Xuất khẩu và kết quả kinh doanh của cp ngành thủy sản
(Vietstock) - Trong một số phiên điều chỉnh của thị trường gần đây, cổ phiếu ngành thủy sản là một trong những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn, biến động mạnh hơn chỉ số VN-Index. Liệu cổ phiếu ngành thủy sản có còn hấp dẫn cho đầu tư?
Sự biến động quá mạnh của cổ phiếu ngành thủy sản trong thời gian qua được xem lại một hiện tượng không bình thường. Về nguyên tắc nhóm ngành sản xuất thủy sản được xem là ngành cơ bản, tức là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này tương đối dễ dự đoán, cổ phiếu ít biến động bất thường. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành này lại biến động mạnh trong thời gian qua. Nguyên nhân, có thể những biến động đó không hoàn toàn đến từ triển vọng của ngành nghề kinh doanh chính mà là những kỳ vọng về hoạt động đầu tư bất động sản và tài chính của các doanh nghiệp này. Dù vậy, với những doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh chính là chế biến và xuất khẩu thủy sản thì vẫn có thể đánh giá được kết quả kinh doanh qua triển vọng ngành thủy sản.
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm
Sự kỳ vọng vào ngành thủy sản những tháng cuối năm là điều dễ hiểu khi mà những năm trước đây (trừ năm 2008 do khủng hoảng tài chính) xuất khẩu thủy sản đều tăng mạnh và nhiều khả năng năm nay cũng không là một ngoại lệ. Tháng 10, xuất khẩu thủy sản ước tính chỉ đạt 430 triệu USD, tăng không đáng kể so với những tháng gần đây, con số này thấp hơn kỳ vọng của NĐT. Trong 10 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu thủy sản mới chỉ đạt 3.43 tỷ USD, giảm 10.3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu kim ngạch xuất khẩu 2 tháng cuối năm được duy trì như tháng 10 thì xuất khẩu thủy sản năm nay chỉ còn giảm 4-5%. Mức giảm này cũng tương đương dự kiến mức sút giảm xuất khẩu toàn bộ hàng hóa trong năm nay.
Nhiều người kỳ vọng xuất khẩu thủy sản những tháng còn lại của năm nay sẽ khởi sắc do triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới. Thực tế ngành thủy sản phải đối diện với nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu, giá cả vẫn chưa phục hồi. Tuy nhiên, so với những tháng cuối năm 2008 thì chắc chắn xuất khẩu thủy sản năm này tiếp tục có nhiều khởi sắc.
Doanh nghiệp thủy sản công bố báo cáo tài chính quý 3
Hiện nay, có 17 doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản đang niêm yết trên sàn. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này chủ yếu là chế biến và xuất khẩu thủy sản. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đến từ xuất khẩu. Tính trung bình 17 doanh nghiệp thì doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 70% tổng doanh thu. Vì vậy doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này dễ nhận biết thông qua kim ngạch xuất khẩu của ngành và của từng doanh nghiệp.
Tính đến ngày 28/10/2009 đã có 11/17 doanh nghiệp trong ngành thủy sản công bố báo cáo tài chính quý 3. Kết quả cho thấy lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành thủy sản không phải quá nỗi trội. Không những vậy một số doanh nghiệp trong ngành này bị thua lỗ. BAS tiếp tục thua lỗ 427 triệu đồng, nâng mức thua lỗ 9 tháng đầu năm lên hơn 5 tỷ đồng. ANV của Thủy sản Nam Việt, dù trong quý 3 đạt doanh thu 480 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ là 4.7 tỷ đồng. Tính 9 tháng đầu năm nay ANV thua lỗ 75 tỷ đồng. EPS 4 quý gần nhất của cổ phiếu này bị âm đến 3,150 đồng. Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm là ABT, lợi nhuận của ABT tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2008. EPS trailing của cổ phiếu này lên tới 7,537 đồng. Một công ty khác cũng có kết quả kinh doanh khả quan là TS4. Lợi nhuận Quý 3 của TS4 đạt 17 tỷ đồng, nâng lợi nhuận 9 tháng năm 2009 lên 26 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2008. Trong 11 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính 9 tháng năm 2009 thì chỉ có 4 doanh nghiệp có lợi nhuận giảm sút còn lại lợi nhuận đều tăng trưởng khá.
Xuất khẩu và kết quả kinh doanh doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm
Những doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính
Tính đến hết ngày 27/10 vẫn còn 6 doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản đang niêm yết chưa công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, thống kê số liệu xuất khẩu của những công ty này cho thấy kết quả kinh doanh quý 3 của những công ty có thể được cải thiện khá nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp này xuất khẩu quý 3 đều khả quan hơn 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý là FBT, xuất khẩu Quý 3 của doanh nghiệp này hơn 1.35 lần xuất khẩu 6 tháng đầu năm. Thủy sản Cadovimex (CAD) cũng có doanh thu Quý 3 lớn hơn 6 tháng đầu năm. Một đại gia ngành thủy sản là Thủy Sản Minh Phú xuất khẩu Quý 3 cũng gần bằng 80%, 6 tháng đầu năm. Doanh thu của Minh Phú trong 6 tháng đầu năm hơn 1,105 tỷ đồng, dự kiến 9 tháng đạt hơn 2,000 tỷ đồng.
Những kết quả đó cho thấy triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này trong quý 3 hứa hẹn được cải thiện nhiều so với những tháng đầu năm. Với đà phục hồi đó lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm này sẽ khả quan.
Xuất khẩu 9 tháng và kết quả kinh doanh 6 tháng của một số DN thủy sản
Liệu cổ phiếu thủy sản còn hấp dẫn?
Trên đây chúng ta vừa xem xét tình hình xuất khẩu và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản đang niêm yết. Dù kim ngạch xuất khẩu toàn ngành không cao như kỳ vọng, và ngành thủy sản đang phải đối mặt với một số khó khăn nhưng triển vọng xuất khẩu thủy sản trong 2 tháng còn lại của năm vẫn tương đối khả quan. Con số cho thấy, xuất khẩu quý 3 của các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm. Đây là những tín hiệu cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản trong những tháng cuối năm là tương đối khả quan. Sự điều chỉnh của cổ phiếu ngành này trong những phiên gần đây cùng với sự điều chỉnh của thị trường là một điều tất yếu sau khi đã tăng khá mạnh những phiên trước đó. Xét về triển vọng, một số cổ phiếu trong ngành này vẫn tương đối hấp dẫn cho đầu tư
Bá Tình
|