Thuế TNCN chuyển nhượng BĐS:
Trao quyền lựa chọn cho người nộp
Ngay khi văn bản 3929 của Tổng cục Thuế ban hành vào ngày 24-9-2009 về việc thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chuyển nhượng bất động sản (BĐS), thị trường BĐS trở nên đóng băng vì thiếu thông tin cụ thể gây bối rối cho khách hàng lẫn chủ đầu tư. Điều gây nhiều băn khoăn nhất là phương thức thu thuế, thu 2% trên tổng giá trị hợp đồng hay 25% trên chênh lệch giữa giá mua và giá bán?
Loay hoay chuyện thu 2% hay 25%
Theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm Thông tư 84/2008, Thông tư 62/2009 và Thông tư 161/2009 đều không quy định quyền được lựa chọn thuế suất mà phải theo nguyên tắc: Nếu đủ điều kiện xác định được thu nhập chịu thuế (thu nhập thuế bằng giá chuyển nhượng trừ đi giá vốn và các chi phí hợp lệ) thì áp dụng thuế suất 25% trên thu nhập chịu thuế, nếu không xác định được giá vốn hoặc xác định không đúng giá vốn tại thời điểm mua thì áp dụng thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng.
Tuy nhiên, tùy mỗi nơi lại áp dụng một kiểu thu khác nhau. Nếu như ở Hà Nội, người nộp thuế được lựa chọn áp dụng thuế suất theo mức 2% hoặc 25%, thì ở TP.HCM lại phụ thuộc vào cơ quan thuế. Thậm chí mỗi một cơ quan thuế lại áp dụng một mức thuế khác nhau, có cơ quan tính 25% trên giá chênh lệch mua và bán, nhưng có cơ quan lại áp dụng mức thuế 2% trên giá chuyển nhượng hoặc áp đặt sẵn mức thu thuế. Điều đó tạo ra sự không công bằng cho người nộp thuế.
Tại hội thảo “Bất động sản & Thuế - Điểm nóng của thị trường” diễn ra hôm qua 3-11, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Đất Xanh, cho rằng: “ Trường hợp cá nhân góp vốn với các chủ đầu tư để hưởng quyền mua căn hộ, mua nền nhà nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng lại chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác phần vốn và quyền mua nền nhà mà phải thực hiện kê khai thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS là không hợp lý. Bởi “phần góp vốn và quyền mua” chỉ đơn thuần là hoạt động đầu tư tài chính, mà hoạt động đầu tư tài chính thì thuế suất theo quy định hiện hành là 5%”.
Điều này cũng được ông Trần Minh Hoàng , Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, khẳng định: “Chưa có sự thống nhất về cách thu thuế thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường BĐS. Bên cạnh đó, chính sách thuế cần phân biệt được các hoạt động kinh doanh và hoạt động tiêu dùng BĐS. Cụ thể, với BĐS đã hình thành (có số đỏ, sổ hồng) thì thu mức thuế hợp lý có thể là 2% hoặc 25%, nhưng còn hợp đồng góp vốn mua nhà trong tương lai là hoạt động đầu tư, kinh doanh thì chỉ nên thu thuế 0,2%-0,5%. Điều này mới thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS”.
Nên để người nộp thuế được quyền lựa chọn
Ý kiến các chuyên gia cho rằng, rất khó yêu cầu người bán có đủ hóa đơn chứng từ khi chuyển nhượng hợp đồng. Hiện nay trên thị trường, khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư hủy hợp đồng cũ và làm lại hợp đồng mới cho bên nhận chuyển nhượng, giá ghi trong hợp đồng mới vẫn là giá gốc. Chủ đầu tư chỉ đứng ra xác nhận giao dịch giữa người mua-người bán bằng một phụ lục hợp đồng mà không ghi giá chuyển nhượng giữa hai bên.
Vì thế, theo ông Phùng Văn Năng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ BĐS Nam Việt: “Nếu được lựa chọn phương thức nộp 2% hay 25% thì thủ tục thu thuế sẽ nhanh chóng và tránh phiền hà cho người nộp thuế. Đồng thời với việc thu thuế chuyển nhượng BĐS, các hợp đồng góp vốn cũng phải được áp dụng chính sách miễn thuế cho những người chỉ có BĐS duy nhất”.
Bạch Điệp
Thanh niên
|