Hạn chế cho vay chứng khoán: Không lo thị trường “mất lửa”
Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa ban hành thông tư 13 về cho vay kinh doanh chứng khoán, trong đó quy định NH không được cho công ty chứng khoán trực thuộc vay, không cho vay không có bảo đảm để đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Giới kinh doanh chứng khoán nói rằng quy định này là tốt hơn và chẳng hề làm thị trường “mất lửa”. Trước đây cũng đã có quy định NH chỉ được sử dụng 20% tổng vốn điều lệ để cho vay đầu tư chứng khoán.
Cho vay chéo
Trong những năm trước đây, khi thị trường chứng khoán sôi động, các NH thường cho vay số tiền tương đương 50-70% giá của cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ này chỉ từ 30-50%. Nhiều công ty chứng khoán cho biết dù đến ngày 1-10 thông tư 13 mới có hiệu lực, nhưng nhiều NH đã ngưng bơm vốn cho vay chứng khoán. Do vậy các đơn vị này phải sử dụng vốn tự có để cho vay, hạn mức cho vay đối với nhà đầu tư cũng hạn chế hơn. | Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết từ lâu giữa các NH đã bắt tay với nhau để cho vay chéo. NH A không được cho vay công ty chứng khoán trực thuộc của mình thì sẽ chuyển sang cho công ty chứng khoán của NH B vay. Ngược lại NH B sẽ cho công ty chứng khoán của NH A vay.
Trước đây với quy định NH không được cho vay đầu tư chứng khoán quá 20% vốn điều lệ, các NH hết hạn mức cũng đã sử dụng cách này để bơm vốn cho các công ty con. Là người từng đi thương lượng vay vốn, ông cho biết cách hay sử dụng nhất là NH “mẹ” gửi tiền tại NH nào đó để nhờ NH này cho công ty chứng khoán vay lại nhằm hợp thức hóa quy định của NH Nhà nước.
Theo một số NH, quy định của NH Nhà nước là cần thiết và việc cho vay chéo giữa các NH cũng không có gì sai vì thông qua cho vay chéo, NH cho vay sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn. Dù sao cho người ngoài vay khác với cho “người nhà” vay.
Hầu hết NH đều muốn đẩy mạnh cho vay chứng khoán vì đây là đối tượng sẵn sàng vay với lãi suất cao, lên đến 16-18%/năm. Theo phó tổng giám đốc một NH, khi được phép cho vay thỏa thuận, các NH đều nhắm đến chứng khoán vì nhà đầu tư chứng khoán chịu được lãi suất cao. Với NH có mặt bằng lãi suất huy động cao, cho vay chứng khoán sẽ là kênh tiêu thụ vốn hiệu quả nhất. Hiện nhiều NH có mức cho vay chứng khoán khá thoáng, điều kiện thế chấp cũng dễ dàng hơn. Những tháng đầu năm 2010 tăng trưởng tín dụng chậm do doanh nghiệp sản xuất ngại vay khiến nguồn vốn ứ thừa, nhiều NH đã tìm cách tiêu vốn qua kênh chứng khoán.
Tiền ngân hàng ít vào chứng khoán
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJCS, quy định mới của NH Nhà nước là nhằm hạn chế việc NH tập trung quá nhiều vốn vào cho vay chứng khoán mà hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro cho NH và cả thị trường chứng khoán.
Quy định mới này ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán? Theo ông Tuấn, chẳng có gì phải lo chứng khoán “mất lửa”. Hiện các NH vừa trải qua đợt tăng vốn mới, trong khi dư nợ cho vay chứng khoán từ cuối năm 2009 đến nay khá chậm cho thấy dư địa cho vay chứng khoán còn khá nhiều. Công bố mới đây của NH Nhà nước cho thấy dư nợ cho vay chứng khoán chỉ tăng 2.100 tỉ đồng so với tháng 11-2009, đạt 14.000 tỉ đồng.
Các NH cũng cho biết khi cần, nhà đầu tư có nhu cầu cầm cố cổ phiếu có thể tìm vốn từ các NH. NH không cần lách luật mà đường đường chính chính cho nhà đầu tư vay.
Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán trực thuộc NH, trong trường hợp NH hết hạn mức, quy định mới cũng không tác động nhiều đến thị trường do thực tế nhà đầu tư hầu hết mua chứng khoán bằng tiền túi. Ông này cho biết trong mười mấy nghìn tỉ đồng dư nợ cho vay chứng khoán thì hơn 40% rơi vào cho vay các nhà đầu tư lớn. Đây là những chủ doanh nghiệp, nắm số lượng cổ phiếu lớn đã cầm cố cổ phiếu để lấy vốn làm ăn. Một phần khác là NH cho cổ đông vay thông qua hình thức thấu chi.
“Thực tế tiền chạy vào chứng khoán không nhiều, do vậy quy định mới chỉ chi phối các công ty chứng khoán, đặc biệt các công ty chứng khoán có vốn nhỏ nhưng thời gian qua tăng trưởng nóng” - ông này cho biết.
Ngân hàng cũng thận trọng
Hiện các NH cổ phần có vốn lớn như ACB, Eximbank, Sacombank... cho biết vẫn khá thận trọng đối với cho vay kinh doanh chứng khoán. Theo ông Bùi Tấn Tài - phó tổng giám đốc ACB, NH không mở rộng dịch vụ cho vay chứng khoán dù hạn mức còn nhiều. Danh mục cổ phiếu nhà đầu tư được cầm cố phải do ACB lựa chọn, có tính thanh khoản cao.
Một lãnh đạo của Eximbank cũng cho biết lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán của ngân hàng hiện khoảng 14-15%/năm, bằng lãi suất cho vay tiêu dùng. Nhưng NH kiểm soát chặt chất lượng cầm cố, cho vay hạn mức không quá 3 lần mệnh giá.
Theo Công ty chứng khoán HSC, hiện nay công ty cho khách hàng vay cầm cố, ứng tiền mua chứng khoán... cũng chỉ bằng vốn tự có. Những NH lớn như BIDV, Vietcombank... từ trước đến nay vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với tín dụng chứng khoán. Ông Phạm Linh, tổng giám đốc Công ty Chứng khoán quốc tế, cho biết hạn mức cho vay chứng khoán được điều chỉnh tùy từng thời điểm. Thời điểm thị trường tăng nóng, tỉ lệ cho vay thấp hơn nhằm hạn chế rủi ro.
A.Hồng - T.Sơn
TUỔI TRẺ
|