Điều chỉnh thuế GTGT và thuế TNDN: Ai hưởng lợi?
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp tiếp cận với nhà giá rẻ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn cần được làm rõ.
Ưu đãi thuế là đủ?
Theo báo cáo, hiện nước ta có khoảng gần 400 trường đại học và cao đẳng, đến năm 2015 quy mô đào tạo của cả mạng lưới đạt khoảng 3 triệu người. Dù đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ bảo đảm cho khoảng 60% tổng số sinh viên dài hạn tập trung có nhu cầu nội trú được ở trong ký túc xá, diện tích bình quân khoảng 3 m2/sinh viên, nhưng ký túc xá hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Về nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), cả nước đã có 228 KCN được thành lập, thu hút trên 1 triệu lao động trực tiếp và 1,2-1,5 triệu lao động gián tiếp, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 20% có chỗ ở ổn định, còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đối với người lao động có thu nhập thấp, khoảng 2/3 số cán bộ, công chức đã có chỗ ở ổn định, 1/3 còn lại (chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) chưa phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm...
Quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành áp dụng mức thuế suất đối với tất cả các loại nhà là 10%. Dự thảo sửa đổi đưa ra thuế suất 5% đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các KCN và người có thu nhập thấp. Còn theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành, chỉ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại KCN và người có thu nhập thấp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức ưu đãi cao nhất (thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo). Theo dự thảo, mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân KCN và người có thu nhập thấp, không phụ thuộc vào địa bàn đầu tư đều được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức ưu đãi cao nhất.
Việc điều chỉnh thuế GTGT và thuế TNDN áp dụng cho nhà ở như dự thảo nhằm góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, công nhân KCN, người có thu nhập thấp tiếp cận với nhà giá rẻ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật TNDN được thông qua thì người có thu nhập thấp sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (VID), đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng: Giá nhà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó thuế chỉ là một trong những nhân tố quan trọng.
Muốn đánh giá tác động đến thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp thì phải nhìn nhận dưới 3 vấn đề cốt lõi: Thứ nhất, có giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian để luật dễ đi vào cuộc sống và người dân dễ tiếp cận hay không; thứ hai là luật tác động như thế nào tới giá thành sản phẩm nhà cho người thu nhập thấp; thứ ba, phải giải quyết được mối quan hệ hài hòa với chủ đầu tư - doanh nghiệp. Nếu không có lợi nhuận, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không đầu tư. Theo tôi, bên cạnh việc giảm thuế thì cần có những chính sách ưu đãi về đất đai đối với các dự án thuộc lĩnh vực này, bởi đây mới là vấn đề mấu chốt để hạ giá thành sản phẩm, tạo ra được hiệu ứng tích cực đối với thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp. Trước mắt, Chính phủ cần tính toán, dự báo và làm rõ tổng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách trong những năm tới; dự kiến số giảm thu trong NSNN nếu áp dụng thuế suất ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án nhà ở chính sách, từ đó mới có thể đưa ra được phương án hiệu quả.
Cơ chế dân đầu tư
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đánh giá: Đa số người có thu nhập thấp không có đủ nguồn tài chính, làm thế nào để hạ giá thành nhà ở giúp họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn? Thuế là một trong những công cụ mà Nhà nước cần sử dụng hiệu quả và phải có tính toán cụ thể. Chẳng hạn, không nhất thiết phải là con số 5% như dự thảo mà có thể giảm hơn, thậm chí là 0%. Bởi nếu như giảm thuế mà giá sản phẩm giảm không đáng kể thì đối tượng thụ hưởng cũng sẽ không có điều kiện tiếp cận. Trên thực tế, không chỉ có doanh nghiệp mà nhiều cá nhân cũng đầu tư xây dựng các khu nhà cho học sinh, sinh viên, công nhân KCN thuê và phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN).
Đặc biệt là tại các KCN, phần lớn doanh nghiệp chưa xây dựng được nhà cho công nhân ở nên người lao động phải đi thuê nhà trọ tại các khu vực lân cận do người dân xây dựng. Và chính các hộ dân đó mới là những người đang giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Nhu cầu trong tương lai còn rất lớn, doanh nghiệp và Nhà nước không thể làm hết được mà phải đẩy mạnh xã hội hóa. Cơ chế người dân tự đầu tư rất nhanh, không mất nhiều thủ tục, linh hoạt trong thỏa thuận. Vì vậy, nếu như có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thì cũng nên xem xét cơ chế khuyến khích người dân.
Khó giám sát
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đi đôi với việc áp dụng thuế suất ưu đãi, dự thảo luật cần bổ sung quy định nhằm xác định tiêu chí về nhà được hưởng thuế suất ưu đãi (thế nào là nhà ở dành cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp...) nhằm tránh lợi dụng pháp luật để trốn thuế; có cơ chế kiểm soát việc áp dụng và thực hiện trên thực tế chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích đến được đúng đối tượng. Đồng thời Chính phủ phải quy định rõ biện pháp "hậu kiểm" để bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh, chống hành vi gian lận, trốn thuế, lợi dụng ưu đãi để thu lợi; bảo đảm việc thụ hưởng đúng đối tượng.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đơn vị thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật thuế TNDN, nhiều ý kiến chưa tán thành với việc sửa đổi 2 luật trên vì: Thứ nhất, do năng lực quản lý hiện nay còn hạn chế nên việc kiểm soát giá mua, giá bán nhà thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cho dù Nhà nước có áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành, chưa chắc giá bán, giá thuê nhà sẽ được giảm. Đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân KCN, học sinh, sinh viên sẽ không được hưởng lợi, còn ngân sách bị thất thu.
Thứ hai, việc căn cứ vào đối tượng mua nhà để áp dụng 2 mức thuế suất thuế GTGT khác nhau (5% và 10%) là rất phức tạp, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để được hoàn thuế GTGT. Trên thực tế, doanh nghiệp không chỉ xây nhà để bán, cho thuê đối với một loại đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân KCN, học sinh, sinh viên mà cho nhiều đối tượng khác nhau. Việc tách bạch giữa các đối tượng mua nhà để khấu trừ thuế GTGT cho doanh nghiệp là không đơn giản, sẽ dẫn đến phát sinh tiêu cực, gây thất thoát cho ngân sách. Thứ ba, việc ưu đãi thuế TNDN cho cả dự án đầu tư mở rộng sẽ dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải. Hơn nữa, qua thực tiễn thi hành luật, đã có trường hợp lợi dụng quy định này để hưởng ưu đãi, trốn thuế, gây thất thoát nguồn thu cho NSNN.
Nam Long
Hà Nội mới
|