Thứ Sáu, 30/10/2009 14:29

Tiền chảy vào chứng khoán từ đâu?

Hơn 60% tổng số tiền giải ngân của quỹ đầu tư VF1 là khi VN-Index dưới 500 điểm. Tỷ lệ giải ngân nâng lên 80% khi chỉ số của sàn TPHCM (HOSE) ở mức 550 điểm. VF1 và VF4 đã liên tục thoái vốn khi VN-Index bắt đầu vượt mốc 580 điểm. Ngoài VFM, một số tổ chức khác đang đầu tư và đầu cơ không phải chỉ dựa vào thông tin tài chính doanh nghiệp và các chỉ số của kinh tế vĩ mô, mà chủ yếu vào tính thanh khoản của thị trường, vốn đang được cải thiện ở mức cao nhất kể từ khi HOSE ra đời.

Thanh khoản tăng gấp 100 lần

Ngày 23-10-2009 VN-Index lập kỷ lục mới về khối lượng và giá trị giao dịch với 137 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá 6.452 tỉ đồng. Thống kê số liệu của 5 phiên liền kề trước đó cho thấy trong một tuần 514,4 triệu cổ phiếu trị giá 24.608 tỉ đồng đã được trao tay, trung bình 102,8 triệu cổ phiếu và 4.921 tỉ đồng/phiên. Trên sàn Hà Nội, giá trị giao dịch cũng trong tuần đó của Hnx là 228,1 triệu cổ phiếu và 10.350 tỉ đồng. Cộng cả hai sàn, 742 triệu cổ phiếu với giá trị 34.958 tỉ đồng, tương đương 1,95 tỉ đô la Mỹ, được khớp lệnh. Thanh khoản của chứng khoán đạt mức cao chưa từng thấy.

Hãy so sánh để có thể hình dung tốc độ gia tăng thanh khoản của chứng khoán. Tháng 6-2008 khi VN-Index rớt xuống xung quanh 360 điểm, thanh khoản của HOSE chỉ trên dưới 2 triệu cổ phiếu/phiên. Ngày 5-6-2008 khối lượng khớp lệnh của HOSE chỉ có 1,3 triệu cổ phiếu. So với mức 137 triệu của ngày cuối tuần trước, thanh khoản của HOSE tăng hơn 100 lần! Tháng 2-2009 VN-Index rơi xuống đáy 235 điểm, thanh khoản của sàn TPHCM khoảng dưới 5 triệu cổ phiếu/phiên. Thí dụ khối lượng giao dịch ngày 2-2-2009 là 4,7 triệu cổ phiếu, thì thanh khoản hiện tại của thị trường gấp 25 lần. Không ít người đang tự hỏi: tiền đâu “đổ” vào chứng khoán nhiều đến vậy? Chính thanh khoản là yếu tố chủ đạo lý giải cho câu hỏi trên.

Có ý kiến cho rằng một phần tiền từ gói hỗ trợ kích cầu đang “chảy” vào chứng khoán. Có hiện tượng một số doanh nghiệp vay được tiền lãi suất thấp đã tận dụng trả nợ trước hạn và dùng tiền vay để đầu tư nhanh vào cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, liệu số đơn vị này được bao nhiêu? Các ngân hàng là người chịu trách nhiệm về cho vay và với việc tổng giám đốc tổ chức tín dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu hỗ trợ lãi suất không đúng đối tượng, thì cho vay để đầu tư chứng khoán, dù là không cố ý, khó có thể gia tăng mạnh như dòng tiền vào cổ phiếu vừa qua.

Chứng khoán đang là nơi hội tụ của sự ứ đọng nguồn tiền đầu tư bất động sản do chính sách thuế không rõ ràng; là vùng trũng hút vốn từ các tài khoản kinh doanh vàng vì sự biến động quá thất thường và rủi ro của giá vàng quốc tế những tháng gần đây; là nơi hứng tiền gửi tiết kiệm từ ngân hàng chảy sang bởi lãi suất huy động không hấp dẫn.

Một giai đoạn mới cho VN-Index?

Nhưng trên hết, nhờ thanh khoản cao, chứng khoán đang khiến cho dòng tiền đổ vào đây lưu thông nhanh hơn, quay vòng với tốc độ lớn hơn. Nếu trước đây có 10 triệu đồng trong tài khoản, nhà đầu tư chứng khoán quay vòng được 2 lần/tháng do thanh khoản kém thì tổng số tiền anh ta đầu tư (doanh số) chỉ có thể là 20 triệu đồng/tháng. Nay với thanh khoản thị trường đột biến, cũng vẫn 10 triệu đồng đó, anh ta có khả năng quay vòng 10 lần/tháng, thì doanh số đầu tư lên đến 100 triệu đồng/tháng. Quy mô quay vòng của dòng tiền cá nhân đã vậy, của các tổ chức còn khủng khiếp hơn.

Từ tháng 6-2009 đến nay, quỹ VF1 lãi hơn 800 tỉ đồng, còn từ đầu năm lãi 1.126 tỉ đồng. Các cổ phiếu niêm yết trong danh mục đầu tư của VF1 và VF4 tăng trưởng gấp 1,5 lần mức tăng trưởng chung của sàn TPHCM, gấp 2 lần mức tăng trưởng chung của sàn Hà Nội. VFM đã mạnh dạn áp dụng mô hình đầu tư Phân tích định lượng (Quantitative model), là sự kết hợp của phân tích cơ bản, kỹ thuật và số liệu thống kê dựa trên các thuật toán tiên tiến. Một mô hình đầu tư như vậy đã không được áp dụng sớm hơn khi thanh khoản của thị trường vô cùng trì trệ. Chỉ khi thị trường có thanh khoản tốt, việc xác định chính xác dấu hiệu mua bán và phân bổ đầu tư hợp lý mới thực sự hiệu quả.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, tốc độ phục hồi của chứng khoán đang nhanh hơn tốc độ phục hồi của mức tăng trưởng GDP. Ở góc độ vi mô, sự gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết không xuất phát hoàn toàn từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Lợi nhuận của doanh nghiệp được nâng lên do được hưởng lợi từ sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào, do sự ấm lại ít nhiều của thị trường bất động sản, do hoàn nhập đầu tư tài chính... Nhưng tất cả những phân tích cơ bản ấy đã không đủ sức đứng vững trước sự mở rộng thanh khoản của thị trường, của vòng quay đồng vốn. Đó là lý do vì sao nhiều tổ chức đang đầu tư vào thanh khoản của thị trường. Khi lưu lượng dòng vốn chảy nhiều hơn, thì những phiên giảm điểm sâu của chứng khoán sẽ ít hơn. Đơn giản là với thanh khoản hiện tại, nhà đầu tư cần mua là mua được, cần bán là bán được. Họ có khả năng thu hồi vốn về hay đưa vốn vào thị trường bất cứ lúc nào. Với niềm tin thanh khoản, sẽ có ít người rút vốn ra khỏi thị trường. Cùng với vòng quay, thanh khoản đẩy “lòng tham” lấn át nỗi “sợ hãi”. Ai cũng có ý nghĩ trong đầu: giả sử thị trường xuống, với thanh khoản này, vẫn rút ra kịp. Cứ thế thanh khoản cuộn lên!

Sự sang trang của thanh khoản là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán chuẩn bị chuyển lên giai đoạn phát triển ổn định. Thanh khoản càng cao, sự biến động thất thường của VN-Index sẽ càng giảm.

Lưu Hảo

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   "Giông tố" bắt nguồn từ các nhóm siêu VIP? (30/10/2009)

>   UPCoM-Index lùi dần  (29/10/2009)

>   CTM giải trình 11 phiên tăng trần liên tiếp (29/10/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Tích luỹ cho tương lai ? (29/10/2009)

>   Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán chững lại (29/10/2009)

>   TTCK nhìn từ những bản báo cáo tài chính lỗ (29/10/2009)

>   Đâu là giá trị thực của cổ phiếu các ngân hàng? (13/07/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật