Thứ Tư, 09/06/2010 09:11

Mang nợ công ty chứng khoán

Nhà đầu tư hợp tác kinh doanh, ủy quyền giao dịch không văn tự cho nhân viên công ty chứng khoán. Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” họ trở thành con nợ.

Nắm bắt được tâm lý vốn ít nhưng muốn lời nhiều của người chơi cổ phiếu, hàng loạt chủ sàn cho phép nhà đầu tư ký quỹ, đưa ra chế độ ưu đãi đặc biệt, nhằm lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch.

Chiêu dụ “chơi” cổ phiếu

Bà T.N.A đến Công ty Chứng khoán Đ.V (ĐV) ký quỹ với tỉ lệ 50:50. Sau vài tháng giao dịch không hiệu quả, bà T.N.A được ông N.B.T, nguyên phó tổng giám đốc ĐV, mời chào dịch vụ T3 không tiền.

Tức là, khách hàng không cần tiền vẫn mua được cổ phiếu, ba ngày sau sẽ bán ra. Bù lại bà T.N.A cung cấp những thông tin đi trước về hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, hoặc động thái mua - bán cổ phiếu của các tổ chức, nhóm nhà đầu tư...

Mặt khác, bà T.N.A còn là đại diện cho 5 nhà đầu tư khác hợp tác kinh doanh với ĐV theo phương thức ký quỹ hàng chục tỉ đồng, lãi suất 10,5% - 18%/năm, thời hạn 7 ngày hoặc không có thời hạn.

Nhà đầu tư ủy quyền giao dịch cho nhân viên công ty chứng khoán có thể đối mặt rủi ro.

Điều đáng nói là tỉ lệ ký quỹ trên 100% so với giá trị của số cổ phiếu mà nhà đầu tư thế chấp. Cụ thể, văn bản hợp tác kinh doanh số 134/2009 – GDN, ngày 1-12-2009, của tài khoản 016C16869 cho thấy nhà đầu tư thế chấp 150.500 cổ phiếu thuộc các mã chứng CII, DIG, ICG, STP với tổng giá trị 8,1 tỉ đồng, nhưng được ĐV cho phép ký quỹ 9 tỉ đồng.

Nếu giá cổ phiếu giảm 20% giá trị so với mức giá tại ngày ký quỹ, nhà đầu tư phải bổ sung tiền để bảo đảm tài sản thế chấp bằng 50% số tiền ký quỹ.

Sau khi nhận được thông báo của ĐV, bên ký quỹ không bổ sung cổ phiếu hoặc tiền trong vòng 24 giờ, chủ sàn sẽ bán số cổ phiếu thế chấp với bất cứ mức giá nào để thu hồi vốn. Đồng thời, ĐV không đóng dấu và không cung cấp văn bản hợp tác kinh doanh cho nhà đầu tư, chỉ cấp bản photocopy khi nhà đầu tư yêu cầu.

Giao dịch loạn xạ

Qua một thời gian kinh doanh, bà T.N.A ký hàng chục phiếu lệnh, chưa điền nội dung (hiện bà T.N.A đã thu hồi được 30 phiếu lệnh) để sẵn tại ĐV, giao phó mọi giao dịch do ông N.B.T thực hiện. Cuối năm 2009, bà T.N.A phát hiện hơn 1,5 triệu cổ phiếu UIC, EBS, CTN, REE, SHS mình không đặt lệnh mua lại có trong tài khoản.

Bà T.N.A yêu cầu ĐV xác minh nguồn gốc đặt lệnh. Tuy nhiên, ông N.B.T đưa ra hướng giải quyết bằng cách bán qua lại giữa 6 tài khoản do bà T.N.A làm đại diện. Do giá cổ phiếu vào thời điểm đó đi xuống nên bà T.N.A thua lỗ hàng tỉ đồng, trở thành con nợ của chủ sàn.

Ngoài ra, hàng trăm ngàn cổ phiếu không thuộc diện hợp tác kinh doanh, nhà đầu tư không đặt lệnh vẫn có lệnh bán thành công, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.

Bà T.N.A cho biết ngày 6-11-2009, ông N.B.T thông báo đã khớp lệnh bán 13.000 cổ phiếu KBC với giá 72.5000 đồng/cổ phiếu. Trong khi báo cáo giao dịch ngày 9-11-2009 lại thể hiện số cổ phiếu KBC lại được bán với giá 70.500 đồng/cổ phiếu khiến bà thiệt hại 61 triệu đồng.

Ai đặt lệnh?

Đầu tháng 3-2007, ĐV thông báo danh mục đầu tư của 6 tài khoản do bà T.N.A làm đại diện có mức lỗ tạm tính là 9,7 tỉ đồng, đồng thời tuyên bố bán số cổ phiếu trong danh mục để thu hồi nợ. Bà T.N.A không đồng ý.

Trên cơ sở báo cáo giao dịch do ĐV cung cấp, bà T.N.A thống kê hàng chục mã chứng khoán có giao dịch nhưng không do bà đặt lệnh, yêu cầu ĐV đưa ra bằng chứng chủ tài khoản đặt lệnh giao dịch những mã chứng khoán đó. Tuy nhiên, chủ sàn chỉ chứng minh hàng trăm lệnh đặt qua điện thoại, song không đưa ra nội dung tin nhắn điện thoại hay băng ghi âm đặt lệnh.

“Kiện củ khoai”

Theo các chuyên gia tài chính, luật pháp hiện không cấm song cũng chưa cho phép giao dịch theo phương thức ký quỹ. Vì thế, mỗi công ty chứng khoán tự đặt ra luật chơi khác nhau.

Khi sự cố xảy ra ưu thế thường thuộc về chủ sàn bởi tài khoản của nhà đầu tư đều nằm trong tay công ty chứng khoán. Đặc biệt, những nhà đầu tư ủy quyền giao dịch cho nhân viên môi giới sẽ đối mặt nhiều rủi ro, bởi đối tượng này có thể biến tướng mọi giao dịch để trục lợi.

Nếu trong giao dịch có biểu hiện gian lận thì chỉ có các cơ quan chức năng mới đủ sức làm sáng tỏ sự việc. Nhà đầu tư khiếu kiện công ty chứng khoán chẳng khác gì “con kiến kiện củ khoai”.

Thy Thơ

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Quản lý tài khoản: trông vào tin nhắn (09/06/2010)

>   Dragon Capital đầu tư vào cổ phiếu bất động sản (09/06/2010)

>   Phạt nặng nhà đầu tư chào mua nhưng lén bán chứng khoán (08/06/2010)

>   BMI và VFG bị nhắc nhở về việc chậm nộp BCTN 2009 (08/06/2010)

>   Bi hài nghề môi giới chứng khoán (08/06/2010)

>   Sắp công bố xếp hạng tín dụng doanh nghiệp niêm yết 2010 (08/06/2010)

>   Sacombank mở sàn giao dịch hàng hóa thế giới (08/06/2010)

>   HUT vay 364 tỷ đồng cho Dự án tuyến đường Lê Đức Thọ  (08/06/2010)

>   DLG khánh thành bến xe Đức Long Bảo Lộc vào tháng 8 (08/06/2010)

>   Hạn chế cho vay chứng khoán: Không lo thị trường “mất lửa” (08/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật