Thứ Ba, 03/11/2009 10:10

Quốc hội và bội chi

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, người giữ chìa khoá ngân sách, mới đây đã nói với các đại biểu Quốc hội: “Chính phủ kiên trì đề nghị Quốc hội cho bội chi ngân sách ở mức 6,5% GDP và cam kết dành toàn bộ số bội chi này, tương đương 125.500 tỉ đồng cho đầu tư phát triển (năm 2010)”. Ông Ninh “kiên trì” cho rằng phải duy trì mức bội chi này mới có thể đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã ban hành vì toàn bộ phần thu ngân sách sẽ chỉ dùng để đảm bảo chi thường xuyên, an sinh xã hội và tiền lương.

Căn cứ khoản 1, khoản 2, điều 8 của luật Ngân sách nhà nước theo đó “số bội chi ngân sách nhà nước phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển và chỉ dùng để chi đầu tư phát triển”, giải thích của bộ trưởng Ninh nghe có vẻ thuyết phục, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tôn trọng pháp luật trong khoản chi tiêu khổng lồ dự kiến này. Đây là điểm mà các đại biểu Quốc hội, dù không đồng tình, thật khó phản biện một cách khoa học. Tại kỳ họp thứ 5 hồi giữa năm nay, các đại biểu đã đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Chính phủ tăng bội chi cao hơn bình thường để năm năm sau mới đưa về mức 5% GDP.

Tuy nhiên, ngoài mức bội chi này, ông Ninh đã không nhắc gì đến khoản trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng 56 ngàn tỉ đồng – việc đáng ra phải làm. Tức là bội chi ngân sách thực tế sẽ cao hơn nhiều lần mức Chính phủ báo cáo với Quốc hội.

Mặt khác, một câu hỏi không thể không đặt ra: chi tiêu ngân sách của Chính phủ thực ra đã “nghiêm” hay chưa, như bộ trưởng Ninh đã cố chứng tỏ với Quốc hội?

Tại kỳ họp tháng năm vừa rồi, trước báo cáo của Chính phủ rằng ngân sách nhà nước sẽ thu hụt 40.000 – 60.000 tỉ đồng, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi ngân sách không quá 7% GDP. Thực tế, đến cuối năm nay, thu ngân sách thậm chí vượt 0,2% dự toán (750 tỉ), chứ không hụt thu như báo cáo của Chính phủ, thế nhưng bội chi vẫn ở mức rất cao, đến 6,9% GDP. Bộ trưởng Ninh đã tránh không giải thích điều này. Một ví dụ khác: Chính phủ đã tăng các “khoản chi khác” thuộc ngân sách lên 18 lần (dự toán 620 tỉ đồng, ước thực hiện 11.722 tỉ đồng) mà chưa báo cáo Quốc hội. Đánh giá về chi tiêu ngân sách một cách tổng thể, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có “kỷ luật ngân sách”. Đây là điều mà bộ trưởng Ninh đã không thể trả lời các đại biểu một cách thuyết phục.

Câu hỏi đặt ra là, bội chi lớn như vậy có phải do Nhà nước thiếu nguồn lực tài chính hay không? Câu trả lời từ phía Chính phủ thường là thiếu, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách thường chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu chi ngân sách hàng năm. Nhưng ở góc độ khác thì câu chuyện lại khác. Hiện nay, Nhà nước đang có gần bốn mươi quỹ chuyên ngành như bảo hiểm xã hội, phát triển khoa học công nghệ, môi trường, quỹ dự phòng tài chính, mà tổng vốn lên đến 300 – 400 ngàn tỉ đồng, theo ông Đặng Văn Thanh, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế ngân sách Quốc hội. Quỹ Bảo hiểm xã hội lên tới gần 80 ngàn tỉ đồng là một ví dụ. Kết quả kiểm toán từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước vào tháng 7 vừa qua cho thấy, hầu hết số tiền này đang được gửi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn, thuộc loại lãi suất thấp nhất. Báo cáo từ cơ quan kiểm toán kết luận, việc điều hành các khoản tiền gửi này còn phân tán, lãng phí, các hợp đồng cho vay được ký kết với nhiều điều khoản bất lợi, không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư theo nguyên tắc thị trường.

Vì sao một phần của các quỹ này không được dùng đến trong bối cảnh kinh tế còn rất khó khăn mà vẫn phải tăng bội chi?

Bộ trưởng Ninh nói: “Tôi đã từng nói với các nhà báo, cũng giống như trong gia đình, khi ta xây một cái nhà, nếu chờ đủ tiền thì không biết đến bao giờ, nên phải vay thêm để xây, sau đó làm ăn để trả. Nôm na hiểu việc sử dụng ngân sách nhà nước cũng vậy”. Nhìn hiện tượng có thể là đúng như vậy, nhưng về thực chất thì còn phải bàn thêm khi mà ai cũng thấy là kỷ luật ngân sách còn chưa được tôn trọng. Đó là điều Quốc hội không thể bỏ qua trước khi phê duyệt các dự toán cho năm sau.

Tư Giang

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hỗ trợ lãi suất: 'Rượu bổ cũng không được quá chén' (03/11/2009)

>   Điều chỉnh thuế GTGT và thuế TNDN: Ai hưởng lợi? (01/11/2009)

>   Năm 2010: Kiểm toán phải theo mẫu (31/10/2009)

>   Rộ thông tin thuế nhập khẩu ôtô lên 91% (30/10/2009)

>   Doanh nghiệp lưu hàng chờ... giảm thuế! (30/10/2009)

>   Trốn thuế là một trong những tội nặng nhất (30/10/2009)

>   Mấy vấn đề cần minh định từ đầu (29/10/2009)

>   Mua bán hóa đơn GTGT: Cần phạt nặng cả người sử dụng (29/10/2009)

>   Đã kiểm tra, vẫn vi phạm: Nhà nước bó tay? (29/10/2009)

>   Chuyển nhượng bất động sản: Lách luật, né thuế (28/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật