Thứ Năm, 03/06/2010 09:08

Mô hình nào cho hoạt động môi giới chứng khoán? 

Muốn hành nghề phải được cấp phép và không cần thuộc CTCK nào, hay không cần giấy phép nhưng thuộc biên chế của CTCK sẽ được hành nghề đang là hai lựa chọn khác nhau cho mô hình MGCK tại Việt Nam.

Đầu giờ sáng thức dậy nắm bắt tin tức bên "trời" Tây, từ chỉ số chứng khoán đến giá dầu, giá vàng, niềm tin tiêu dùng, doanh số bán nhà, lãi suất cơ bản… Từ 8h30 đến 11h, đến CTCK thực hiện các giao dịch cho khách hàng, tư vấn đầu tư. Buổi chiều gặp gỡ NĐT, cà phê với bè bạn, đồng nghiệp, thu thập và thẩm định những tin tức vỉa hè… Một số thực hiện thêm môi giới chứng khoán OTC thì lại tiếp tục công việc. Đến đêm vào các diễn đàn chuyên về chứng khoán đưa ra các bình luận, đánh giá và không quên mời gọi mở tài khoản tại CTCK nơi mình hợp tác. Công việc của một broker (môi giới chứng khoán - MGCK) hiện nay được tóm gọn trong mấy dòng nhật ký kể trên. Việc có thuộc quân số của một CTCK nào hay không không quan trọng!

Cơ quan quản lý lúng túng

Nghề MGCK bùng nổ trong 2 năm trở lại đây khi lượng CTCK đi vào họat động nhiều, số DN niêm yết tăng, tài khoản mở mới cũng gia tăng. Vậy nhưng, hiện cơ quan quản lý đang tỏ ra lúng túng khi quản lý một trong những đối tượng quan trọng tham gia vào thị trường này. Sự lúng túng này xuất phát từ thực tế phát triển quá nhanh của thị trường, trong khi quy định hiện hành lại không rõ ràng, chuẩn mực.

Theo Điều 62, Luật Chứng khoán, điều kiện để thành lập và hoạt động của CTCK là giám đốc hoặc tổng giám đốc, các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề. Như vậy, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, nhân viên có phải có chứng chỉ hành nghề hay không lại là vấn đề bỏ ngỏ? Chính quy định không rõ ràng này làm nảy sinh tình trạng CTCK mạnh ai, nấy làm. Thực tế hiện nay, phần lớn MGCK chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Họ đến với nghề MGCK quá nhanh hoặc xuất phát từ nhiều công việc khác nhau nên chưa có điều kiện theo học, thi lấy chứng chỉ. Như vậy, việc quản lý MGCK thông qua yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề là không khả thi.

Những biện pháp quản lý khác như cấm CTCK sử dụng cộng tác viên MGCK, yêu cầu phải ký hợp đồng với MGCK… thì hầu như là vô hiệu khi CTCK có rất nhiều cách để lách luật. Vậy nên, câu hỏi đặt ra là nên để MGCK hoạt động như thế nào?

Mô hình nào cho MGCK tại Việt Nam?

Hiện một số CTCK đang tổ chức hoạt động MGCK theo mô hình phòng môi giới. Nghĩa là một công ty có rất nhiều phòng MGCK, mỗi phòng có các môi giới cứng cáp thực hiện việc tìm kiếm khách hàng thông qua đội ngũ cộng tác viên hoặc môi giới tự do. CTCK không trả lương hoặc trả rất tượng trưng cho các MGCK này. Nguồn thu nhập chính của các MGCK đến từ phần trăm hoa hồng CTCK cắt trả. Những môi giới giỏi nắm bắt được nhiều thông tin tư vấn đầu tư hiệu quả còn được NĐT lại quả, chi thêm. Vì thế mới có chuyện những môi giới giỏi thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng. Có thể nói, cách thức tổ chức hoạt động môi giới này đã tạo động lực làm việc cho các môi giới, thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, nó lại đẩy CTCK vào những khó khăn nhất định. Năm 2009, CTCK Thăng Long được đánh giá là có thị phần môi giới lớn nhất trên 2 Sở GDCK, nhưng khi công bố kết quả kinh doanh đã làm bất ngờ nhiều người. Lợi nhuận ròng của công ty này không cao khi trong mảng kinh doanh môi giới phải cắt lại cho các môi giới số tiền phí khá lớn. Hiện các CTCK đang có cuộc cạnh tranh ngầm trong việc đưa ra mức phí cắt lại để câu các môi giới giỏi. Khi một môi giới giỏi ra đi sẽ mang theo nhóm khách hàng VIP - điều các CTCK không bao giờ mong muốn.

Theo tổng giám đốc một CTCK tại TP. HCM, mô hình môi giới theo phòng tự quản, tự tìm khách tại một số CTCK hiện nay đã tạo ra sự tự do nhất định cho các MGCK trong việc tìm kiếm, chăm sóc khách hàng. Nhưng đây cũng chính một rủi ro tiềm ẩn cho bản thân NĐT và các CTCK. Khi có tranh chấp giữa MGCK và NĐT thì CTCK có chịu trách nhiệm hay không, NĐT sẽ kiện CTCK hay MGCK?

Một chuyên gia chứng khoán cho biết, hoạt động của các MGCK như nhiều thị trường phát triển trên thế giới đang áp dụng (trước khi ban hành Luật Chứng khoán của Việt Nam, một số soạn giả đã cân nhắc đưa vào - PV) với môi giới tại Việt Nam vẫn khác nhau rất xa. Trên thế giới, môi giới chứng khoán không ký hợp đồng với CTCK, không chịu sự quản lý nào từ CTCK. Họ được UBCK cấp phép hành nghề, có văn phòng riêng tự tìm kiếm khách hàng. Công việc chính của môi giới là phát triển khách hàng và tư vấn đầu tư. Quan hệ giữa họ và CTCK chỉ là thuê đường truyền để thực hiện giao dịch. Hoặc nếu được NĐT ủy quyền, họ sẽ thực hiện các giao dịch như vay mượn tiền, chứng khoán, mua bán chứng khoán… với CTCK.

Tại Việt Nam, theo quy định, NĐT có thể ủy quyền giao dịch cho các MGCK. Với việc tuyển dụng lỏng lẻo, trình độ chuyên môn chưa sâu, đạo đức nghề nghiệp chưa được kiểm chứng, việc ủy quyền giao dịch cho các môi giới tự do là điều hết sức rủi ro. UBCK cần quản lý sát sao hơn như việc yêu cầu các CTCK lập danh sách môi giới, báo cáo thường xuyên vế biến động nhân sự môi giới. Đối với các môi giới chưa đủ điều kiện thì phải thực hiện bổ sung chứng chỉ hành nghề, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm vì sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường.

Ông Tôn Tích Quý, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu chứng khoán cho rằng, cho dù các môi giới hoạt động như thế nào thì điều quan trọng là phải gắn trách nhiệm của CTCK với các môi giới này! Bởi khi xảy ra tranh chấp, khách hàng sẽ đấu tranh với các pháp nhân để đòi quyền lợi chứ không phải là cá nhân nhỏ lẻ.

Muốn hành nghề phải được cấp phép và không cần thuộc CTCK nào, hay không cần giấy phép nhưng thuộc biên chế của CTCK sẽ được hành nghề đang là hai lựa chọn khác nhau cho mô hình MGCK tại Việt Nam. Điều thị trường mong đợi là làm sao chính sách phải đi trước thực tiễn bằng tầm nhìn chiến lược nhất quán, để thúc đẩy nghiệp vụ MGCK nói riêng, TTCK nói chung phát triển.     

Đông Hải

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Góc khuất của những báo cáo phân tích (03/06/2010)

>   Chủ tịch HAG: “Hiếm doanh nghiệp nào làm được như tôi!” (03/06/2010)

>   PVI bảo hiểm toàn bộ máy bay trực thăng cho quân đội (02/06/2010)

>   Mekong Capital ngừng đầu tư vào Mai Son (02/06/2010)

>   PVA liên doanh thành lập công ty PVTI với VĐL 160 tỷ đồng (02/06/2010)

>   Tạo điều kiện cho Công đoàn mua cổ phần để tham gia HĐQT (02/06/2010)

>   DXV và SHN thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bất động sản (02/06/2010)

>   Cẩn trọng khi quỹ đầu tư “lướt sóng” (02/06/2010)

>   PVC-ME và PVX ký kết thi công Nhà máy Ethanol trị giá 117 tỷ đồng (02/06/2010)

>   MB và VCG ký thoả thuận hợp tác chiến lược (02/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật