Thứ Năm, 29/10/2009 11:14

Cổ phiếu ngân hàng: Tích luỹ cho tương lai ?

Trước đây, cồ phiếu ngân hàng (NH) đã từng là thời thượng, người ta đua nhau mua cổ phiếu NH, nhất là các cổ phiếu của NHTMNN khi cổ phần hoá… Tuy nhiên, gần đây cổ phiếu NH đặc biệt là cổ phiếu của các NHTMNN cổ phần lại đang có xu hướng giảm giá… Tại sao cổ phiếu NH vào thời điểm này lại kém hấp dẫn ?

Theo nguyên lý và xét về mặt kinh tế, giá cổ phiếu NH sẽ diễn biến theo lợi nhuận của các NH. Nếu thị trường kỳ vọng lợi nhuận tăng thì giá chứng khoán sẽ đi lên và ngược lại. Nếu trong điều kiện thị trường còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn (như chưa có dấu hiệu hồi phục thực sự) các thông tin về thị trường sẽ ngay lập tức phản ánh vào thị trường.

Lợi nhuận cao nhưng "chông chênh"

Theo báo cáo 9 tháng, các NHTM đã công bố với mức lãi rất lớn. Ví dụ như ACB: Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2008. Năm 2009, ACB đặt kế hoạch thu 2.700 tỷ đồng lợi nhuận, tổng tài sản tính đến hết quý 3/2009  tăng 50% so với cùng kỳ năm 2008; EximBank: Lợi nhuận trước thuế đạt 1.163 tỷ đồng; Maritime Bank: Lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng, tương đương 227% so với cùng kỳ năm 2008 và đã vượt khoảng 15% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2009; SCB: Lợi nhuận trước thuế hơn 600 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2008 tăng 18,13%; tổng tài  tăng 41,26% so với cùng kỳ năm 2008; vốn điều lệ bình quân và các quỹ tăng 69,69% so với cùng kỳ năm 2008, dư nợ tín dụng tăng 46,48% so với cùng kỳ 2008...

Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng, các lợi nhuận của ngân hàng hay khối tài chính mang tính khá đột biến và diễn ra trong điều kiện tăng trưởng tín dụng. Chỉ có ít NHTM công bố tăng trưởng tín dụng không đáng

là bao nhiêu, nhưng qua con số tăng tổng tài sản rất  mạnh, chúng ta cũng có thể suy ra mức tăng trưởng tín dụng rất mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ này diễn ra ngược lại với nỗ lực hạn chế trong mức 30% so với 2008 - như chủ trương của NHNN - cho thấy sự tăng trưởng tín dụng này đã hết giới hạn/ngưỡng an toàn theo nguyên tắc thận trọng. Điều đáng chú ý nữa là, các phân tích cho rằng nguồn lợi nhuận này chủ yếu là do hoàn nhập dự phòng do giá chứng khoán lên hoặc thanh lý các khoản chứng khoán... Sự tăng trưởng về lãi ở các NHTM lại có liên quan chặt chẽ với chương trình kích cầu  (hỗ trợ lãi suất) của chính phủ. Điều đó lý giải tại sao, hiện tại các nhà đầu tư vào khối ngân hàng đang mong đợi gói hỗ trợ thứ 2. Một số nhận xét rằng sự kỳ vọng quá nhiều vào gói kích cầu thứ 2 này làm cho yếu tố lợi nhuận của khu vực này trở nên bấp bênh.

Ngoài ra, các báo cáo phân tích gần đây cho thấy, tăng trưởng của thị trường vừa qua chủ yếu dựa vào "đòn bẩy tài chính". Các quan ngại tỏ ra có lý khi cho rằng mức đòn bẩy tài chính (leverage) quá cao, vượt xa so với năng lực quản lý của khu vực tài chính. Các nghiên cứu và bài học ở Mỹ từ cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn vừa qua cho thấy, ngân hàng là  khu vực hưởng lợi rất nhiều từ các đòn bẩy tài chính, nhưng chính khu vực này cũng "chịu đòn nặng" từ cái gọi là 'siêu đòn bẩy" này.

Riêng đối với các NHTM mới được cổ phần hoá, vấn đề quan ngại hiện nay vẫn là vấn đề quản trị, quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ tại các ngân hàng này cần được cải thiện. Khi vấn đề quản trị không đựoc cải thiện theo đúng mục tiêu của đề án cổ phần hoá thì việc cổ phần hoá chỉ đơn thuần là việc nộp thêm tiền vào nơi vốn đã kém hiệu quả. Quá trình đó sẽ làm ngân hàng thêm kém hiệu quả hơn.

Lợi nhuận trong tương lai từ đâu ?

Hiện tại, theo báo cáo của các NHTM, với mức khống chế tín dụng cho nền kinh tế tăng 30% so với năm 2008, đến nay "room" để cho vay của các NHTM hầu như đã hết. Có nhiều ngân hàng thậm chí đã về cán đích từ lâu. Hiện tại  lãi suất cho vay ra bị khống chế không quá 10,05%/năm, trong khi huy động đã có NHTM tăng đến mức tối đa là 10,03%/năm. Theo các chuyên gia ngân hàng, ở mức chênh lệch 0,02%/năm thì các NHTM không thể có lãi và thậm chí NHTM nào chi phí cao sẽ lỗ.

Với tình trạng thu nhập được sinh ra từ tín dụng là chính của các NHTM VN (khoảng  80% thu nhập) hiện nay thì rõ ràng, trên phương diện ngắn hạn, quý 4/2009 khối NHTM không thể có lãi nhiều (nếu như không muốn nói là lỗ).

Khi lãi suất đầu vào đang có chiều hướng gia tăng, nợ xấu có thể tăng lên, sự hồi phục kinh tế toàn cầu còn có một số bất chắc thì những ngân hàng nào có "chiến lược ổn định" sẽ là những ngân hàng được nhà đầu tư đánh giá cao. Những ngân hàng có tạm ứng cổ tức cao, đi kèm với lãi suất đầu vào cao sẽ là mối quan tâm của nhà đầu tư lướt sóng. Trên phương diện tổng thể, việc giá cổ phiếu khối ngân hàng như hiện nay là phù hợp về mặt ngắn hạn và chính điều đó lại đang đòi hỏi một cuộc cải cách mới tổng thể hơn, có bản hơn và dài hạn hơn. Việc công bố  lãi, tạm ứng cổ tức hay trả cổ tức cao chỉ là ngắn hạn và là điều hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngắn hạn, trong khi đó lại làm xói mòn giá trị ngân hàng về mặt dài hạn. Xét trên quan điểm trung hạn, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ có một trào lưu tăng trưởng mới.

ThS Lê Văn Hinh

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán chững lại (29/10/2009)

>   TTCK nhìn từ những bản báo cáo tài chính lỗ (29/10/2009)

>   Đâu là giá trị thực của cổ phiếu các ngân hàng? (13/07/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật