M&A “dậy sóng”
Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã diễn ra ở Việt Nam tương đối lâu, song vẫn mang tính chất “ngầm”. Với thị trường niêm yết, hoạt động này chỉ thông qua 2 hình thức là chào mua công khai và sáp nhập doanh nghiệp thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu. Theo đánh giá của các chuyên gia ở lĩnh vực này, hoạt động M&A ở Việt Nam sẽ sớm “dậy sóng”.
Sau khi chứng kiến số lượng các giao dịch M&A tăng lên đáng kể trong năm 2009, đặc biệt là giữa các công ty trong nước, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, rất lạc quan về triển vọng hoạt động M&A tại Việt Nam. “Hoạt động M&A trong thời gian tới ở thị trường Việt Nam sẽ còn sôi động hơn nữa” - đó là nhận định của ông với tư cách là một trong những diễn giả chính tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2010 do Báo Đầu tư phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Công ty tư vấn Avale tổ chức tại vừa qua.
Đâu là lĩnh vực tiềm năng?
Tài chính - ngân hàng có khả năng sẽ là tâm điểm của hoạt động M&A ở Việt Nam năm nay do áp lực tăng vốn điều lệ của các ngân hàng theo lộ trình quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ - CP. Các ngân hàng quy mô vốn còn nằm dưới mức 3.000 tỷ đồng đang phải chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành được kế hoạch tăng vốn. Do vậy, theo ông Andy Ho, việc tìm kiếm đối tác mua lại hoặc sáp nhập là điều cần thiết đối với ngân hàng quy mô nhỏ. Bất động sản cũng là đối tượng tiềm năng để phát triển M&A, do áp lực về vốn. Các doanh nghiệp với chiến lược cụ thể sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại hoạt động, kể cả đối với doanh nghiệp nước ngoài. Theo quan điểm của ông Andy Ho, M&A là một giải pháp khả thi trong tình hình khó khăn kinh tế tại Việt Nam. Đồng thời, việc mua - bán và kết hợp của các công ty khác nhau giúp tài trợ vốn, hoặc giúp một công ty phát triển nhanh chóng mà không cần phải tạo một công ty kinh doanh khác.
Từ góc độ của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, ông Trần Đắc Sinh - Tổng giám đốc Sở GDCK TPHCM (HOSE), cho rằng, các nhân tố chính góp phần thúc đẩy xu hướng M&A có thể kể đến gồm: khung pháp lý cho hoạt động M&A đã được hoàn thiện và củng cố. Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Chứng khoán 2007, Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn luật đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, Thông tư 194/2009/TT-BTC hướng dẫn hoạt động chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng vừa được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành nghiệp vụ này trên TTCK. Thực tế, thời gian qua đã có hàng loạt các vụ chào mua công khai trên thị trường niêm yết như: Thủy sản Hùng Vương chào mua Agifish, PNJ chào mua SFC…Bên cạnh đó, hiện số lượng các công ty niêm yết trên sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCOM là trên 600 doanh nghiệp. Con số này sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới. Theo ông Trần Đắc Sinh, đây chính là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A có thể diễn ra.
Một yếu tố nữa giúp thúc đẩy các hoạt động M&A là tính chuyên nghiệp của các thành viên tham gia thị trường ngày càng được nâng cao. Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm với nghiệp vụ của thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết đã ngày một chuẩn mực hơn trong quản trị công ty, công bố thông tin, cũng như tận dụng các cơ hội của thị trường để phát triển. Các nhà đầu tư cũng ngày một hiểu biết hơn, biết tự trang bị cho mình các kiến thức cần thiết, giúp cho họ có thể dễ dàng hiểu và tham gia vào các hoạt động của thị trường, trong đó có một phần không thể thiếu là các hoạt động M&A. Ngoài ra, theo ông Sinh, việc tăng cường năng lực hoạt động và trình độ chuyên môn của các tổ chức trung gian như các CTCK, công ty tư vấn… cũng là một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ hoạt động M&A được tiến hành thuận lợi và hiệu quả hơn trên sàn chứng khoán.
Theo tiến sĩ Christopher Kummer - Chủ tịch IMAA (Cộng hòa Áo, Thụy Sỹ), làn sóng M&A ở các thị trường mới nổi đang ngày càng gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, tại châu Á đã có khoảng 5.000 vụ M&A diễn ra, với giá trị giao dịch 259 tỷ USD. Ông Kummer cho rằng, xu hướng M&A đang bắt đầu nổi lên ở khu vực châu Á, trong đó Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được dự báo là hoạt động này sẽ “dậy sóng”. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm kiếm cả cơ hội M&A ở nước ngoài để tìm kiếm thêm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo ông Kummer, để thực hiện được một thương vụ M&A thành công thì các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về công ty sẽ được tiến hành M&A để có chiến lược phát triển tốt sau khi hoàn thành thương vụ.
Ông cho rằng, đối với M&A, vấn đề tài chính và giá cả không phải là tất cả, mà quan trọng nhất chính là việc doanh nghiệp sau khi sáp nhập và mua lại sẽ phát triển như thế nào. Do vậy, trước khi muốn thực hiện một thương vụ M&A, phải đặt ra mục tiêu cụ thể và rõ ràng. Theo ông Kummer, thống kê trên thế giới chỉ ra rằng chỉ có 25% thương vụ M&A đạt được mục đích, 60% có kết quả không rõ ràng, 15% còn lại cho kết quả không tốt sau khi M&A diễn ra. Vì vậy, ông khuyến cáo rằng, M&A là con đường ngắn nhất để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, nhưng không phải là cách để các doanh nghiệp thực hiện bằng mọi giá.
Thực tế sinh động
Có thể nói, thương vụ Tập đoàn HSBC Insurance (Asia Pacific) Holdings Ltd mua lại 10% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt vào tháng 9/2007, và 2 năm sau đó nâng lên thành 18%, được xem là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm ở khu vực châu Á thời gian qua. Ba năm đã trôi qua, từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp mình, ông Dương Đức Chuyền - Giám đốc Khối đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt thừa nhận, thương vụ M&A này có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp ông củng cố được những yếu điểm, để phát triển mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, sau khi M&A diễn ra, phía đối tác HSBC đã hỗ trợ Bảo Việt nhiều mặt. Hiện Bảo Việt cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam làm báo cáo tài chính theo chuẩn mực tài chính kế toán quốc tế. Về thị trường, thị phần doanh thu phí trong năm 2009 đối với bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt tăng 31,16%. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu khai thác mới là 46% (bình quân thị trường là 35%).
Cũng là một doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại có cách đi riêng của mình. TS Nguyễn Ngọc Sự -Phó tổng giám đốc PVN, cho biết, M&A của PVN gắn với quá trình tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới các đơn vị thành viên của tập đoàn theo hướng tập trung nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ. Kết quả là, PVN đã hình thành được 14 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Sau quá trình tái cấu trúc, tổ chức lại, M&A, các đơn vị thành viên của tập đoàn đều có tốc độ tăng trưởng khá.
Với Tập đoàn Kinh Đô, Phó tổng giám đốc Lưu Quang Hiển cho rằng, việc mua lại nhà máy kem Wall’s của tập đoàn Unilever vào năm 2003 là bài học đầu tiên về hoạt động M&A của doanh nghiệp ông. Đây cũng chính là tiền đề để Kinh Đô tiến hành sát nhập Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc và Công ty cổ phần Kem Kido vào Tập đoàn Kinh Đô vào hồi tháng 5 năm nay.
Thùy My
diễn đàn doanh nghiệp
|