Nên dừng ưu đãi thuế cho ôtô nội
Nếu không cẩn thận, chính sách ưu đãi lại làm lợi cho xe nhập ngoại nguyên chiếc.
Theo đề xuất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô (VAMA), chiều qua (27-10), Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với VAMA để cùng bàn thảo về chính sách thuế đối với ôtô trong năm 2010. Văn bản của VAMA do ông Akito Tachibana, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, đồng thời là chủ tịch VAMA, ký thể hiện sự lo ngại về khả năng suy giảm thị trường ôtô sau thời hạn 31-12-2009, thời điểm chính sách giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ hết hiệu lực.
Lo thị trường suy giảm
VAMA cho rằng nên từng bước dỡ bỏ những chính sách ưu đãi thuế. Bởi thị trường ôtô trong nước cuối năm nay có thể chưa thực sự phục hồi. Việc bãi bỏ ưu đãi về thuế vào cuối năm nay sẽ gây ra sự suy giảm nghiêm trọng cho thị trường.
Trước đó, VAMA cũng gửi Bộ Công thương văn bản kiến nghị giãn thời gian hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ đến hết năm 2010, sau đó từng bước dỡ bỏ ưu đãi để giúp thị trường dần ổn định.
Do kinh tế toàn cầu suy giảm, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn từ ngày 1-2-2009 giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các mặt hàng, trong đó có ôtô. Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi từ 1-5-2009; điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với hộp số, bộ ly hợp và động cơ từ các mức 15%, 22%, 23%, 25% xuống 10%, 15%, 20% tùy từng chủng loại; bộ phận của hộp số, ly hợp, động cơ từ 20% xuống 15% (áp dụng các tờ khai đăng ký hải quan từ ngày 9-3-2009).
Đồng thời, chính sách cũng gia hạn nộp thuế trong chín tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 tính trên thu nhập từ các hoạt động sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất.
Người tiêu dùng chẳng được hưởng
Tuy nhiên, sau cuộc họp chiều qua, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Đình Thi, Vụ phó Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết Bộ nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Quan trọng là tình thế của thị trường. Chính sách là phải đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan theo thị trường.
“Năng lực sản xuất xe ôtô của các doanh nghiệp tại Việt Nam còn rất hạn chế. Thực tế khi không ưu đãi thì xe cũng đã “cháy chợ”. Người dân phải xếp hàng đăng ký vài ba tháng. Hơn nữa, với thu nhập thấp nhưng người dân ở Việt Nam lại phải mua ôtô với giá cao hơn các nước phát triển hơn chúng ta như Thái Lan, Hàn Quốc... Hơn nữa, nếu chính sách ưu đãi kéo dài thì không cẩn thận, chúng ta lại hỗ trợ cho xe nhập khẩu. Xe nhập khẩu nguyên chiếc lại ào ào vào Việt Nam thì không ổn trong khi chúng ta đang dùng mọi biện pháp kiềm chế nhập siêu” - ông Thi nói.
Đồng tình, ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), tỷ lệ xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2006, số xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ 20%, năm 2007 là 23% dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2008 có đến 28% ôtô lưu thông trên đường là nhập nguyên chiếc. Còn sang năm nay, do có chính sách được miễn giảm thuế nên dự báo tỷ lệ xe ngoại nhập sẽ lên đến 32%, cứ 10 chiếc xe ôtô lưu thông ở Việt Nam thì có đến ba chiếc là xe ngoại.
Cũng không đồng tình với việc kéo dài chính sách hỗ trợ, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng nên chấm dứt vào cuối năm nay như quy định hiện hành. Thị trường ôtô trong nước trái chiều với thế giới. Trong khi ở các nước, giá xe giảm mạnh, cung luôn cao hơn cầu, còn ở Việt Nam, người dân phải xếp hàng mua xe. Chính vì vậy, việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với ôtô dường như không có ý nghĩa lắm. Người mua xe trong nước không được hưởng sự ưu đãi này.
Lê Thanh
Pháp luật
|