Quốc hội thảo luận về Luật Thuế tài nguyên:
"Siết" thuế để giữ tài nguyên
“Có thể tăng thuế suất, đánh thuế thật cao để nản lòng các doanh nghiệp chỉ muốn khai thác rồi xuất khẩu. Phải giữ lại những tài nguyên quý giá, không thể tái tạo cho con cháu”.
Khai thác, xuất khẩu - ăn non!
Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) cho rằng do thuế suất thấp, doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ cần khai thác rồi bán thô đã có lời. Thậm chí, việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) quá dễ dãi khiến người ta xin mỏ rồi bán trao tay, kiếm vài tỷ, hàng chục tỷ là phổ biến.
Theo ông Khải, Dự luật cần có những quy định cụ thể, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay trong việc quản lý khoáng sản ngày một cạn kiệt.
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) và một số ĐB lo ngại, với mức thuế suất thấp như Dự luật đưa ra thì chưa hạn chế được việc khai thác vô tội vạ, nhất là TNKS không tái tạo được. Nhà nước thì bị thất thu từ việc khai thác TNKS là khá lớn.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Cao Bằng Triệu Sỹ Lầu cho rằng, Dự luật cần có những quy định nhằm quản lý được TNKS ngay từ khi khai thác. “Người khai thác thường khai không đúng sản lượng; trong khi đó quy định kiểm tra, kiểm soát còn thiếu chặt chẽ. Cần có chế tài để tránh thất thoát tài nguyên” - ĐB Lầu đề nghị.
“Tại sao chúng ta cứ nghĩ rằng ta giàu tài nguyên khoáng sản, rồi cố khai thác thật nhiều để bán?”- Phó trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Ngô Văn Minh hỏi.
Theo ông Minh, đối với TNKS khai thác rồi bán thô thì phải thu thuế thật cao, không nên khuyến khích, còn với TNKS đã được chế biến tinh rồi bán thì có thể hạ thuế.
Đặc biệt, không nên giảm thuế suất đối với khoáng sản quý hiếm (như vàng hay tài nguyên rừng). Việc hạ thuế suất tài nguyên rừng từ 40 phần trăm xuống 25 phần trăm như dự thảo là không hợp lý.
Đồng tình ý kiến này, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, TNKS không tái tạo được thì phải thu thuế cao, đặc biệt không nên có quy định thuế suất bằng không, vì mọi TNKS đều là của quốc gia.
“Dự báo năm 2020 ta sẽ hết than. Không hiểu sao chúng ta vẫn cho xuất khẩu trong khi các nước láng giềng quanh ta đều mua vào. Trong tương lai gần, chắc chắn chúng ta sẽ phải mua lại của họ, chúng ta đang ăn non!”- ĐB Xuân cảnh báo.
Nên đánh thuế ngay sau khi khai thác
Theo dự luật, căn cứ để tính thuế gồm sản lượng khai thác, giá bán và mức thuế suất. Tuy nhiên, các ĐB đề nghị cần quy định cụ thể hơn, tránh việc áp dụng tùy tiện hoặc tạo kẽ hở gây thất thoát thuế.
ĐB Nghiêm Vũ Khải và một số ĐB không tán đồng với việc Dự luật đưa ra biên độ thuế suất quá rộng, như với khí than từ 0 đến 30 phần trăm. Các ĐB cho rằng biên độ thuế suất quá rộng sẽ dẫn tới tùy tiện trong vận dụng, có thể gây thất thoát thuế.
ĐBQH cũng đề nghị QH ban hành khung thuế suất và giao Ủy ban Thường vụ QH quy định mức thuế suất cụ thể cho từng thời điểm. Tuy nhiên, có ĐB đề nghị giao Chính phủ quy định khung thuế suất này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị đánh thuế vào khối lượng quặng khai thác; nếu chỉ đánh thuế sau khi sàng tuyển sẽ không chính xác, vì hàm lượng thu được còn phụ thuộc công nghệ khai thác. Để tránh thất thoát thuế, nên kê khai để tính thuế ngay sau khi TNKS được khai thác tại mỏ.
Nguyễn Tuấn
Tiền Phong
|