Lập cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư với quy mô 700 triệu USD
Ngày 5.5, Bộ Tài chính phát đi công bố kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 13. Hội nghị diễn ra dưới sự đồng chủ toạ của Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xie Xuren.
Hội nghị tuyên bố việc thoả thuận Vận hành đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) với quy mô góp vốn trị giá 120 tỉ USD đã có hiệu lực. Sự vận hành CMIM đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3 với mục tiêu giải quyết các khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán và thanh khoản ngắn hạn cho các nước thành viên trong khu vực; góp phần tăng cường hơn nữa năng lực tự vệ của khu vực trước những rủi ro và thách thức của kinh tế toàn cầu.
Các bộ trưởng nhất trí thành lập Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và khẳng định quyết tâm sớm đưa Cơ quan này vào hoạt động vào tháng 5.2010. Đặc biệt, hội nghị cũng tuyên bố thành lập cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư với quy mô 700 triệu USD, trong đó Nhật Bản và Trung Quốc đóng góp 200 triệu USD, Hàn Quốc đóng góp 100 triệu USD, ADB đóng góp 130 triệu USD.
5 nước thành viên cũ của ASEAN là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Singapore đóng góp mỗi nước 12.6 triệu USD, Brunei cam kết 5,6 triệu USD, Việt Nam đóng 1,1 triệu USD, còn lại 3 nước Lào, Campuchia và Myanma mỗi nước đóng góp 100.000USD. Với mức cam kết đóng góp của Việt Nam là 1,1 triệu USD, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền được nhận bảo lãnh tín dụng từ CGIF với hạn mức là 140 triệu USD.
Song song với các tiến triển trong sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu Châu Á, các bộ trưởng đã nhất trí thành lập Diễn đàn Phát triển thị trường trái phiếu ASEAN+3 (ABMF) để tạo thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý thị trường và các nhà đầu tư cùng chia sẻ quan điểm về các giao dịch trái phiếu qua biên giới nhằm thúc đẩy sự chuẩn mực hoá các thị trường và hài hoà hoá khung khổ pháp lý của các thị trường trái phiếu trong khu vực.
Các bộ trưởng nhắc lại cam kết đẩy nhanh cải cách cơ cấu kinh tế sâu rộng, khuyến khích cầu nội địa và tạo công ăn việc làm, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và tăng cường hơn nữa thương mại và đầu tư.
Phạm Anh
lao động
|