Mua bán hóa đơn GTGT: Cần phạt nặng cả người sử dụng
“Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi mua bán hóa đơn khống còn quá nhẹ. Do vậy cần phải phạt thật nặng, mang tính tận thu, phạt cả người mua bán hóa đơn của các doanh nghiệp (DN) ma thì mới có thể góp phần làm giảm bớt tội phạm trong lĩnh vực thuế”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Bảo vệ an ninh kinh tế (PA17 - Công an TP Hà Nội), đề nghị tại hội nghị đánh giá thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục Thuế và Công an TP Hà Nội được tổ chức sáng 28-10.
Không chỉ là chuyện riêng của Hà Nội, tình trạng lập DN ma để mua bán hóa đơn khống đang là vấn nạn của cả nước.
Đau đầu với doanh nghiệp ma
Ông Nguyễn Văn Tư, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa, cho biết hành vi mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) và sử dụng hóa đơn VAT bất hợp pháp ngày càng tinh vi, trắng trợn hơn, có trường hợp còn đe dọa cả cơ quan thuế. Ông Tư dẫn chứng trường hợp điển hình là một công ty ở phường Láng Hạ (Hà Nội): “Khi kiểm tra, cơ quan thuế thấy nghi vấn vì giám đốc chỉ có trình độ lớp 2. Do chưa được cơ quan thuế cấp hóa đơn nên giám đốc DN này đã đến Chi cục Thuế quận Đống Đa làm việc với... hai người hộ tống có hình xăm đầy người. Nói thật, cán bộ thuế mà yếu gan có khi sẽ bị ngất”.
Ông Tư cho biết thực tế đa số, các DN ma thành lập để mua bán hóa đơn thường đi thuê những người có trình độ học vấn thấp, làm nghề tự do như xe ôm, bán vé số... làm giám đốc. Những DN này thường có địa chỉ đăng ký kinh doanh ở các ngõ ngách, thậm chí còn thuê gác xép để làm địa điểm kinh doanh. “Tuy nhiên, các DN ma rất chuyên nghiệp, luôn nộp tiền thuê nhà rất nghiêm chỉnh, có hóa đơn để cung cấp cho cơ quan thuế nên việc nhận biết và xử lý các trường hợp này là không đơn giản” - ông Tư nói.
Xử án treo, làm sao họ sợ?
Theo ông Nguyễn Văn Nông, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15 Công an TP Hà Nội), việc xử lý hình sự với tội phạm thuế rất khó. Vì theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2004 của Bộ Công an - TAND tối cao - VKSND tối cao - Bộ Tư pháp ngày 23-11-2004, cơ quan thuế phải xác định DN có hành vi trốn thuế với số tiền là bao nhiêu. Sau đó, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang thì cơ quan công an mới có thể xử lý. “Thực tế, nhiều trường hợp khi kết luận là DN ma thì chủ DN đã cao bay xa chạy rồi” - ông Nông ngán ngẩm.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Hoàng Mai, cho rằng để góp phần xóa sổ các DN ma thành lập ra để mua bán hóa đơn, chế tài xử phạt cần nặng hơn. “Thực tế, hầu hết các vụ việc đã chứng minh được đối tượng và hành vi phạm tội đều xử ở mức án treo!” - ông Dũng cho biết.
Cùng quan điểm với ông Dũng, Phó Trưởng phòng PA17, ông Nguyễn Anh Tuấn, nhấn mạnh nếu chế tài không nâng lên thì không thể ngăn được tình trạng mua bán hóa đơn khống. Ông Tuấn đề xuất: “Cần xử phạt thật nặng với tinh thần tận thu cả DN ma và các đơn vị sử dụng hóa đơn khống của DN ma. Nếu phát hiện DN sử dụng hóa đơn VAT bất hợp pháp thì phải truy thu thuế và phạt gấp vài ba lần số thuế đã trốn để lần sau không dám vi phạm nữa. Thực tế, hầu hết các DN mua hóa đơn bất hợp pháp không phải là DN không có tiềm lực tài chính”.
Tập trung thuế chuyển nhượng bất động sản
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng PA17 (Công an TP Hà Nội), ngành thuế và công an nên tập trung làm rõ những gian lận trong lĩnh vực thuế chuyển nhượng bất động sản. Bởi thời gian qua, nhiều dự án được chủ đầu tư mua với một vài tỷ đồng, sau đó bán lại cho người dân với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng ngân sách không thu được đồng thuế nào.
Lê Thanh
Pháp luật
|