong khi UBCK chưa nhận hồ sơ xin cấp phép mới, nên những ai muốn sở hữu CTCK chỉ còn cách đi mua.

Ông Cần cho biết thêm, trước đây Tiger Invest cũng đã thực hiện thành công một số thương vụ mua bán CTCK. Khi thực hiện định giá CTCK, khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề thương hiệu, bề dày hoạt động, hay nguồn nhân lực, mà ở những khoản tự doanh mà CTCK đã đầu tư. Trong khi bên bán muốn định giá khoản tự doanh với giá vốn ban đầu, thì bên mua lại chỉ chấp nhận ở mức giá hiện tại.

Thị trường mua bán CTCK thời gian vừa qua đã chứng kiến một số vụ thôn tính của các NĐT ngoại. Theo lộ trình mở cửa dịch vụ tài chính thực hiện các cam kết hội nhập, từ năm 2012, Việt Nam sẽ cho phép thành lập CTCK 100% vốn tại Việt Nam. Trước khi đến thời điểm đó, nhiều định chế tài chính nước ngoài đã lựa chọn cách mua lại cổ phần tại CTCK trong nước. Đơn cử như trường hợp của CTCK Biển Việt. Sau 3 năm được vận hành bởi các cổ đông trong nước, tháng 11/2009, CTCK Biển Việt chính thức đổi tên công ty thành CTCK Woori CBV, với cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Đầu tư và chứng khoán Woori, sở hữu 49% cổ phần.

Một trường hợp khác là CTCK Hoa Anh Đào. Tháng 1/2009, CTCK Hoa Anh Đào được cấp phép thành lập với vốn điều lệ 41 tỷ đồng, vốn pháp định 35 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập CTCK này là Tổng công ty Viglacera, với mục đích mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh. Nhưng đến tháng 4/2009, đối tác Nhật Bản tiến hành thủ tục mua cổ phần Hoa Anh Đào và đổi tên thành CTCK Nhật Bản.

Trước đó, từ năm 2008 đã diễn ra những thương vụ NĐT nước ngoài mua lại CTCK nội như Technology mua 49% vốn điều lệ của CTCK Âu Lạc; chi nhánh Tập đoàn Ngân hàng RHB (Malaysia) mua 49% cổ phần (trị giá khoảng 67 tỷ đồng) của CTCK Việt Nam; Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Golden Bridge mua 6,615 triệu cổ phần, để nắm giữ 49% vốn điều lệ của CTCK Click&Phone...

Trên thị trường hiện có trên 100 CTCK hoạt động và cạnh tranh hết sức khốc liệt trong các mảng môi giới và tư vấn đầu tư. Nếu trước đây, việc thành lập và mua CTCK do NĐT kỳ vọng vào việc tăng giá cổ phiếu, thì hiện tại, NĐT tìm mua với mục đích tái cấu trúc, vực dậy DN nhiều hơn.     

Đông Hải

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   SRA liên doanh phát triển dịch vụ Mobile payment (10/06/2010)

>   Ngoại cảnh tác động  (10/06/2010)

>   Khởi động “Thương hiệu chứng khoán uy tín” 2010 (09/06/2010)

>   CTD trúng thầu thi công công trình Tricon Towers (09/06/2010)

>   Giải mã sự đổi ngôi của CTCK Thăng Long (09/06/2010)

>   EuroCapital: Chi nhánh HCM hoạt động từ ngày 10/06 (09/06/2010)

>   PVI Invest triển khai một loạt dự án (09/06/2010)

>   IMP sắp đưa nhà máy Cephalosporine - Bình Dương vào hoạt động (09/06/2010)

>   Mang nợ công ty chứng khoán (09/06/2010)

>   Quản lý tài khoản: trông vào tin nhắn (09/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật