VN-Index – Sự dịch chuyển dài hạn đang diễn ra
Thời kỳ sideway kéo dài hơn một tháng đã tạo nên những dịch chuyển kỹ thuật rõ rệt. Một số tín hiệu mua dài hạn đang quay trở lại một cách hết sức mạnh mẽ bất chấp những thông tin cơ bản bất lợi, một số tín hiệu bán ngắn hạn và những lo ngại về một bull-trap mới xuất hiện. Thị trường vẫn có thể xuất hiện thêm những phiên điều chỉnh nhưng xu hướng tăng dường như đã được thiết lập theo quan điểm phân tích kỹ thuật dài hạn. Chúng ta đang chứng kiến những dịch chuyển đáng kể của các tín hiệu dài hạn trên VN-Index.
Tín hiệu mua dài hạn của SMA 300 & 400
Tín hiệu mua (buy signal) của SMA 300 & 400 xuất hiện vào ngày 10/02/2010 có thể coi là tâm điểm của Quý I/2010. Để có được tín hiệu này, VN-Index đã mất gần 14 tháng tích luỹ. Một thời gian hình thành lâu như vậy đã tạo cho tín hiệu này một độ tin cậy tương đối cao. Hai indicator này cùng với Internal Trendline sẽ là những yếu tố chống đỡ dài hạn cho VN-Index, nếu có những đợt sụt giảm xảy ra trong năm 2010.
Mặt khác, nếu chúng ta xét riêng theo trường phái MA thì sẽ thấy có một sự tương đồng giữa giai đoạn tháng 02/2010 và tháng 07/2009.
Vào tháng 07/2009, một tín hiệu mua dài hạn tương tự nhưng ở mức độ thấp hơn cũng đã hình thành. Đó là tín hiệu mua của SMA 100 & 200. Kéo theo sau đó là một loạt các tín hiệu mua ngắn hạn khác và một chu kỳ tăng giá kéo dài từ giữa tháng 07/2009 đến cuối tháng 10/2009. Vì vậy, nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi: ”Liệu lịch sử có lặp lại đối với VN-Index trong một chu kỳ lớn hơn?”
Tín hiệu mua trung hạn của Parabolic SAR weekly
Một chỉ báo khác cũng được giới phân tích kỹ thuật chú ý không kém cặp SMA 300 & 400 là Parabolic SAR weekly. Điểm khác biệt cơ bản so với cặp MA trên là với một quá khứ khiêm tốn của VN-Index (chưa đến 10 năm), các nhà phân tích có thể tính toán được một xác suất tương đối đáng tin cậy của chỉ báo này.
Chúng ta có thể thấy ngay cả trong giai đoạn downtrend kéo dài từ giữa năm 2001 đến cuối năm 2003 thì Parabolic SAR weekly chỉ sai duy nhất một lần vào tháng 05/2003. Trong những lần cho tín hiệu còn lại, VN-Index đều tăng điểm được ít nhất là 2 - 3 tuần.
Còn nếu tính từ đầu năm 2004 (giai đoạn mà nhiều người cho là khởi đầu của sóng Elliott số 1) đến nay thì chỉ báo này cũng chỉ sai một lần vào tháng 05/2007. Xác suất thành công trong giai đoạn này là 88.89%. Vào tuần giao dịch cuối cùng của tháng 02/2010 (kết thúc vào ngày 26/02/2010), tín hiệu này lại xuất hiện một lần nữa. Ngoài ra, lần cho tín hiệu này xuất phát từ một giai đoạn giảm giá và sideway ngắn hạn trước đó, chứ không phải từ một đợt tăng giá ngắn hạn đột ngột như failure tháng 05/2007 nên độ tin cậy càng được nâng lên. Đây có thể coi như một sự dịch chuyển quan trọng của VN-Index trong trung hạn và là cơ sở để những nhà đầu tư mạo hiểm mạnh dạn mua vào trong giai đoạn hiện nay, khi mà xác suất thành công trong quá khứ là khá cao.
Những tín hiệu lạc quan khác
Swing Trd 2 weekly cũng đã cắt lên trên MAST tạo thành tín hiệu mua trung hạn vào ngày 26/02/2010. Tuy nhiên, tín hiệu này cần được khẳng định một lần nữa bằng điểm cắt tiếp theo giữa Swing Trd 2 và Swing Trd 3 vì trong RMO Trade Mode tín hiệu này có độ tin cậy cao hơn và là trung tâm của hệ thống giao dịch (trading system) này. Chỉ cần thêm một tuần tăng điểm nhẹ nữa là tín hiệu mua này cũng sẽ hoàn thành, vì khoảng cách của hai đường Swing đã quá gần (Swing Trd 2: 3.107; Swing Trd 3: 4.090).
Sự đảo chiều mạnh của fastline MACD cũng là một tín hiệu đáng chú ý. Với tốc độ và quán tính hiện nay thì nhiều khả năng tín hiệu mua (buy signal) của indicator này sẽ xuất hiện vào cuối tháng 03/2010. Nhưng như chúng ta đã biết, tín hiệu mua của MACD weekly thường có độ trễ đến 3 – 5 tuần so với chuyển động của giá và có thể sẽ khiến cho chúng ta bỏ qua một khoản lợi nhuận ban đầu rất lớn.
Tín hiệu bán (sell signal) của SMA 100 & 150 liệu có đáng lo ngại?
Đây có thể coi là lý do chính khiến một số nhà đầu tư theo trường phái cẩn trọng còn lo ngại về nguy cơ VN-Index có thể xuất hiện thêm một vài đợt giảm mạnh trước khi thực sự tăng trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, những yếu tố trung hạn có thể sẽ thắng thế. Đây có thể coi là sự tương phản với giai đoạn tháng 11 – 12/2009.
Mặt khác, sự nâng đỡ của middle Bollinger Bands và những ngưỡng chống đỡ của Fibonacci ngắn hạn có thể sẽ giúp cho thị trường thoát khỏi những đợt sụt giảm sâu và bất ngờ. Chừng nào Fibonacci Retracement 61.8% và Fibonacci Projection 38.2% vẫn chưa bị break, thì những nhà đầu tư dài hạn xem xét chưa cần phải cut loss những cổ phiếu trong danh mục.
Yếu tố cộng hưởng của TTCK thế giới
Dow Jones – Đang giằng co và sideway ngắn hạn. Chỉ số này gần như sideway trong 2 tuần cuối cùng của tháng 2. Giai đoạn này cộng với sự bứt phá mạnh trước đó đã khiến cho các tín hiệu kỹ thuật không đi theo một chiều hướng nhất định. Bộ ba Ichimoku Kinko Hyo đã hoàn thành các tín hiệu mua của mình với những điểm cắt lần lượt giữa Closing Price, Tenkan-sen và Kijun-sen. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng là các tín hiệu này lại nằm ngay bên dưới ngưỡng kháng cự Kumo. Điều này làm cho độ tin cậy của các tín hiệu này giảm sút đáng kể. Hiện nay, mới chỉ có Closing Price là vượt qua được Kumo. Nếu như trong những phiên giao dịch sắp tới Tenkan-sen và Kijun-sen cũng làm được điều này thì mới có thể hi vọng về một đợt tăng giá mới bắt đầu.
Mặt khác, giá đang ở rất gần đường support trendline trong khi khối lượng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Điều này cũng góp phần làm cho khả năng bật dậy khi chạm vào trendline của Dow Jones giảm sút. Nói cách khác, Dow Jones đang ở trong vùng nhạy cảm và rất khó đoán biết dao động của chỉ số này trong thời gian tới. Tuy vậy, nhìn chung khả năng điều chỉnh mạnh của chỉ số này đã giảm đi đáng kể về mặt kỹ thuật.
SP 500 – Đã vượt qua mốc 1,107 điểm. Khác với Dow Jones, chỉ số SP 500 đã vượt qua một mốc kỹ thuật cực kỳ quan trọng và mang tính quyết định đối với xu hướng trong trung hạn của chỉ số này. Mốc 1,107 điểm từng được David Sneddon – Giám đốc phân tích kỹ thuật của Credit Suisse – đề cập đến như một trong những mốc quan trọng nhất của SP 500 trong Quý I/2010. Bởi vì nếu phân tích theo trường phái Line & Fibonacci thì khi ngưỡng kỹ thuật này bị phá vỡ sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới cho thị trường Mỹ sau một thời kỳ điều chỉnh ngắn hạn.
Fibonacci Retracement 50.0% và Fibonacci Projection 23.6% hội tụ tại mức 1,107 điểm. Ngưỡng kháng cự này càng gia tăng thêm độ vững chắc khi có thêm đường resistance trendline. Điều này giải thích cho sự điều chỉnh mạnh mẽ của SP 500 mỗi khi chạm phải nó.
Tuy nhiên, kể từ sau phiên giao dịch ngày 01/03/2010, SP 500 đã phá vỡ và dao động bên trên ngưỡng này cho đến hiện nay. Dù tín hiệu bán xuất hiện vào ngày 04/03/2010 của Stochastic Osc có thể báo hiệu cho một sự điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng chưa có dấu hiệu gì cho thấy giá sẽ điều chỉnh mạnh về mặt dài hạn. Và nếu như trong tuần này, chỉ số SP 500 vẫn duy trì trên mốc 1,107 điểm thì khả năng VN-Index sẽ nhận được sự cộng hưởng từ thị trường Mỹ trong quá trình phục hồi của mình là khá lớn.
Lạc quan trong thận trọng
Sự lạc quan quá mức và một kỳ vọng tỷ suất sinh lợi quá cao trong một năm được dự báo là sẽ có nhiều biến động lớn như năm 2010 là điều nên tránh. Các tín hiệu dài hạn và ngắn hạn đang có những mâu thuẫn rõ rệt và sự thắng thế theo quan điểm của chúng tôi có khả năng sẽ nghiêng về các yếu tố dài hạn.
Theo quan điểm ít lạc quan hơn thì những phân tích trên ít nhất cũng góp phần làm cho chúng ta an tâm về những khoản đầu tư trước sự sụt giảm có thể xảy ra trong ngắn hạn của thị trường.
Chiến thuật giải ngân từ từ trong những đợt rung lắc của thị trường vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và chốt lời khi đã đạt được mức lợi nhuận mục tiêu (tương đối) có thể là lựa chọn hợp lý trong năm nay.
Nguyễn Quang Minh, Chuyên viên PTKT Vietstock
Sài Gòn Đầu tư Tài chính
|