Doanh nghiệp lưu hàng chờ... giảm thuế!
Trong khi chờ quyết định về việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu tinh quặng ilmenite, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này vẫn phải để hàng hóa lưu kho…
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định, hiện DN này tồn kho trên 2.000 tấn sản phẩm xỉ titan. Với Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), hầu hết sản phẩm xỉ titan được sản xuất kể từ khi nhà máy của Công ty khánh thành và đi vào hoạt động hồi cuối tháng 7/2009 đều lưu kho, không thể xuất khẩu.
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do giá xỉ titan trên thị trường thế giới hiện ở mức thấp, khoảng 550 USD/tấn, trong khi giá thành sản xuất tại các nhà máy đã lên tới trên 500 USD/tấn. Vấn đề là, quy định hiện hành của Bộ Tài chính về thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng xỉ titan (chưa có mã số thuế) đang ở mức khá cao (18%), nên nếu xuất khẩu lúc này thì DN sẽ bị thua lỗ nặng.
Đại diện một DN sản xuất xỉ titan cho biết, ở nước ta, lâu nay các công ty khoáng sản chủ yếu khai thác titan sa khoáng và bán thô (hoặc chế biến tinh đến 52%), với giá khoảng 50 USD/tấn. Theo đó, chỉ cần đầu tư một máy khai thác titan với giá 1 tỷ đồng, thì sau 6 tháng, DN sẽ thu hồi vốn. Như vậy, nguồn tài nguyên quý giá này đang được xuất khẩu với giá rẻ, nhưng thuế suất thuế xuất khẩu titan thô lại chỉ dừng ở con số 20%.
Trong khi đó, để sản xuất xỉ titan có độ tinh khiết cao, nhiều DN phải đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng nhà máy có công nghệ hiện đại, tập trung chế biến sâu, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho sản phẩm khi xuất khẩu, cũng như tạo giá trị gia tăng cho tài nguyên khoáng sản.
Chẳng hạn như trường hợp của SQC, sau những nỗ lực tìm kiếm mô hình phát triển từ các nước trên thế giới về tiềm năng khoáng sản titan, DN này đã quyết định xây dựng 5 lò sản xuất xỉ titan hiện đại nhất Việt Nam, với tổng sản lượng 60.000 tấn xỉ titan (độ tinh khiết lên đến 93%) và 30.000 tấn sản phẩm phụ sắt cường độ cao/năm. SQC cho biết sẽ tập trung chế biến càng sâu càng tốt quặng titan, tiến tới sản xuất dioxit titan và hợp kim TiO2 (hợp chất titan) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, các DN chủ động đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan từ nguồn sa khoáng titan có giá trị gia tăng cao hơn 20 lần so với xuất thô như như SQC lại phải chịu mức thuế suất cao ngang ngửa thuế suất thuế xuất khẩu titan thô. Nghịch lý này không kích thích các DN khoáng sản tham gia khai thác, chế biến sâu để có được các sản phẩm có giá trị cao từ quặng titan.
Xét đề nghị của Hiệp hội Titan Việt Nam và của các bộ liên quan về việc cho phép tiếp tục xuất khẩu tinh quặng ilmenite và giảm thuế, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có công văn đồng ý về nguyên tắc tiếp tục xuất khẩu tinh quặng ilmenite đến hết năm 2010.
Tại công văn này, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu tinh quặng ilmenite và các sản phẩm chế biến của tinh quặng ilmenite (bao gồm ilmenite hoàn nguyên, xỉ titan, pigment...) theo hướng tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các DN hoạt động khai khoáng titan và khuyến khích việc chế biến sâu.
Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh thuế xuất khẩu. Theo đó, Bộ Công thương cho rằng, việc điều chỉnh thuế xuất khẩu cần được xem xét cho tất cả các sản phẩm chế biến từ quặng titan.
Công văn chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã được ban hành từ tháng 3/2009, còn công văn đề nghị của Bộ Công thương cũng được ký đầu tháng 5/2009, nhưng đến nay, hàng ngàn tấn xỉ titan chế biến sâu của các DN vẫn chưa thể xuất khẩu vì thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng này vẫn không thay đổi.
Quốc Trị
ĐẦU TƯ
|