Lấp “khoảng trống” pháp lý trên thị trường
Giới đầu tư kỳ vọng, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ lấp đầy “khoảng trống” pháp lý trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hoàn thiện trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2010) và có thể được thông qua ngay trong năm nay. Các nội dung sửa đổi của Luật Chứng khoán bao gồm: hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào mua công khai; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Ngoài các nội dung trọng tâm trên, Dự thảo cũng đề cập một số vấn đề liên quan như việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, các chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, chỉ nên sửa đổi một số điều liên quan đến nghiệp vụ của Luật Chứng khoán để đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Trong một số cuộc thảo luận vừa qua, nhiều thành viên thị trường đã có những đóng góp thẳng thắn cho Dự thảo Luật. Một trong những điểm đáng chú ý mà các doanh nghiệp nêu ra là về các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán.
Chẳng hạn, tại Điều 60, khoản 3 về điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán quy định: “Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này, công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính”. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Việt Thành, hiện Bộ Tài chính vẫn chưa có quy định về dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác. Thực tế này có thể dẫn đến tình trạng Luật Chứng khoán sẽ không được áp dụng ngay khi ban hành và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi không có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, Luật Chứng khoán chưa quy định về việc “giao dịch ký quỹ”, trong khi đó, Bộ Tài chính đã ra dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt giao dịch mua chứng khoán ký quỹ. Chính vì vậy, Luật Chứng khoán nên quy định về vấn đề này. Giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, bên cạnh việc cho giao dịch mua chứng khoán ký quỹ, việc đồng thời quy định cho phép nhà đầu tư “bán khống chứng khoán” sẽ làm cân đối cũng như tăng tính hội nhập cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện cũng có một số ý kiến đề cập điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Vì vậy, Dự thảo đã bổ sung điều kiện: “Có kế hoạch và cam kết đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng”. Ban soạn thảo cho rằng, việc bổ sung này nhằm thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức và để phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý đối với giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, điều băn khoăn của các doanh nghiệp và các luật gia hiện nay là liệu quy định này có phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp được quyền tự chủ quyết định các công việc kinh doanh không? Việc một công ty đại chúng có tham gia thị trường tập trung hay không phụ thuộc vào nhu cầu phát triển nội tại của chính doanh nghiệp đó. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc Dự thảo bổ sung điều kiện trên là không cần thiết.
Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là một góc nhìn về vấn đề trên, bởi theo một số chuyên gia, trước tình trạng phát hành ồ ạt, thiếu kiểm soát, sử dụng vốn sau phát hành không hiệu quả…, việc có một quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức phát hành cũng là cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
Hải Bằng
ĐẦU TƯ
|