Thứ Hai, 10/05/2010 09:26

Kiểm tra hoạt động kiểm toán năm 2010:

Tập trung vào chất lượng nghiệp vụ

Theo Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), sắp tới hiệp hội sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính đã kiểm toán của khoảng 20 DN.

Điểm khác biệt lần này là việc kiểm tra không chỉ mang tính thủ tục hành chính, mà đi sâu vào chất lượng báo cáo cũng như ý kiến của kiểm toán viên. Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VACPA - đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Gần đây, các báo cáo kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán có sự khác biệt lớn. Đây có phải là nguyên nhân khiến VACPA thực hiện kiểm tra về chất lượng báo cáo kiểm toán?

- Thực ra, việc kiểm tra hoạt động kiểm toán đã được triển khai từ năm 1999, nhưng mới mang tính chất thủ tục hành chính là chủ yếu: Kiểm tra tổ chức bộ máy, các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ để điều hành Cty, cơ cấu bộ máy lãnh đạo điều hành, cơ cấu nhân viên chuyên môn, quy trình tuyển dụng nhân viên, các thủ tục về kiểm toán để xem các KTV có đảm bảo tuân thủ các quy định theo chuẩn mực kiểm toán hay không... Giai đoạn đầu kiểm tra nhằm mục đích hỗ trợ Cty kiểm toán là chủ yếu.

Chủ trương năm nay khác hẳn những năm trước, số lượng Cty kiểm tra sẽ giảm hơn một chút để dành thời gian kiểm tra sâu hơn các dịch vụ mà các Cty được kiểm tra cung cấp chứ không đi vào các thủ tục như trước đây nữa.

Ví dụ, kiểm tra một báo cáo đã kiểm toán chẳng hạn, chúng tôi sẽ đi vào số liệu báo cáo tài chính của DN, tiếp đến là những vấn đề kiểm toán viên đã nêu ra trong quá trình kiểm toán. Đặc biệt cuối cùng là sẽ xem xét ý kiến toàn phần hay ngoại trừ của kiểm toán viên có đúng hay không. Dự kiến năm nay sẽ kiểm tra 20 Cty trong tháng 8-9-10 và làm chia làm 2-3 đợt.

Vậy, kết luận kiểm tra năm 2009 cho thấy đâu là những sai sót chủ yếu của Cty kiểm toán?

- Vi phạm chủ yếu là các thủ tục kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ. Thủ tục kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ là vì quy định về các thủ tục kiểm toán quá chặt chẽ và để làm được các thủ tục đó thì công sức bỏ ra rất lớn. Ở VN muốn có nhiều thời gian, công sức để làm đủ các thủ tục đó thì phí kiểm toán phải rất cao, nhưng trong điều kiện hiện nay thì DN chưa chấp nhận chi phí cao.

Cùng một khách hàng nhưng Cty kiểm toán quốc tế ở VN có thể đặt mức phí cao 10, thậm chí 20-30 lần so với Cty trong nước. Cty nước ngoài gần như làm đầy đủ các thủ tục, không thể bỏ được vì chịu sự kiểm tra của hệ thống kiểm tra Cty mẹ.

Cty kiểm toán VN thì khó hơn trong việc thu phí cao vì danh tiếng cũng chưa có, trình độ chưa cao. Chính vì chưa thể đưa được mức phí cao nên họ không thể làm được hết tất cả các thủ tục. Người VN có câu “tiền nào của nấy” là rất chính xác. Trong chuyện kiểm toán không thể có “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” được.

Tuy nhiên vẫn phải có những chuẩn mực thủ tục tối thiểu để đảm bảo chất lượng của hoạt động kiểm toán?

- Chuẩn mực quốc tế cũng như của VN quy định tất cả các khâu, thủ tục trong vận hành công việc với trình tự rất khắt khe nên việc tuân thủ đến 90-100% rất là khó, kể cả các Cty quốc tế. Chuyện làm thủ tục nào, không làm thủ tục nào quy định cũng không nói rõ và hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản thân các Cty kiểm toán, kiểm toán viên. Khi vào kiểm toán, họ sẽ đánh giá tình hình hoạt động của DN, hệ thống kiểm soát nội bộ.

Chẳng hạn khi tôi vào DN thấy TGĐ rất thận trọng, rất tuân thủ pháp luật, bộ máy rất chặt chẽ thì mức độ tin tưởng của tôi với báo cáo tài chính rất cao. Quy trình, thủ tục kiểm toán của tôi sẽ giảm đi rất nhiều và ngược lại. Tất nhiên có những thủ tục không thể bỏ được, ví dụ như kiểm tra lấy mẫu chẳng hạn, còn lấy nhiều hay ít là chuyện của từng Cty; hay thủ tục kiểm tra hàng tồn kho, đối với Cty sản xuất là quan trọng, nhưng với Cty dịch vụ lại không phải là quan trọng,...

Vậy, liệu vi phạm về thủ tục cộng với phí thấp có đồng nghĩa chất lượng báo cáo tài chính đã kiểm toán thấp không, thưa ông?

- Các Cty nước ngoài, Cty lớn, thủ tục gần như đảm bảo. Điều này cũng xuất phát từ phí cao, kiểm toán viên đông và để bảo vệ uy tín thì việc bỏ thủ tục rất ít. Bỏ thủ tục chủ yếu là DN vừa và nhỏ, mới vì đối tượng nhỏ nên không ảnh hưởng đến tổng thể, nên chất chất lượng tất nhiên là thấp hơn, nhưng đấy không phải là vấn đề lớn.

Chỉ tính riêng 4 Cty kiểm toán lớn nước ngoài ở VN đã chiếm 55% thị phần, 20-25 Cty lớn của VN chiếm 35% thị phần nữa, còn lại 10-15% thuộc về các Cty kiểm toán khác. Nhóm nhỏ này lại không kiểm toán các Cty niêm yết, DN lớn, nên cũng không đáng lo ngại.

Xin cảm ơn ông!

N.Hoàng

lao động

Các tin tức khác

>   "Giảm phí kiểm toán là tiêu cực" (09/05/2010)

>   Năm 2020 sẽ có 15 đơn vị kiểm toán nhà nước khu vực (09/05/2010)

>   Giá trị kiểm toán khi lòng tin giảm sút (07/05/2010)

>   Đồng Nai tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp (06/05/2010)

>   Lập cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư với quy mô 700 triệu USD (06/05/2010)

>   Tìm địa chỉ sinh lời cho đồng vốn (06/05/2010)

>   Bộ Tài chính “nhắc nhở” về thông tin tài chính nhạy cảm (04/05/2010)

>   Thắc mắc về giá (02/05/2010)

>   Hướng đến trung tâm tài chính quốc tế (01/05/2010)

>   Ngắn hạn và dài hạn (30/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật