TTCK thế giới dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật
(Vietstock) – Trong giai đoạn vừa qua, nhất là trong 3 tuần gần đây, các chỉ số chứng khoán thế giới trải qua những phiên biến động rất mạnh, gây cảm giác bối rối cho giới đầu tư và phân tích. Việc hàng loạt thị trường rơi vào trạng thái không ổn định là do những lo ngại và tin đồn về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã bắt đầu lan sang các quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu, điển hình là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Dù nguồn thông tin về kinh tế thế giới ngày càng được cải thiện, nhưng chúng tôi cho rằng việc phân tích và dự báo các vấn đề kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng lên TTCK là một công việc rất khó khăn. Trong khi đó, hầu hết các TTCK lớn trên thế giới đều là những thị trường hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc các thông tin được phản ánh một cách nhanh chóng và chính xác vào biến động giá, giúp phân tích kỹ thuật trở nên hiệu quả tại những thị trường này.
Dow Jones – Phân kỳ kép của Relative Strength Index xuất hiện
Một phân kỳ giá xuống theo khung thời gian daily cộng hưởng với một phân kỳ giá xuống theo khung thời gian weekly của Relative Strength Index có thể báo hiệu cho một sự điều chỉnh mạnh trong tương lai.
Một sự công hưởng giữa các khung thời gian với nhau ít khi xuất hiện, nhưng một khi đã hình thành thì tác dụng và ảnh hưởng sẽ rất đáng kể. Mặt khác, thời gian hình thành của phân kỳ kép lần này khá dài (hơn 8 tuần giao dịch). Điều này sẽ khiến cho quan điểm quá lạc quan về triển vọng của thị trường, nhất là triển vọng trong ngắn hạn phải được xem xét lại.
Vùng đệm EMA sẽ mang tính quyết định xu hướng
Một điều dễ nhận ra trong giai đoạn kể từ tháng 07/2009 đến nay là dù có trải qua những đợt suy giảm tương đối nặng nề nhưng chỉ số Dow Jones vẫn nằm trên vùng chống đỡ được thiết lập bởi ba đường EMA 50, EMA 100 và EMA 150.
Với quán tính hiện tại của giá, việc test lại vùng đệm EMA là gần như chắc chắn. Điểm mấu chốt là liệu vùng này có bị xuyên thủng hay không. Nếu điều này xảy ra, một sự thoái trào thực sự có thể sẽ diễn ra trên thị trường Mỹ.
Nikkei 225 – Kịch bản tháng 01/2010 lặp lại
Đây có thể coi là cách nói lạc quan với tình hình hiện nay. Cũng giống như tháng 01/2010, Ultimate Oscillator liên tục hình thành những đỉnh thấp hơn trong khi giá liên tục vươn đến những đỉnh cao hơn hoặc bằng đỉnh trước. Điều này cho thấy lực của thị trường đang dần yếu đi một cách đáng ngại.
Bên cạnh đó, breakaway gap hình thành liên tục và gần như ngay sau đó được lấp đầy ngay lập tức. Điều này cho thấy sự rối loạn trong xu hướng và rất có thể đang báo hiệu cho một thời kỳ điều chỉnh kéo dài.
Trendline chống đỡ sẽ được test trong tương lai gần
Đây có thể coi yếu tố mang tính quyết định của Nikkei 225. Với hai lần test thành công trong quá khứ và độ dốc rất thấp (chỉ xấp xỉ 20 độ), độ tin cậy của ngưỡng chống đỡ này là rất cao. Xu hướng trung hạn của thị trường Nhật sẽ được quyết định dựa trên biến động của giá xung quanh ngưỡng này.
Kịch bản được mong đợi nhất hiện nay là Nikkei 225 sẽ tiếp tục tình trạng sideway thêm 2 – 3 tuần nữa rồi bứt phá sau khi chạm vào trendline chống đỡ (vì hầu hết các trường hợp trượt ngang đều dẫn đến bứt phá khi chạm vào các ngưỡng chống đỡ mạnh). Trong trường hợp ngược lại, vùng đáy cũ 9,800 – 10,000 điểm sẽ đóng vai trò là vùng chống đỡ cho thị trường Nhật.
FTSE 100 – Giá đã rơi khỏi Kumo
Sau khi chạm phải vùng kháng cự mạnh được thiết lập bởi Fibonacci Retracement 161.8%, FTSE 100 đã xuất hiện một đợt suy giảm mạnh và kéo dài hơn 3 tuần. Sự sụt giảm này đã kéo theo một số tín hiệu kỳ thuật quan trọng. Đáng chú ý nhất là giá đã rơi khỏi Kumo. Mặc dù tín hiệu bán của Ichimoku Kinko Hyo cần cả 3 đường Tenkan-sen, Kijun-sen và Closing price rơi khỏi Kumo nhưng điều này đã báo hiệu cho một sự sụt giảm có thể tiếp tục trong tương lai.
Mặt khác, trendline chống đỡ trung hạn của FTSE 100 cũng vừa bị phá vỡ vào phiên giao dịch ngày 04/05/2010. Điều này lại càng làm cho khả năng xuất hiện thêm những đợt điều chỉnh lớn hơn.
Đâu là vùng an toàn cho chỉ số này?
Dù nguy cơ giảm giá tiếp tục đang rất lớn nhưng chúng ta cũng thấy rằng MACD Histogram đã đạt đến mức đáy ngắn hạn. Điều này không có nghĩa là giá sẽ không tiếp tục giảm nhưng nó cho thấy rằng đà giảm sẽ chậm lại và thị trường bắt đầu đi vào thời kỳ tích luỹ.
Vùng chống đỡ đáng tin cậy nhất trong ngắn hạn là vùng đáy cũ 5,000 – 5,200 điểm được thiết lập bởi Fibonacci Retracement 261.8% trung hạn. Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ mẫu hình thì sự sụt giảm (dự báo) sẽ còn lớn hơn nữa. Một mẫu hình cái nêm (Wedge Pattern) đã hình thành với breakpoint xuất hiện vào ngày 04/05/2010 có mục tiêu giá (target price) xuống đến 4,800 – 4,900 điểm. Ở đây chúng tôi không khẳng định giá sẽ giảm đến đâu mà chỉ cung cấp những kịch bản có thể xảy ra để nhìn nhận rằng lạc quan về triển vọng của thị trường này là còn quá sớm.
Như vậy, sau khi xem xét các kịch bản chúng ta đều thấy rằng, giằng co và tích luỹ nhiều khả năng sẽ là xu hướng chủ đạo của FTSE 100 nói riêng và các thị trường chứng khoán Châu Âu nói chung trong những tuần tới.
Nguyễn Quang Minh
|