Xả hàng trả nợ
Trong phiên giao dịch ngày 2-11, chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ sáu tháng qua. Nhận định ban đầu, có thể do nhà đầu tư đã dùng vốn vay mua chứng khoán bán để trả nợ. Thị trường giảm điểm bất kể có thông tin hỗ trợ, đó là gói kích cầu thứ hai được thông qua. Có thể hai tin đồn đang lan truyền trên thị trường khiến nhà đầu tư chùn tay là Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng và Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ thanh tra các công ty có cho vay để mua chứng khoán.
Lùm xùm vì tin đồn
Trong phiên ngày 2-11, thị trường giảm điểm dù đã được dự báo trước nhưng mức giảm quá mạnh, ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư. Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán đua nhau xả hàng phiên này, trong khi các nhà đầu tư lớn cũng đứng ngoài cuộc là lý do khiến nguồn cung áp đảo lực cầu.
Vị tổng giám đốc này cho biết tin đồn Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ thanh tra hoạt động sử dụng đòn bẩy tài chính cùng nguy cơ siết chặt tín dụng vẫn đang là nỗi “ám ảnh” của thị trường.
Chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán lớn cũng cho biết thời gian gần đây hầu hết các công ty chứng khoán đều tạm dừng dịch vụ hỗ trợ vốn cho những khách hàng quan trọng, nhà đầu tư lớn. “Không được hỗ trợ từ công ty chứng khoán, những nhà đầu tư này hạn chế tham gia thị trường, hoặc xả hàng thoát ra khỏi thị trường khiến thanh khoản giảm mạnh” - vị chuyên viên này nói.
Cũng trong buổi sáng 2-11, trên thị trường còn lan truyền tin “về kết quả cuộc họp giữa các ngân hàng và công ty chứng khoán” vào cuối tuần trước, trong đó nhiều ngân hàng tuyên bố ngừng cho vay và thu hồi nợ vay. Thông tin này gây lo ngại cho nhiều nhà đầu tư và họ đã bán chứng khoán.
Thực tế cuối tuần qua không có cuộc họp nào với các ngân hàng mà chỉ có cuộc họp giữa các ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước trong cuối tuần trước đó. Nội dung cuộc họp này sau đó đã được thông tin trên trang web của Ngân hàng Nhà nước, nội dung chính là hướng điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm và những tháng đầu năm 2010. Theo hướng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt chính sách tiền tệ, đồng thời ổn định lãi suất cơ bản, tỉ giá trong thời gian này.
Còn thông tin tại cuộc họp giữa các ngân hàng cũng không có chuyện ngân hàng sẽ thu hồi nợ. Thực tế là nguồn vốn của các ngân hàng không còn nhiều, vì vậy từ nay đến cuối năm các ngân hàng không còn nhiều tiền để cho vay. Việc này phù hợp với xu hướng chung là đà tăng tín dụng của nền kinh tế đã giảm dần trong nửa cuối năm 2009, không chỉ riêng với cho vay chứng khoán.
Lo trả nợ tiền vay
Theo các chuyên gia chứng khoán, không loại trừ khả năng các nhà đầu tư dùng vốn vay để mua chứng khoán đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra với họ là họ không còn được tiếp vốn để quay vòng, từ đó phải bán trước để có nguồn tiền trả nợ.
Cũng có thể một số nhà đầu tư nhận định có thể thị trường sẽ điều chỉnh mạnh, từ đó bán chứng khoán để dự trữ tiền mặt, chờ giá xuống thấp sẽ mua lại, khi đó sẽ sở hữu nhiều cổ phiếu hơn. Do vậy, các thông tin có liên quan đến siết tín dụng vào chứng khoán rất nhạy cảm đối với các nhà đầu tư chứng khoán và thị trường trong thời điểm hiện tại.
Sự nhạy cảm của thị trường cũng một phần là do thời gian qua, một số nhà đầu tư chứng khoán đã mạnh tay sử dụng nguồn vốn vay để mua chứng khoán. Bà Hoàng Hoa - trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt - cho biết mặc dù thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định nguồn vốn cho vay chứng khoán của các ngân hàng chỉ gần 12.000 tỉ đồng, nhưng không loại trừ vốn tín dụng có thể vào chứng khoán qua các kênh khác. Chưa hết, tình trạng lạm dụng vốn vay để mua chứng khoán cũng đã được khuyến cáo khi một số công ty chứng khoán thoáng hơn trong các điều kiện cho vay mua chứng khoán.
Ở góc độ khác cũng có chuyên gia cho rằng thị trường điều chỉnh do nhà đầu tư đang “cân đo đong đếm” về xu hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Dù Ngân hàng Nhà nước đã công bố cách thức điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có liên quan đến việc cung tiền ra nền kinh tế nhưng không ít nhà đầu tư vẫn chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Các biện pháp này luôn đi kèm với mục tiêu kiểm soát lạm phát, từ đó đã được không ít nhà đầu tư diễn giải theo hướng sẽ thắt chặt.
Theo một số chuyên gia kinh tế, có thể những nhà đầu tư này lo xa. Bởi nếu Ngân hàng Nhà nước có kiểm soát lượng cung tiền cho nền kinh tế thì cũng phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2010 là 6,5%. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nguồn vốn để ngân hàng cho vay đối với nền kinh tế không còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhận định tín dụng sẽ không tăng trong những tháng cuối năm. Giới đầu tư nhận định đây cũng là tin không tốt cho chứng khoán.
Chứng khoán giảm giá sàn
Chỉ có tám mã chứng khoán tăng giá và một mã đứng giá, trong khi có đến 175 mã giảm giá với đa số giảm sàn. VN-Index của sàn chứng khoán TP.HCM trong phiên giao dịch ngày 2-11 đã giảm 25,41 điểm (tương đương 4,33%), còn 561,71 điểm. Tại sàn chứng khoán Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 5,7% (11,36 điểm), lùi xuống còn 188,02 điểm. Không chỉ mất điểm, thanh khoản của thị trường cũng giảm khá mạnh, chỉ đạt hơn 2.852 tỉ đồng.
Đừng chạy theo tin đồn
“Đến thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa có động thái nào thanh tra hoạt động sử dụng đòn bẩy tài chính. Chúng tôi đã bác bỏ tin đồn này. Ngay tin đồn không thông qua gói kích cầu thứ hai cũng đã không đúng trong thực tế. Do vậy, nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn mà phải có quan điểm đầu tư rõ ràng” - Ông Vũ Bằng (chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước)
H.Giang- T.Sơn
Tuổi Trẻ
|