Thị trường:
Cơ hội đầu tư dài hạn trong Quý I/2010
(Vietstock) – Trong năm 2009, VN-Index đã có thời gian biến động mạnh khi mà chỉ số này có lúc đã tăng gần 100% so với đầu năm. Với những tín hiệu kỹ thuật hiện tại, năm 2010 được dự báo cũng sẽ là một năm nhiều thăng trầm đối với thị trường.
Chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều giai đoạn TTCK Việt Nam nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ TTCK thế giới. Tuy vậy, hầu hết các chỉ số quan trọng hiện nay đều đang tiến gần đến những ngưỡng nhạy cảm. Theo phân tích của chúng tôi đối với hai chỉ số có tương quan mạnh với VN-Index là Nikkei 225 (r = 0.872) và Dow Jones (r = 0.804), khả năng VN-Index nhận được sự cộng hưởng trong Quý I/2010 là khá thấp.
Trong khi đó, các tín hiệu kỹ thuật của VN-Index lại cho thấy việc bứt phá mạnh của chỉ số này trong Quý I/2010 có thể khó xảy ra.
VN-Index – Sự đổ dốc của xu hướng
Giai đoạn 13/11/2009 – 24/11/2009, VN-Index xuất hiện sự mâu thuẫn giữa các tín hiệu ngắn hạn và dài hạn. Kết quả là sự thắng thế nghiêng về các yếu tố dài hạn và VN-Index đã có giai đoạn giảm sâu về 434.87 điểm. Hiện nay, kịch bản này dường như đang lặp lại thêm một lần nữa.
Các chỉ báo ngắn hạn như MACD, Relative Vigor Index, DeMarker... đều đang cuẩn bị cho những tín hiệu mua ngắn hạn. Trong khi đó, yếu tố dài hạn mà đại diện tiêu biểu nhất là các SMA (Simple Moving Average) dường như đang ở một thái cực khác.
Điều này được thể hiện khá rõ nét qua sự thay đổi hệ số góc từ dương sang âm của một số SMA quan trọng như SMA 50, SMA 100 và tín hiệu bán (sell signal) giữa các SMA này lần lượt xuất hiện. Chúng tôi gọi đây là ”sự đổ dốc của xu hướng”. Nhiều khả năng nó sẽ kéo theo một sự điều chỉnh, ít nhất là cho đến hết Quý I/2010.
Sự điều chỉnh này đồng thời trùng với sóng Elliott thứ 2 lớn. Vì sóng 1 và sóng 2 lớn thường không chênh lệch quá nhiều về mặt thời gian nên cũng không quá bất ngờ nếu như sóng 2 lớn kéo dài cho đến hết Quý I/2010.
Với sự nâng đỡ của Gann Fan số 2 ngắn hạn và Gann Fan số 5 dài hạn tại vùng giá 430 - 450 thì rất có thể những đợt phục hồi ngắn hạn sẽ xuất hiện. Tuy nhiên với lực đè khá lớn từ các SMA cũng như bộ ba Alligator (bao gồm Jaws, Teeth và Lips) thì khả năng có sự bứt phá mạnh mẽ giống như Quý I/2009 sẽ khó xảy ra.
Bộ ba Ichimoku Kinko Hyo (bao gồm Closing price, Tenkan-sen và Kijun-sen) sau khi chạm vào vùng kháng cự Kumo cũng đang quay đầu đi xuống. Mặt khác, Fibonacci TimeZones cũng cho thấy nhiều khả năng giai đoạn tháng 3/2010 mới có thể là đáy thực sự của thị trường khi những mốc thời gian quan trọng đều rơi vào vùng này. Đây không hẳn là một sự khẳng định nhưng nó đem đến cho chúng ta một thái độ thận trọng cần thiết, nếu như trong thời gian tới thị trường vẫn tiếp tục có thêm những phiên tăng điểm.
Hiệu ứng cộng hưởng từ TTCK thế giới trong Quý I/2010 là khá thấp
Nikkei 225 sẽ thử thách vùng hỗ trợ 9,800 – 10,000. Sau khi đạt đến mức giá mục tiêu của mẫu hình Head & Shoulder vào cuối tháng 11/2009, Nikkei 225 đã có chuỗi tăng điểm ngoạn mục từ 9,081 lên 10,982 điểm. Tuy nhiên, song song với sự phục hồi là sự hình thành một bearish divergence khá hoàn hảo của Intraday Momentum Index, và kết quả là sau đó chỉ số này lại giảm mạnh.
Đây rõ ràng không phải là một sự giật lùi kỹ thuật khi đường giá đã phá vỡ luôn một ngưỡng chống đỡ mạnh trong ngắn hạn là Fibonacci Retracement 38.2% trong phiên giao dịch ngày 29/01/2010. Điều này cho thấy khả năng test vùng 9,800 – 10,000 là hoàn toàn có thể.
Đây là vùng chống đỡ mạnh được tạo thành bởi Longterm Support Trendline và Fibonacci Retracement 61.8% ngắn hạn. Ngoài ra, con số 10,000 cũng là một con số mang ý nghĩa tâm lý rất lớn. Vì vậy, nếu vùng này bị break thì có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một sự điều chỉnh mạnh mẽ và kéo dài của thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Dow Jones hình thành Triangle Pattern. Về mặt kỹ thuật, có hai điểm đáng lưu ý đối với chỉ số này. Thứ nhất là sự hình thành của một mẫu hình đảo chiều (reversal pattern): mẫu hình tam giác hướng lên (triangle pattern). Điểm xuất phát của mẫu hình này là ngày 06/03/2009. Đến ngày 21/01/2010 thì triangle pattern chính thức hình thành với điểm phá vỡ (breakpoint) xuất hiện. Ngay trong phiên ngày hôm sau (22/01/2010), Dow Jones cũng phá vỡ luôn một ngưỡng chống đỡ quan trọng khác là Fibonacci Retracement 50.0% dài hạn và từ đó đến nay vẫn chưa thể vượt lên trên ngưỡng này.
Theo các lý thuyết về phân tích kỹ thuật, khi một ngưỡng chống đỡ (support) bị phá vỡ thì nó sẽ trở thành một ngưỡng kháng cự (resistance) trong tương lai. Vì vậy, Fibonacci Retracement 50.0% (tương đương với mức 10,400 điểm) có thể coi là ngưỡng kháng cự trong Quý I/2010 của chỉ số này.
Với mức giá mục tiêu (target price) xuống đến 9,300 – 9,500 điểm, mẫu hình triangle cho chúng ta một cảnh báo về khả năng suy giảm mạnh của Dow Jones trong Quý I/2010.
Điểm đáng chú ý thứ hai là tín hiệu bán dài hạn (longterm sell signal) của MACD weekly xuất hiện. Thực ra tín hiệu bán này đã được báo trước bằng một bearish divergence hoàn hảo của PS MACD Histogram. Trong khi Dow Jones liên tục đạt đến những đỉnh cao hơn thì chỉ báo (indicator) này liên tục tạo những đỉnh thấp hơn. Kết quả cuối cùng là MACD cho tín hiệu điều chỉnh trong dài hạn.
Điều này không hẳn báo hiệu cho một chu kỳ sụt giảm mạnh mẽ và kéo dài của Dow Jones, nhưng nó cũng cho chúng ta biết rằng khả năng nhận được sự cộng hưởng từ thị trường Mỹ nếu như VN-Index phục hồi ngay trong Quý I/2010 là khá thấp.
Cơ hội đầu tư dài hạn trong Quý I/2010
Dù chúng ta đang ở trong một sóng tăng lớn (an uptide) nhưng rất có thể giai đoạn tích luỹ của VN-Index vẫn chưa chấm dứt. Theo quan điểm của chúng tôi, một sự hoảng loạn và sụt giảm mạnh khó có thể xảy ra trong Quý I/2010. Tuy vậy, sự giằng co và điều chỉnh nhiều khả năng sẽ đeo bám VN-Index trong một thời gian dài.
Kịch bản tăng trưởng mạnh trở lại của VN-Index vẫn có thể xảy ra nhưng xác suất là khá thấp. Với quán tính của các yếu tố kỹ thuật trung và dài hạn hiện nay, rất có thể VN-Index sẽ cần phải tích luỹ thêm một thời gian nữa trước khi bứt phá.
Sự điều chỉnh và giằng co trong Quý I/2010 kéo theo hệ quả là nhiều cổ phiếu sẽ rơi về vùng giá hấp dẫn. Nếu thực sự đúng như vậy thì cơ hội cho những nhà đầu tư lướt sóng sẽ thu hẹp dần. Thay vào đó, những nhà đầu tư dài hạn có thể sẽ thu được những thành quả tốt hơn, với chiến lược mua dần các cổ phiếu tiềm năng trong những phiên điều chỉnh của thị trường, để đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Nguyễn Quang Minh, Chuyên viên PTKT
|