Chọn cổ phiếu lời hơn gửi tiết kiệm
Với mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện tại dao động ở mức 11,5%/năm, thì không ít cổ phiếu hiện đang có mức dividend yeild (cổ tức/giá) hấp dẫn hơn khá nhiều. Chưa kể, đầu tư vào cổ phiếu thì điều kỳ vọng lớn của NĐT chính là hưởng lợi từ chênh lệch giá cổ phiếu.
Ngày 31/5/5010, ĐHCĐ CTCP Công nghệ mạng và Truyền thông - Infonet (mã CMT) đã thông qua phương án lợi nhuận sau thuế năm 2010 là 60 tỷ đồng trên vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Điều này tương đương với mức thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2010 khoảng 7.500 đồng. Đồng thời với kế hoạch này, Infonet cũng có kế hoạch chia cổ tức 6.000 đồng/cổ phiếu. Tính trên mức giá hiện tại (44.100 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch ngày 4/6), thì tỷ lệ cổ tức trên thị giá của cổ phiếu này (nếu trả đúng theo kế hoạch) ở mức 13,6%, cao hơn khá nhiều so với mức gửi tiết kiệm. Chưa kể, nếu định giá cổ phiếu CMT theo phương pháp so sánh (P/E) thì tính P/E bình quân thị trường ở mức 11 lần, NĐT vẫn có cơ hội kiếm lợi nhuận do kỳ vọng giá tăng lên.
Một trường hợp khác cũng đang được NĐT quan tâm thời gian gần đây là cổ phiếu VID của CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông. Theo nội dung Nghị quyết ĐHCĐ thường niên tổ chức ngày 9/4/2010, VID sẽ phát hành cổ phiếu tỷ lệ 100:19 (gồm 11% cổ tức bằng cổ phiếu và 8% cổ phiếu thưởng). Sau đó, Công ty cũng dự kiến, phương án phân phối lợi nhuận năm 2010 là sẽ chia cổ tức tối thiểu tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Dù vậy, cổ phiếu này cũng có một thời gian khá dài giao dịch ở mức 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian vừa qua, chỉ sau khi có một vài tổ chức đưa thông tin (không chính thức) về việc mua vào thì giá VID mới nhích lên mức cao hơn. Kết thúc phiên giao dịch 4/6, giá cổ phiếu VID đạt mức 15.300 đồng. Như vậy, ở mức giá này, sau khi phát hành tỷ lệ 100:19, giá cổ phiếu VID về mức 12.900 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá sau điều chỉnh này, với kế hoạch chia cổ tức 1.500 đồng/cổ phiếu thì cổ phiếu VID có tỷ lệ chia cổ tức trên thị giá ở mức 11,63%, tương đương với gửi tiết kiệm!
Một trường hợp khác cũng có mức chia cổ tức dự kiến trên giá khá hấp dẫn là cổ phiếu FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC). Với kế hoạch chia cổ tức 20% vốn điều lệ bằng tiền mặt, thị giá hiện tại là 15.800 đồng/cổ phiếu, thì cổ phiếu FMC đang có mức dividend yeild là 12,66%/năm. Trường hợp cổ phiếu CJC của CTCP Cơ điện miền Trung, mức cổ tức dự kiến cũng được dự kiến cao hơn rất nhiều gửi tiết kiệm. Theo đó, Công ty sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2009 tỷ lệ 27% bằng tiền mặt, và có kế hoạch tiếp tục chia cổ tức năm 2010 tỷ lệ 27% vốn điều lệ. Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cổ phiếu CJC chỉ ở mức 31.700 đồng.
Tất nhiên, trong mỗi trường hợp, NĐT có lý do riêng để không lựa chọn đầu tư vào những cổ phiếu này, dù DN có hoạt động kinh doanh ổn định, tình hình tài chính tốt, EPS ở mức khá cao và định giá cổ phiếu (theo phương pháp P/E) tương đối thấp. Như trường hợp cổ phiếu CMT, dù kế hoạch kinh doanh khá ổn định và DN cũng đưa ra phương án duy trì được hiệu quả kinh doanh cao như hiện tại trong các năm tới, nhưng giá CMT lại lình xình suốt thời gian vừa qua với thanh khoản ngày một sụt giảm. Theo ông Lê Thành Trung, Phó giám đốc Công ty thì nguyên nhân chính là do Công ty chưa chú trọng công tác truyền thông, quan hệ NĐT. "Từ trước, chúng tôi chỉ chú ý tới hoạt động chuyên môn mà chưa quan tâm nhiều đến công tác quan hệ NĐT. Nay, thấy giá cổ phiếu giảm nhiều, thanh khoản thấp mới thấy, có vẻ mình đang có lỗi với cổ đông hiện tại. Vì vậy, trong thời gian tới, CMT có lẽ sẽ định vị lại hình ảnh của DN với các NĐT", ông Trung cho biết.
Trường hợp cổ phiếu VID, nguyên nhân duy nhất mà NĐT có thể giải thích cho việc giá cổ phiếu này thấp ở giai đoạn trước là… thiếu đội "lái". Nhìn ở góc độ nào đó, một cổ phiếu tốt, nhưng không được nhóm "đại gia" chú ý thì cũng khó có cơ hội đưa về mặt bằng được coi là "phù hợp". Điều này đúng hơn với tâm lý đa số NĐT là thích nắm giữ những cổ phiếu "hot". Với CJC, do thanh khoản quá thấp, tăng trưởng hầu như không có trong suốt các năm vừa qua, nên dù định giá là tốt, NĐT cũng không dám vào vì sợ nguy cơ… làm cổ đông dài hạn bất đắc dĩ. Tuy vậy, với những NĐT quy mô vốn nhỏ thì việc lựa chọn đầu tư vào những mã cơ bản tốt, định giá thấp nhưng thanh khoản không cao không hẳn là không hiệu quả. Thống kê cho thấy, cổ phiếu SDU, XMC… đã có giai đoạn ở vùng giá tương ứng khoảng 6x và 3x với thanh khoản rất thấp, nhưng sau khi được nhiều NĐT quan tâm, đã có mức tăng giá hơn 50% với thanh khoản rất tốt.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|