"Giảm phí kiểm toán là tiêu cực"
Việc giảm phí dịch vụ của một số doanh nghiệp kiểm toán được xem là động thái tiêu cực đối với hoạt động này trong bối cảnh hiện nay.
Đó là quan điểm của ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) khi bình luận xung quanh thực tế nhiều doanh nghiệp kiểm toán đang “chơi bài ngửa” trong việc cạnh tranh thông qua việc giảm phí dịch vụ kiểm toán.
Ở một góc độ nào đấy, nếu mọi việc chỉ dừng ở việc giảm phí có thể xem là một động thái tích cực cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kiểm toán. Tuy nhiên, sau khi 3 công ty kiểm toán có uy tín công bố lỗ gần 100 tỷ đồng trong năm 2009, cộng với một số doanh nghiệp “có vấn đề” về báo cáo tài chính đã được kiểm toán, đã khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi xung quanh việc giảm phí này.
Trao đổi với VnEconomy, ông Mai nói:
- Trong giới hoạt động kiểm toán trên khắp thế giới luôn thấu có một khái niệm đó là “kiểm toán không tạo ra giá trị, lợi nhuận”. Do vậy, việc kinh doanh trong kiểm toán cũng gần như không giống với bất kỳ ngành nghề nào khác mà cụ thể là kiểm toán không có công ty đầu tư, không có công ty cổ phần, không có nhà đầu tư. Thu nhập của hoạt động kiểm toán chủ yếu là từ sức lao động, trí tuệ bỏ ra.
Cũng chính vì thế cho nên, ở góc độ nào đấy, lỗ lãi của hoạt động kiểm toán không phải là mục tiêu chủ yếu của nghề nghiệp này. Hơn nữa, việc lỗ cũng đến từ nhiều lý do, có thể xuất phát từ chiến lược kinh doanh của các công ty kiểm toán, kể cả các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Khi họ muốn gia tăng thị phần thì họ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ, trình độ nguồn nhân lực... nên có thể họ sẽ bị lỗ trong một giai đoạn hay một thời điểm nhất định nào đấy.
Bên cạnh đó, đối với một số công ty kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, họ có thể sử dụng vốn từ các chi nhánh khác, hoặc từ công ty mẹ ở các nước để bù đắp việc giảm chi phí của mình.
Nhưng điều mà dư luận quan tâm là việc giảm phí này ít nhiều sẽ liên quan đến chất lượng của các báo cáo kiểm toán?
Việc giảm chi phí dẫn đến thua lỗ của các công ty kiểm toán có liên quan đến chất lượng các báo cáo kiểm toán hay không cũng cần phải được xem xét cụ thể. Trong kiểm toán, vấn đề chất lượng sẽ liên quan đến các thủ tục kiểm toán. Nếu các thủ tục vẫn đảm bảo thì giảm phí hay lỗ lãi sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng.
Thông thường, thủ tục kiểm toán của các công ty kiểm toán nước ngoài và các công ty kiểm toán lớn của Việt Nam thì nhìn chung là được đảm bảo. Còn phần lớn các cuộc kiểm toán bị rút bớt công đoạn thường rơi vào các doanh nghiệp nhỏ, vì đối tượng khách hàng của họ cũng chỉ là những công ty nhỏ nên cũng không ảnh hưởng đến tổng thể.
Hiện nay, riêng 5 công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam đã chiếm 55% thị phần, khoảng 20 công ty lớn của Việt Nam chiếm hơn 30% thị phần, còn lại chỉ khoảng 15% thuộc về các công ty kiểm toán nhỏ nên cũng không phải là quá lo ngại đối với xã hội.
Nhưng các công ty kiểm toán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nếu giảm chi phí còn có công ty mẹ hỗ trợ. Vậy, còn công ty hoạt động độc lập hoặc các công ty kiểm toán Việt Nam nếu giảm phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán?
Hiện chúng ta đang có khoảng 131 công ty kiểm toán đang hoạt động, trong đó có 5 công ty nước ngoài. Trong số các công ty kiểm toán Việt Nam có khoảng 15 -20 công ty tương đối lớn, còn lại là vừa và nhỏ.
Các công ty kiểm toán có các phân đoạn thị trường khác nhau. Khách hàng chủ yếu của các công ty kiểm toán nước ngoài chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay các dự án lớn. Còn các công ty kiểm toán nhỏ khách hàng của họ thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, giữa các phân đoạn này vẫn có các ranh giới nhất định nên dẫn đến tình trạng giảm phí để cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán.
Nhưng nếu một doanh nghiệp kiểm toán giảm giá phí bằng cách bỏ bớt công đoạn, thủ tục trong quá trình kiểm toán thì chắc chắn chất lượng cuộc kiểm toán sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Vậy trong lĩnh vực kiểm toán, cạnh tranh bằng việc giảm phí có được xem là hợp lệ không, thưa ông?
Nếu xét về luật cạnh tranh và trong điều kiện kinh tế thị trường thì việc giảm phí của các doanh nghiệp kiểm toán là một động thái tốt, mang lợi ích cho xã hội.
Tuy nhiên, nếu xét theo góc độ nghề nghiệp kiểm toán, trong giai đoạn hiện nay thì giảm phí là một động thái tiêu cực và cần phải có biện pháp hạn chế. Bởi lẽ, với điều kiện hiện nay, mức phí mà công ty kiểm toán thu về chưa đủ để thực hiện các thủ tục kiểm toán, nên nếu giảm phí lại càng không đủ để thực hiện đầy đủ công việc kiểm toán.
Về cá nhân, tôi hoàn toàn phản đối việc giảm phí kiểm toán.
Vậy có nên tính đến một mức sàn trong việc tính phí cho các cuộc kiểm toán không, thưa ông?
Hiện ở Việt Nam thì chỉ có kiểm toán xây dựng cơ bản là có tính ra một tỷ lệ theo giá dự toán của cả dự án. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể thỏa thuận tăng thêm hay giảm đi vì tất cả đều phải theo thị trường.
Trước đây chúng tôi vẫn mong muốn đưa ra một mức phí theo nghĩa là một ngưỡng chung để các bên thỏa thuận nhưng nhiều doanh nghiệp không chấp nhận vì ngưỡng đó ít nhiều cũng làm hạn chế sự phát triển nghề nghiệp kiểm toán.
Theo pháp luật kiểm toán, đối với những doanh nghiệp bị lỗ có được tiếp tục tham gia các cuộc kiểm toán không, thưa ông?
Về luật, các doanh nghiệp này vẫn được phép hoạt động bình thường bởi trong kiểm toán có khái niệm “hoạt động liên tục”, nghĩa là khi các cơ quan quản lý chưa đưa ra bất kỳ một ý kiến nào liên quan đến việc tạm dừng hoạt động thì công ty kiểm toán vẫn được hoạt động bình thường.
Đối với các công ty kiểm toán Việt Nam nếu bị lỗ thì họ đã có bảo hiểm kinh doanh hoặc sử dụng đến khoản tài chính trích lập dự phòng rủi ro từ trước. Còn đối với các công ty kiểm toán nước ngoài, nếu lỗ sẽ có công ty mẹ hỗ trợ hoặc thu từ các nguồn khác, các chi nhánh khác ở nước ngoài.
Qua giám sát, VACPA thường phát hiện những sai phạm nào của các doanh nghiệp kiểm toán và kế hoạch kiểm tra sắp tới là gì, thưa ông?
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy vi phạm phổ biến nhất là các thủ tục kiểm toán thực hiện chưa đầy đủ bởi thực sự là các thủ tục quy định của hoạt động kiểm toán quá chặt chẽ, kỹ càng.
Trong khi đó, để thực hiện được đầy đủ thì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tất nhiên chi phí kiểm toán phải rất cao, trong khi điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam chưa chấp nhận trả chi phí cao.
Do vậy, nếu cùng một khách hàng, thì công ty kiểm toán của nước ngoài tại Việt Nam sẽ đặt phí cao gấp 10 lần, thậm chí 20 lần so với mức công ty kiểm toán của Việt Nam đưa ra và họ cũng thực hiện đầy đủ các thủ tục.
Hiện chúng tôi cũng đã lên kế hoạch kiểm tra trong năm nay đối với các doanh nghiệp kiểm toán là hội viên của mình. Với chủ trương là chi tiết và hiệu quả hơn nên số lượng công ty được kiểm toán có thể giảm đi một chút. Dự kiến chỉ kiểm tra khoảng 20 công ty kiểm toán và kết quả sẽ được công khai vào cuối năm."Giảm phí kiểm toán là tiêu cực" .
Từ Nguyên
tbktvn
|