"Giông tố" bắt nguồn từ các nhóm siêu VIP?
Sau phiên giao dịch ngày 23/10 khi VN-Index bất ngờ bị quật ngã với khối lượng giao dịch xác lập kỷ lục 137 triệu đơn vị, giá trị lên gần 6.500 tỷ đồng, tính đến ngày 29/10 VN-Index đã chính thức rời xa ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 600 (được giới chuyên gia đánh giá là chắc chắn) tới gần 19 điểm.
Tâm lý thị trường
Hiện tại, tâm lý mọi thành viên trên thị trường đã dần ổn định mặc dù VN-Index cũng đã có những động thái rơi tự do như phiên ngày 29/10. Đa phần mọi người đang bằng lòng với các lý giải, thời gian qua thị trường tăng quá nóng, nay VN-Index điều chỉnh là chuyện bình thường.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - một nhà đầu tư có thâm niên, thị trường điều chỉnh giảm là tất yếu khi mà nhiều mã cổ phiếu thời gian qua đã lên quá nóng và có khả năng thị trường còn tiếp tục điều chỉnh sâu hơn nữa.
Ông Nguyễn Mạnh Cường (có hoạt động đầu tư tương đối lớn) cũng đồng tình với quan điểm của ông Nghĩa, song ông Cường cho rằng, ngoài yếu tố điều chỉnh thông thường, thị trường còn bị tác động bởi dòng tin đồn có chủ định và hoạt động giao dịch bất thường của một số nhóm nhà đầu tư "siêu VIP" trên sàn.
Loạt đòn phủ đầu
Trong những ngày qua, trên thị trường hàng loạt mã cổ phiếu bị xả bán kể cả các mã đang có thông tin tốt. Đơn cử trường hợp của mã cổ phiếu SSI: Trung tuần tháng 10, SSI thông báo lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 536 tỷ đồng, ngày 20/10 Nghị quyết của Hội đồng quản trị SSI cũng đã thông qua việc chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:1.
Các thông tin tích cực trên đã giúp cho SSI có chuỗi ngày tăng giá với 5 phiên tăng trần gần như liên tiếp, lực cầu trên thị trường trung bình mỗi phiên cả chục triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, giữa phiên 23/10 cổ phiếu SSI bất ngờ bị nện sàn với khối lượng cổ phiếu bán gần 12 triệu, áp đảo hoàn toàn lực cầu. Bên mua không kịp trở tay, giá giao dịch trong phiên dao động từ mức 110.000 đồng/cổ phiếu xuống nện sàn 102.000 đồng/cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Kim Hoàn - chuyên gia tư vấn độc lập, thì biến động trên thị trường đang bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố.
“Ban đầu là hiện tượng giành thị phần của một, hai công ty chứng khoán. Trước sự lớn mạnh nhanh chóng về thị phần của một số công ty chứng khoán thông qua việc tăng cường cung cấp đòn bảy tín dụng (hạn mức T+2, T+1) cho nhà đầu tư của mình, đơn vị chứng khoán lớn hơn với cùng đội ngũ khách siêu VIP đã nhân lúc thị trường nóng và tỷ trọng nhà đầu tư dùng hạn mức lớn, họ đã xả hàng tạo “áp lực bán tháo” để giải toả hạn mức".
Kế đó, hàng loạt tin đồn thất thiệt như gói kích cầu hai không ra, sắp tới thắt chặt tín dụng, Uỷ ban chứng khoán sắp đưa ra tin xấu hay thị trường Mỹ sẽ điều chỉnh mạnh... được tung ra nhằm tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư.
Ông Hoàn cho rằng, thời điểm hiện tại, đối với thị trường thì như một đợt điều chỉnh bình thường sau một đợt hết thông tin (kết quả kinh doanh quý III của các mã cổ phiếu hầu như đã được hé mở), nhưng rõ ràng với các công ty chứng khoán trước đó đã tư vấn về triển vọng khả quan của thị trường cùng với việc mở rộng hạn mức cho các nhà đầu tư của mình thì nay đang đứng trước nguy cơ giảm uy tín.
Ai được nhiều lợi ích?
Cũng theo ông Hoàn, việc đánh sốc, bất ngờ và dùng tin xấu đã làm thị trường xuống mạnh hơn so với đợt điều chỉnh thông thường. Khi thị trường “lụt” như những phiên gần đây, nhiều mã cổ phiếu tốt bị bán giá sàn tới hàng triệu đơn vị sẽ là điều kiện thuận lợi cho đội khách siêu VIP quay lại “vợt hàng”, dễ dàng thu gom số lượng lớn với mặt bằng giá thấp.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay các mã cổ phiếu sẽ phân hóa lớn. Vì vậy, để tránh mạo hiểm các nhà đầu cơ chỉ ưu tiên các mã cổ phiếu có tin tốt mà thôi.
Ngay trong phiên giao dịch ngày 29/10, trong lúc cả thị trường đồng lòng bán tháo, VN-Index lao dốc mạnh nhất trong phiên có lúc về sát ngưỡng 575 điểm, thì về gần cuối đợt 2 lệnh mua bắt đáy bất ngờ tăng mạnh mẽ, giúp VN-Index rút ngắn khoảng cách rơi còn 18,37 điểm, chốt phiên tại mốc 581,49 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức 86,78 triệu đơn vị, giá trị dòng tiền đổ vào thị trường đạt trên 4.200 tỷ đồng.
Thực tế chỉ ra, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn tìm giải pháp an toàn, thoát ra khỏi thị trường cũng không phải là vấn đề khó bởi quá trình điều chỉnh lần này vẫn đang mở rộng cánh cửa thanh khoản.
VietNam+
|