Thứ Ba, 13/04/2010 15:32

Xu hướng biến động của VN-Index trong Quý II/2010

(Vietstock) – Sự sụt giảm kéo dài trong giai đoạn 16/03/2010 – 31/03/2010 và sự giằng co mạnh trong những phiên giao dịch gần đây đã gây ra sự hoài nghi trong giới đầu tư về khả năng tăng trưởng trong dài hạn của thị trường. Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm phân tích kỹ thuật thì xu hướng của thị trường trong trung và dài hạn vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Sự sụt giảm trong giai đoạn cuối tháng 03/2010 và rất có thể sẽ xảy ra trong những tuần tới mang tính chất là những đợt điều chỉnh trong một sóng tăng giá lớn (an up tide) của VN-Index.

MACD weekly sắp xuất hiện tín hiệu mua dài hạn

Kế từ tháng 01/2009 đến nay, đây có thể coi là tín hiệu mua lần thứ hai của chỉ báo này. Với quán tính hiện tại của hai đường fastline và slowline, tín hiệu mua nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong 2 – 3 tuần tới. Nếu như không có đợt thoái lùi mạnh vào cuối tháng 03/2010 thì tín hiệu này có thể đã xuất hiện sớm hơn 4 – 6 tuần.

Xét trên quan điểm dài hạn, đây là một trong những khẳng định quan trọng về xu hướng tăng điểm của thị trường. Nó cũng góp phần củng cố tín hiệu của cặp SMA 300 & 400. Tuy nhiên, cũng có một số nghi ngại cho rằng độ tin cậy của tín hiệu này không cao vì nó nằm bên trên đường zerobase. Nhưng thực tế trong quá khứ của VN-Index đã chứng minh là có khá nhiều lần tín hiệu xuất hiện bên bên đường zerobase nhưng vẫn dự báo đúng những đợt phục hồi của thị trường như giai đoạn tháng 08/2005, tháng 02/2006, tháng 11/2006... Như vậy, những nghi ngờ xung quanh vấn đề độ cao của tín hiệu có thể được giải tỏa.

Sự sụt giảm khối lượng giao dịch không thực sự đáng lo ngại

Trong các lý thuyết về phân tích kỹ thuật, điển hình là lý thuyết Dow, khối lượng giao dịch luôn được dành một vị thế quan trọng. Theo lý thuyết của Dow, một sự gia tăng của giá phải đi kèm với một sự gia tăng của khối lượng giao dịch mới đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên, đó là một nghiên cứu dựa trên nền tảng thị trường chứng khoán phát triển. Còn đối với những thị trường mới nổi đang ở giai đoạn đầu hình thành như Việt Nam, một đặc điểm dễ nhận thấy là khi thị trường lên rất khó mua được cổ phiếu ngay cả khi đặt giá cao. Vì vậy, một sự gia tăng của khối lượng giao dịch là khó khi thị trường đang ở thời kỳ đầu của một xu thế tăng giá. Vì vậy, sự sụt giảm khối lượng giao dịch trong giai đoạn vừa qua không thực sự đáng ngại.

Có thể phá vỡ trendline kháng cự dài hạn mà không cần sự đột biến của khối lượng

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là rất có thể sự phá vỡ đường trendline kháng cự dài hạn sẽ không đi kèm với một sự đột biến của khối lượng giao dịch. Lý do chủ yếu giải thích cho vấn đề này là kịch bản tháng 03/2009 có thể sẽ lặp lại. Trong phiên giao dịch ngày 24/02/2009, VN-Index chạm vào Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương mức 235.5 điểm) và sau đó bật lên khá mạnh. Đến đầu tháng 03/2009, VN-Index gặp đường trendline kháng cự dài hạn ở mức rất thấp và không trùng với đỉnh nào được thiết lập trước đó. Vì thế, sự phá vỡ đường trendline kháng cự dài hạn (đường số 1) không đi kèm với một sự đột biến khối lượng nào.

Một kịch bản tương tự đang lặp lại trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, mức độ sẽ nhẹ hơn vì độ dốc của đường giá cũng như sự điều chỉnh trước đó không lớn bằng giai đoạn đầu năm 2009, nhưng những điều kiện kỹ thuật khác thì gần như tương đương. Vì vậy, khả năng phá vỡ đường trendline kháng cự dài hạn (đường số 2) mà không cần đến một sự đột biến lớn trong khối lượng giao dịch là khá cao.

Ghi chú: Theo các lý thuyết phân tích kỹ thuật, những đỉnh (hoặc đáy) lớn trong quá khứ sẽ trở thành những ngưỡng kháng cự (hoặc hỗ trợ) mạnh trong tương lai.

Directional Movement System đang cho tín hiệu lạc quan trung hạn

Sau khi vượt lên trên –DI trong phiên giao dịch ngày 02/04/2010, +DI hầu như tăng liên tục cho đến nay. Giá trị hiện nay của +DI chỉ mới đạt 32, còn khá thấp so với các mức đỉnh trước đó (thường dao động trong khoảng từ 40 đến 50). Điều này cho thấy tiềm năng tăng giá của thị trường vẫn còn khá lớn và khả năng có những đợt giảm sâu và bất ngờ là thấp.

Đường ADX vẫn đang dao động trong vùng giá trị thấp kỷ lục: vùng 10 – 12. Do đó chỉ báo này bật lên trong thời gian tới là hoàn toàn có thể và điều này có thể sẽ khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường trong trung hạn.

Vùng chống đỡ ngắn hạn: 475 – 490. Vùng kháng cự ngắn hạn: 525 – 535

Hai đường Internal trendline đã thiết lập nên quỹ đạo tăng trưởng trong Quý II/2010 của VN-Index. Đường Internal trendline chống đỡ (màu đỏ) được hỗ trợ thêm bởi Fibonacci Retracemnet 38.2% đã tạo nên vùng hỗ trợ 475 – 490 điểm. Nếu trong những tuần tiếp theo thị trường có sự điều chỉnh ngắn hạn thì đây sẽ là vùng chống đỡ hiệu quả.

Vùng kháng cự lớn nhất của VN-Index trong ngắn hạn là 525 – 535 điểm. Có hai yếu tố khiến cho vùng này trở nên khó vượt qua. Thứ nhất, đây là vùng đỉnh cũ của tháng 01/2010 và tháng 03/2010. Với việc VN-Index hai lần tạo đỉnh trong Quý I/2010 thì nếu chỉ số này thiết lập đỉnh tại vùng này một lần nữa trong Quý II/2010 cũng không phải là đáng ngạc nhiên. Thứ hai, vùng này tập trung khá nhiều ngưỡng kháng cự mạnh như Internal Trendline, Fibonacci Retracement 23.6% dài hạn, Fibonacci Projection 50.0% trung hạn... Đó là chưa kể đến việc những chỉ số dao động quan trọng như Stochastic Oscillator, Momentum, Ultimate Oscillator, Forecast Osc... đều đã đạt đến vùng mua quá mức (overbought) nên lại càng làm tăng thêm khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường.

Yếu tố cộng hưởng từ TTCK thế giới

Với độ tương quan trên 0.8 tính từ thời điểm 02/01/2009 đến 07/04/2010, Dow Jones và Nikkei 225 là hai chỉ số chứng khoán quốc tế có mức ảnh hưởng khá lớn đối với VN-Index. Vì vậy phân tích xu hướng của hai chỉ số này là một việc cần thiết để lên kế hoạch kinh doanh trong Quý II/2010.

Dow Jones – Phân kỳ giá xuống của MACD Histogram hoàn thành sau gần 2 tháng tích lũy. Với một khoảng thời gian hình thành tương đối lâu, đây có thể coi là một tín hiệu đáng tin cậy báo hiệu cho thời kỳ tích lũy ngắn hạn của thị trường Mỹ. Năm đỉnh thấp dần của MACD Histogram tương ứng với 5 đỉnh cao dần của Dow Jones và kết thúc với tín hiệu bán của chỉ báo này cho thấy khả năng điều chỉnh đang rất lớn.

Mặt khác, không thể không đề cập đến lực cản rất lớn của Internal Trendline và Fibonacci Retracement 423.6% trung hạn. Hai yếu tố kháng cự này đã khiến cho Dow Jones hầu như không tăng trong suốt hai tuần giao dịch gần đây. Cùng với sự sụt giảm trong khối lượng giao dịch, một sự điều chỉnh ngắn hạn là hoàn toàn có thể xảy ra.

Về mặt trung và dài hạn, khoảng cách ngày càng lớn giữa hai đường Exponential Moving Average: EMA 25 & 50 chứng tỏ khả năng tăng trưởng vẫn rất lớn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn chúng tôi cho rằng cần có một sự thận trọng nhất định.

Ghi chú: Phân kỳ giá xuống là hiện tượng giá liên tục đạt đến những đỉnh cao mới trong khi một chỉ báo khác (Relative Strength Index, MACD Histogram, Stochastic Oscillator, Money Flow index...) lại xuất hiện liên tục những đỉnh thấp hơn tương ứng. Hiện tượng này được sử dụng để phán đoán trước sự điều chỉnh của giá.

Nikkei 225 – Kịch bản tháng 01/2010 có khả năng lặp lại. Sau một đợt tăng giá mạnh phá vỡ hầu như tất cả các ngưỡng kháng cự trong ngắn hạn rồi sau đó đuối sức và thoái lùi về đường trendline chống đỡ bên dưới, kịch bản tháng 01/2010 dường như đang lặp lại với Nikkei 225 nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Nếu quan sát trên CCI-Eqius chúng ta sẽ thấy khá rõ sự lặp lại của kịch bản này. Sau khi đạt đến một giá trị rất cao, chỉ báo này thiết lập đỉnh thứ hai có giá trị chỉ bằng 2/3 đỉnh cũ và sau đó lùi dần về mức 0. Đó chính là dấu hiệu cho thấy lực đẩy thị trường đã bắt đầu giảm sút và một chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn có thể bắt đầu. Vùng 10,600 – 10,800 điểm sẽ đóng vai trò chống đỡ trong ngắn hạn cho Nikkei 225.

Chốt lời danh mục ngắn hạn, ’’buy & hold” danh mục dài hạn

Với những phân tích trên, rõ ràng việc chốt lời đối với những nhà đầu tư ngắn hạn là cần thiết. Đối với những thị trường mà tâm lý nhà đầu tư rất hay phản ứng thái quá và khó lường như Việt Nam, phòng ngừa rủi ro ngắn hạn là điều nên làm khi thị trường đang đứng trước những ngưỡng kháng cự quan trọng.

Những nhà đầu tư theo trường phái dài hạn có thể tranh thủ mua vào khi VN-Index thoái lùi về vùng chống đỡ mạnh 475 – 490 điểm. Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm lạc quan đối với triển vọng dài hạn, và việc cân nhắc phân bổ danh mục cho đầu tư trung và dài hạn là nên làm. ”Buy & hold” có thể vẫn là chiến lược phát huy hiệu quả cao nhất từ đây cho đến cuối năm nói chung cũng như Quý II/2010 nói riêng.

Nguyễn Quang Minh, Chuyên viên PTKT

Các tin tức khác

>   VN-Index – Sự dịch chuyển dài hạn đang diễn ra (08/03/2010)

>   Cơ hội đầu tư dài hạn trong Quý I/2010 (08/02/2010)

>   Phân tích kỹ thuật năm 2009: Những điều đọng lại (13/01/2010)

>   VN-Index: Kịch bản nào trong ngắn hạn? (15/12/2009)

>   VN-Index – “Light of Twilight” (09/11/2009)

>   VN-Index: Điểm dừng ở đâu? (03/11/2009)

>   Tuần 26-30/10/2009: Báo cáo chiến lược thị trường  (01/11/2009)

>   S&P 500 trước ngưỡng phân tích kỹ thuật (29/10/2009)

>   Tuần 19/10-23/10: Sự tăng trưởng là khá chắc chắn (19/10/2009)

>   Hai kịch bản trong ngắn hạn cho VN-Index (15/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật