VAFI: Chưa nên tính việc mở thị trường thứ 4
Theo quan điểm của Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI), chưa nên hình thành thị trường mới, mà hãy nghĩ việc tổ chức lại 3 thị trường hiện nay.
Trong những số báo trước, ĐTCK đã đề cập việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đang xây dựng phương án đại lý chuyển nhượng cổ phiếu công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch tại UPCoM. Theo đó, thông qua các CTCK là đại lý chuyển nhượng, VSD sẽ làm thủ tục sang tên mua bán các cổ phiếu này. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI lại nêu quan điểm, chưa nên hình thành thị trường mới, mà hãy nghĩ việc tổ chức lại 3 thị trường hiện nay.
Hiện chúng ta đã có 3 thị trường giao dịch cổ phiếu tại HOSE, HNX và UPCoM. Ông nghĩ gì về việc sắp tới sẽ có thêm “chợ” cổ phiếu thứ 4, theo phương án VSD đang xây dựng?
Việc tạo thanh khoản cho cổ phiếu OTC - một mảng thị trường rộng lớn hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu như những gì VSD đang làm thì có thể hình dung đến việc chúng ta sẽ tạo ra các chợ cóc cổ phiếu tại mỗi CTCK. Như vậy giá sẽ không được chuẩn, chất lượng thông tin không được kiểm định, không tránh được những sai sót về mặt thủ tục trong quá trình chuyển nhượng. Và do đó vẫn chưa hạn chế được những rủi ro trên thị trường OTC như nó vốn có.
Tôi nghĩ về tổng thể, cần quy hoạch, tổ chức lại các thị trường giao dịch cổ phiếu hiện nay chứ không nên hình thành thêm các thị trường khác.
Theo ông, việc quy hoạch lại thị trường nên làm như thế nào?
Có thể nói, các thị trường hiện nay đặt ra mục tiêu chưa rõ ràng. Mặc dù hoạt động theo mô hình DN nhưng các Sở giao dịch vẫn chưa có thay đổi rõ nét về quản trị. Chính vì thế, chưa tạo ra sự thay đổi về chất cho các thị trường. Vì thế, tôi cho rằng, cần tổ chức lại hàng hóa cho mỗi Sở giao dịch.
Với sàn HOSE, các thành viên tham gia thị trường này cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn hẳn. Đây sẽ là nơi giao dịch cổ phiếu đỡ rủi ro hơn cho NĐT mới tham gia thị trường, ít kinh nghiệm. Đồng thời, là một sàn giao dịch có khả năng hội nhập quốc tế và thu hút NĐT nước ngoài tham gia nhiều hơn. Theo đó, các DN niêm yết tại đây phải đáp ứng yêu cầu về lợi nhuận cao, minh bạch thông tin, các CTCK, công ty kiểm toán cũng phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn, chuẩn mực hơn. Cần có cơ chế (thuận lợi về huy động vốn và các lợi ích khác) nhằm khuyến khích DN thay đổi quản trị để được niêm yết tại đây. Tại sàn HNX là nơi niêm yết các DN có chất lượng vừa phải, nhưng cũng phải đặt ra những yêu cầu về quản trị, chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó là giao dịch các loại trái phiếu.
Tất cả những CTĐC chưa niêm yết hoặc đã niêm yết nhưng không còn đáp ứng được điều kiện niêm yết sẽ được giao dịch tại thị trường UPCoM. Đây sẽ là nơi mua bán cổ phiếu của các NĐT tổ chức, các quỹ đầu tư, các nhóm NĐT có kinh nghiệm quản trị. Những DN yếu kém quản trị sẽ được thâu tóm, sáp nhập trên thị trường này. Đồng thời, DNNN đã cổ phần hóa nhưng số cổ phiếu mà nhà nước nắm giữ vẫn lớn có thể bán bớt vốn Nhà nước khi tham gia giao dịch tại đây. Tóm lại, đây là nơi CTĐC chưa thực sự tốt thực hiện giao dịch cổ phiếu và có điều kiện thay đổi về quản trị khi có NĐT lớn tham gia.
Sự phân định rõ ràng chất lượng hàng hóa tại 3 thị trường trên sẽ giúp cho NĐT dễ dàng lựa chọn cổ phiếu để đầu tư theo những tiêu chí riêng.
Hình thành UPCoM nhằm giao dịch cổ phiếu các CTĐC chưa niêm yết. Như vậy, mục tiêu đã rõ ràng, thưa ông?
Mục tiêu là như vậy nhưng trên thực tế hiện mới có trên 70 trong số hơn 700 CTĐC chưa niêm yết đăng ký giao dịch tại đây. Đặc biệt là NĐT tham gia mua bán rất hạn chế, cơ chế giao dịch khắt khe, cách thức tổ chức thị trường chưa hợp lý. Cần xác định lại mục tiêu khi xây dựng thị trường này để có cách làm hiệu quả hơn.
Với mục tiêu tổ chức một thị trường giao dịch tất cả cổ phiếu CTĐC chưa niêm yết và cho những NĐT lớn thực hiện mua bán, sáp nhập, thâu tóm, tái cấu trúc DN và thu hút các NĐT chiến lược, tôi nghĩ cần thành lập một trung tâm giao dịch riêng để vận hành UPCoM tách khỏi HNX như hiện nay. Có thể đó là một DN cổ phần mà các cổ đông là Sở GDCK, NĐT chiến lược nước ngoài và một số CTCK lớn, có vai trò tạo lập thị trường tham gia góp vốn. Như vậy sẽ tạo động lực để đơn vị tổ chức thị trường tích cực thu hút DN đưa cổ phiếu vào giao dịch, từ đó giúp thị trường sôi động hơn.
Ý tưởng tổ chức lại thị trường giao dịch của ông liệu có vướng gì về mặt pháp lý hay không?
Theo Luật Chứng khoán hiện hành, chỉ có Sở hoặc Trung tâm GDCK mới được tổ chức TTCK và Thủ tướng Chính phủ có thể ra quyết định thành lập thị trường giao dịch cổ phiếu. Vì thế, nếu cần thiết thì vẫn có thể thành lập thêm một trung tâm giao dịch cổ phiếu OTC như mô hình trên và chịu sự quản lý của UBCK, tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến TTCK. Ở nhiều nước, qua hàng trăm năm phát triển TTCK, đến nay vẫn có hàng nghìn cổ phiếu OTC được giao dịch. Các DN được thành lập mới liên tục, chưa đáp ứng yêu cầu về niêm yết, trong khi có những DN niêm yết nhưng không duy trì được tiêu chuẩn, rất cần thị trường bậc thấp hơn để giao dịch cổ phiếu.
Mặt khác, chúng ta đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, nên nếu có vướng mắc hay cần bổ sung điểm nào để hoàn thiện thị trường thì cũng thuận lợi về pháp lý.
Nguyên Thành thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|