Thứ Năm, 29/10/2009 10:02

TTCK nhìn từ những bản báo cáo tài chính lỗ

Những phiên giao dịch trước đó, VN-Index giảm mạnh, rời khỏi ngưỡng tâm lý 600 điểm trước áp lực bán tháo trên diện rộng. Ngoài việc NĐT bán ra chốt lời sau những phiên tăng điểm trước đó, TTCK thế giới điều chỉnh giảm, thì một số doanh nghiệp thua lỗ trong quý III là một trong những nguyên nhân chính kéo VN-Index đi xuống, dù hầu hết doanh nghiệp khác đã và đang công bố kết quả kinh doanh khả quan.

Thủ phạm là sự đầu cơ

Tháng 9, cổ phiếu BAS của CTCP Basa tạo ấn tượng mạnh khi tăng giá gần gấp 3 với chuỗi 19 phiên tăng trần trong 21 phiên giao dịch. Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu đi lên theo chiều thẳng đứng, nhiều NĐT kỳ vọng Công ty có sự cải thiện kết quả kinh doanh nghèo nàn trước đó: hai quý đầu năm 2009, BAS đều thua lỗ; năm 2008, BAS chỉ hoàn thành hơn 4% kế hoạch lợi nhuận. Tuy nhiên, trung tuần tháng 10, BAS công bố lỗ 427 triệu đồng trong quý III, lũy kế 9 tháng lỗ hơn 5,17 tỷ đồng. Năm 2009, BAS đặt kế hoạch lợi nhuận 6 tỷ đồng, trả cổ tức 6% - chỉ tiêu khá khiêm tốn với một công ty có vốn điều lệ 96 tỷ đồng, nhưng giờ đây các chỉ tiêu đó trở nên chênh vênh.

Tương tự như BAS, đầu tháng 9, cổ phiếu VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam có 16 phiên tăng trần sau khi chào sàn. Từ mức giá ban đầu 30.000 đồng/CP, cổ phiếu VNI đã tăng giá lên gấp đôi. Hiện VNI đang đầu tư 2 dự án lớn: Khu trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp Vinaland Tower và Khu trung tâm thương mại - dịch vụ - căn hộ cao cấp Saigon South Center. Cả hai dự án này đang trong quá trình đầu tư. Năm 2009, chỉ tiêu lợi nhuận của VNI mang tính "tượng trưng" với 500 triệu đồng. Giả sử Công ty hoàn thành kế hoạch, tại mức giá chào sàn, cổ phiếu VNI được giao dịch với mức P/E dự phóng 2009 hơn 600 lần. Bất chấp thực tế này, kỳ vọng của NĐT đã đẩy giá cổ phiếu VNI và chỉ số P/E tăng gấp đôi. Kết thúc quý III, VNI công bố kết quả kinh doanh nghèo nàn: không có doanh thu về bán hàng và dịch vụ, lỗ lũy kế hơn 500 triệu đồng!

DQC có 12 phiên tăng trần trong tháng 10, nhưng quý III/2009, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh âm 2,8 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng âm 121 tỷ đồng; tương tự, VKP lỗ 5,65 tỷ đồng, VSP lỗ 24,6 tỷ đồng (lũy kế 9 tháng lỗ 236 tỷ đồng)…

Giá cổ phiếu tăng, trong một chừng mực nào đó, đơn giản là sự phản ánh kỳ vọng của NĐT về lợi nhuận DN. Nhưng đôi khi sự kỳ vọng chỉ thuần túy ở góc độ đầu cơ: giá cổ phiếu tăng cao hơn trong khoảng thời gian T+. Thị trường dường như đang đánh giá lại mức độ hợp lý của giá các cổ phiếu này.

Đi tìm sự chuyển biến

Sau một thời gian thua lỗ, không ít DN bắt đầu hoạt động có lãi. CTCP Nam Việt (ANV) là một ví dụ. Trong quý III/2009, ANV đạt 4,77 tỷ đồng lợi nhuận. Với một DN quy mô hàng đầu ngành thủy sản, có vốn điều lệ 660 tỷ đồng, thì kết quả trên là chưa tương xứng. Lũy kế từ đầu năm, ANV vẫn lỗ 75,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuyển biến của ANV còn đến từ bảng cân đối kế toán: trong quý III, hàng tồn kho giảm từ 638,8 tỷ đồng đầu kỳ xuống 373,3 tỷ đồng vào cuối kỳ; nợ ngắn hạn giảm từ 981,9 tỷ xuống 521 tỷ đồng… Nhưng trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ANV vẫn chịu cảnh bán tháo với 3 phiên giá sàn. Thực tế, các DN xuất khẩu cá tra và fillet như ANV vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: giá bán giảm, thậm chí giá cá tra và fillet giảm hơn cả thời điểm quý I. Xa hơn, đầu ra đứng trước yêu cầu khắt khe: kể từ ngày 1/1/2010, sản phẩm xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU phải truy xuất ngược được nguồn gốc. Rào cản này được coi là một thách thức với các DN thủy sản trong thời gian tới.

Đối với ngành vận tải biển, đặc thù của ngành này là thường có sức bật mạnh trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Trong nửa đầu năm, hầu hết các DN vận tải biển đều có kết quả kinh doanh nghèo nàn. Tuy nhiên, quý III đã ghi nhận sự chuyển mình của nhiều DN: trong quý III, CTCP Vận tải và Cho thuê tàu biển Việt Nam (VST) đạt 39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (nửa đầu năm lỗ 63,5 tỷ đồng); Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) lãi 25,4 tỷ đồng (quý II lỗ 35 tỷ đồng), CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) lãi hơn 18 tỷ đồng (quý II lỗ 17,35 tỷ đồng)…

Nhiều DN ngành khác cũng có sự cải thiện kết quả kinh doanh trong quý III, như CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đạt 17 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (quý II lỗ 5,4 tỷ đồng), CTCP MT Gas lãi 6,3 tỷ đồng (quý II lãi 2,6 tỷ đồng, 2 quý trước đó lỗ)… Ngay lập tức, TTCK đã có sự đánh giá lại: giá cổ phiếu HBC và MTG đều tăng ngay khi kết quả kinh doanh quý III được công bố.

Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp, khó khăn vẫn tiếp diễn. Quý III và  IV/2009 liên tiếp CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) thua lỗ. Khoản lỗ của TRI trong quý III là 22 tỷ đồng, lũy kế 4 quý vượt quá 200 tỷ đồng. Điều tương tự xảy ra tại CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP). Con số thua lỗ 35 tỷ đồng trong quý III đã chậm lại so với ba quý trước, nhưng mức lỗ lũy kế đã nâng lên 235 tỷ đồng. Đối với CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC), khoản lỗ 35 tỷ đồng trong quý III/2009 của Công ty này gây bất ngờ cho nhiều NĐT. Điều này cho thấy tính chất hai mặt và thất thường về lợi nhuận của một số DN khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu dự trữ.       

Giang Thanh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Đâu là giá trị thực của cổ phiếu các ngân hàng? (13/07/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật