Đâu là giá trị thực của cổ phiếu các ngân hàng?
Mặc dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng cổ phiếu của các ngân hàng được giao dịch trên thị trường không tập trung với giá được “đẩy” lên khá cao. Đã có những cảnh báo về sự đầu tư mất an toàn và không phản ánh đúng tiềm năng của các ngân hàng. Vậy đâu là giá trị thực cổ phiếu của các ngân hàng.
Sự hấp dẫn cổ tức
Giá cổ phiếu của các ngân hàng có mối quan hệ với thị trường chứng khoán. Khi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức tăng đã tác động đến sự tăng giá của các cổ phiếu không chính thức (hay còn gọi là OTC) trong đó có cổ phiếu ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá cổ phiếu của các ngân hàng thời gian vừa qua lên theo sự tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù không lên sàn nhưng hoạt động của các ngân hàng đều minh bạch, cộng với mức cổ tức khá cao của các ngân hàng trong năm 2005 và tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức hàng đầu trong các công ty hoạt động đã thu hút các nhà đầu tư.
Có ngân hàng thương mại cổ phần cho biết với mức cổ tức 20-25% đã làm cho không ít nhà đầu tư nước ngoài ngạc nhiên vì theo họ mức cổ tức 10-15% đã là lý tưởng.
Đánh giá cao tiềm năng
Thời gian gần đây thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, nhưng giá của các cổ phiếu các ngân hàng chỉ chững lại, không có dấu hiệu đi xuống. Lý giải về điều này không ít bình luận cho rằng sự xuống giá của các cổ phiếu ngân hàng sẽ chậm hơn so với sự xuống giá của VN-Index vì người ta nhìn thấy tiềm năng của ngân hàng vẫn lớn.
Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần VP Bank Lê Đắc Sơn cho biết trong thời điểm hiện nay tiềm năng ngân hàng là giá đỡ hỗ trợ cho giá các cổ phiếu ngân hàng. Khi quyết định đầu tư vào một công ty, hay ngân hàng người ta nhìn vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp đó trong tương lai. Các ngân hàng có nhiều tiềm năng về lợi nhuận cao hàng năm, tiềm năng về sự tăng vốn, tăng quy mô hoạt động để đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng và phát triển mạng lưới theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Khi tăng vốn như vậy, các cổ đông hiện hữu lại được quyền mua thêm cổ phần với giá ưu đãi. Đấy cũng chính là nguyên nhân khiến cho cổ phiếu ngân hàng giữ được giá mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự sụt giảm của VN-Index trên thị trường chính thức.
Bên cạnh đó, ngoài việc tăng vốn điều lệ, hàng năm hầu như các ngân hàng đều có một tỷ lệ lợi nhuận nhất định và họ sẽ dành để chia bằng cổ phiếu cho cổ đông. Thí dụ như ở VPBank, năm 2006, dự kiến mức cổ tức là 20% và được phân phối 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Như vậy, quyền lợi của cổ đông được bảo đảm ở mức độ cao.
Mặt bằng giá sẽ được phân loại
Hiện nay ngoại trừ cổ phiếu ACB có mức giá gấp 10 lần mệnh giá, còn hầu hết giá các cổ phiếu đang ở mức gấp 6-8 lần mệnh giá. Có khoảng 10 ngân hàng nằm trong top này, chủ yếu là các ngân hàng có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng và hoạt động từ 10 năm trở lên. Ông Sơn cũng nhận định giá cổ phiếu ngân hàng khó có thể quay về mức 1,2-1,5 như cách đây 1,5 năm. Nếu quay trở lại mức giá thấp đó chỉ khi nền kinh tế bị khủng hoảng nhưng theo dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, khủng hoảng sẽ khó xảy ra trong thời gian trước mắt, ít nhất từ nay đến 2010 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là 8%/năm. Và sự tăng trưởng của nền kinh tế bao giờ cũng gắn liền với sự phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng, kinh tế phát triển thì ngân hàng tài chính phát triển theo.
Tuy nhiên cũng đã có những cảnh báo về tình trạng lên giá của một số cổ phiếu ngân hàng mới thành lập, các ngân hàng cổ phần nông thôn. Hiện nay, cổ phiếu các ngân hàng này được rao bán với giá cao gấp 3, 4 lần mệnh giá. Các chuyên gia cho rằng đó là cái giá không hợp lý vì những ngân hàng này chưa có tiềm năng về mạng lưới, nhân sự, khách hàng và thương hiệu, thực ra họ mới chỉ có giấy phép. Các nhà đầu tư trước khi mua cổ phiếu ngân hàng phải thận trọng xem xét về năng lực hiện tai của các ngân hàng đó. Đến cuối năm 2007 đầu năm 2008 sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa các ngân hàng để nhà đầu tư có căn cứ để quyết định đầu tư. Những căn cứ để đánh giá một ngân hàng tốt và chưa tốt sẽ gồm: quy mô vốn tự có, tổng tài sản, mạng lưới hoạt động, đội ngũ cán bộ nhân viên, tỷ lệ lợi nhuận, tỷ lệ nợ quá hạn... Hiện nay, nhà đầu tư vẫn đang đầu tư theo tâm lý.
ND
|