Vì sao nhiều đại biểu không tán thành sửa hai luật thuế?
Chiều nay (5/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng hợp ý kiến thảo luận từ 17 tổ về dự luật này của của đoàn thư ký kỳ họp đã cho thấy nhiều ý kiến không tán thành việc ban hành luật. Chỉ có một số ý kiến tán thành.
Những đại biểu không nhất trí với đề xuất của Chính phủ phân tích: Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật Thuế thuế thu nhập doanh nghiệp mới triển khai thi hành được gần 1 năm, chưa đủ thời gian để đánh giá, tổng kết cụ thể việc thực thi pháp luật để làm căn cứ sửa đổi luật. Nếu sửa đổi luật sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của pháp luật. Hơn nữa, dự án luật này không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 của Quốc hội. Vì vậy, chưa thể sửa đổi luật trong thời điểm hiện nay.
Xem xét báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhiều đại biểu nghiêng về phần ý kiến thiểu số (ý kiến không tán thành với sự cần thiết ban hành luật) vì mang tính thuyết phục nhiều hơn. Trong điều kiện quản lý còn nhiều sơ hở, hạn chế như hiện nay, việc ban hành luật sẽ không khả thi, quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ý kiến đại biểu tại nhiều tổ cho rằng, việc áp dụng luật sẽ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, làm phát sinh rất nhiều tiêu cực trong tổ chức thực hiện; doanh nghiệp sẽ lợi dụng quy định của luật này để được hoàn thuế giá trị gia tăng, gây thất thoát nguồn thu. Mặt khác, việc giải quyết chính sách xã hội thông qua chính sách thuế là đi ngược lại với xu hướng tách dần chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế. Đề nghị áp dụng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm thuế chưa hẳn đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Vấn đề các doanh nghiệp cần đó là có cơ chế để có thể tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Ghi nhận của VnEconomy tại một số tổ thảo luận thấy rằng, hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất với chủ trương cần hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng như Chính phủ đề xuất. Song việc sửa đổi luật, hỗ trợ thông qua doanh nghiệp không phải là giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng này .
Từ thực tế địa phương, nhiều đại biểu nhìn nhận, cách thức triển khai thực hiện thông qua việc hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng là chưa khả thi, hiệu quả đạt được có thể không cao vì doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu xã hội; ưu đãi khó đến được với người thụ hưởng; nếu không có cơ chế quản lý tốt thì sẽ bị lợi dụng; còn nhiều vấn đề đặt ra trong khâu quản lý, vận hành cần tiếp tục được xem xét, cân nhắc.
Việc bỏ tiền ngân sách đầu tư xây dựng là không hiệu quả; trên thực tế có trường hợp nhà được xây nhưng sinh viên, công nhân vẫn thuê nhà bên ngoài. Giá thành của nhà ưu đãi còn cao thì người có thu nhập thấp cũng khó tiếp cận được.
Một số vị đại biểu đề nghị, có thể ban hành nghị quyết tổng thể về vấn đề ưu đãi đối với các đối tượng này, trong đó thuế chỉ là một trong số các giải pháp. Đề nghị áp dụng thuế suất 0%, ưu đãi quỹ đất sạch cùng với cơ chế giám sát cụ thể. Bên cạnh đó cần có quy định để tách bạch giữa nhà xây dựng cho công nhân, sinh viên với nhà để kinh doanh bình thường nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, tránh gian lận thuế; bổ sung quy định làm rõ đối tượng người có thu nhập thấp là như thế nào; bổ sung quy định để tránh thất thoát, lãng phí và bảo đảm chính sách đến đúng đối tượng.
Từ những phân tích trên, nhiều vị đại biểu đã đề nghị Chính phủ trình thêm một số giải pháp khác để Quốc hội xem xét, cân nhắc, đồng thời cân nhắc thêm về việc ban hành luật, vì chưa có đủ cơ sở để thực hiện.
Nguyễn Lê
TBKTVN
|