Thứ Năm, 19/11/2009 11:22

Vì lợi ích cục bộ của hệ thống ngân hàng hay của ai?

VN có bao nhiêu điều luật chẳng ăn nhập gì với cuộc sống? Thế thì phải sửa các quy định đó, chứ không phải đi ra tay "xử các tổ chức vi phạm và làm bình ổn thị trường lãi suất" - Quan điểm của TS Nguyễn Quang A.

Luật vị dân sinh chứ không vị luật

Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước đã không đề cập đến "lãi suất cơ bản" và trong phiên thảo luận tại Quốc hội Thống đốc đã bị nhiều đại biểu chất vấn.

Bà phó chủ nhiệm Uỷ  ban Tư pháp của Quốc hội truy tới tấp: Uỷ ban của bà đã bốn lần bác bỏ những đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản; nay Dự thảo lại cố tình bỏ đi.

Bà không thoả mãn với trả lời của Thống đốc và cho rằng Ngân hàng Nhà nước "đã trình hai dự án luật mà một trong những nội dung là đưa các tổ chức tín dụng thoát khỏi trần lãi suất cơ bản quy định trong Luật dân sự và có xu hướng của tự do hóa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Người dân lo ngại nếu thực hiện các chính sách như vậy liệu tỷ giá đồng tiền có được giữ ổn định". Không hiểu bà dựa vào điều tra xã hội học nào để khẳng định chắc nịch rằng "người dân lo ngại..." hay chỉ suy diễn vậy.

Bà viện dẫn đến các Điều 467, 305, 436, 474, 576, 709 của Bộ luật dân sự, đến điều 163 của Bộ luật Hình sự. Bà cho rằng "12 năm qua, bằng quy định về lãi suất cơ bản trong hệ thống pháp luật, Nhà nước đã thể hiện vai trò định hướng của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về cho vay vốn, để các quan hệ này diễn ra một cách trật tự, lành mạnh, ổn định cơ bản thị trường tiền tệ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cho vay lãi nặng, mang tính bóc lột".

Bà còn gay gắt đặt câu hỏi rằng việc làm đó của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục đích "bảo vệ cho lợi ích của ai, của Nhà nước, của nhân dân để ngăn chặn việc cho vay lãi nặng, ổn định thị trường tiền tệ, hay bảo vệ lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng?"

Hãy xem xét kỹ hơn một chút các ý kiến của bà phó Chủ nhiệm.

Thứ nhất, cần xác định dứt khoát rằng mục đích tối thượng của các luật là để phụng sự nhân dân, để phục vụ sự phát triển của đất nước, chứ không phải để phục vụ các cơ quan Nhà nước, càng không phải để phục vụ các luật khác. Luật vị dân sinh chứ không vị luật. Tôi hy vọng bà phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng thống nhất với quan điểm này.

Thứ hai, ai cũng biết các luật hiện hành của chúng ta còn rất nhiều quy định không sát với cuộc sống cần sửa đổi và cần sửa liên tục. Công việc chính của các vị dân biểu là làm việc đó. Vấn đề là làm thế nào. Nếu chỉ vin vào các điều luật hiện hành (có thể đã rất xa rời cuộc sống) mà không xem xét kỹ nhu cầu của cuộc sống thì cải cách pháp luật muôn đời dẫm chân tại chỗ. Bất cứ điều luật nào (kể cả của Hiến pháp) nếu không thoả mãn mục tiêu tối thượng nêu ở trên đều cần sửa đổi.

Vấn đề không nằm ở lãi suất cơ bản

Bây giờ hãy quay lại với "lãi suất cơ bản" và "trần lãi suất". Lãi suất cơ sở hay cơ bản (base rate) là lãi suất mà các ngân hàng thương mại lấy làm cơ sở để định ra lãi suất cho vay hay lãi suất tiền gửi của mình. Thường các ngân hàng dựa vào lãi suất chiết khấu hay lãi suất cho vay tối thiểu của ngân hàng trung ương (bank rate) làm cơ sở (tham chiếu chứ không bắt buộc).

Ngày nay trên thế giới lãi suất cơ sở không hoàn toàn dựa vào lãi suất của Ngân hàng trung ương nữa mà được xác định bởi quan hệ cung cầu vốn ngắn hạn được phản ánh qua lãi suất liên ngân hàng. Hiểu như thế thì thấy "lãi suất cơ bản" được quy định bởi khoản 12, điều 9 Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành - "lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh" - là không chuẩn, không sát với cuộc sống.

Thực ra, vấn đề rắc rối không phải là do lãi suất cơ bản mà là do quy định về trần lãi suất. Theo điều 476 của Bộ Luật Dân sự, mức trần này không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản và quy định này áp dụng cả cho các các tổ chức tín dụng.

Bất kể ai theo dõi hoạt động của hệ thống ngân hàng trong hơn chục năm qua đều thấy trần lãi suất như quy định hiện hành đã làm méo mó sự hoạt động của hệ thống, gây ra vô vàn khó khăn cho hoạt động ngân hàng và như thế thực sự đã cản trở sự phát triển của đất nước, chứ không "thể hiện vai trò định hướng của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về cho vay vốn, để các quan hệ này diễn ra một cách trật tự, lành mạnh, ổn định cơ bản thị trường tiền tệ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cho vay lãi nặng, mang tính bóc lột" như bà phó Chủ nhiệm khẳng định.

Để minh hoạ hãy lấy các số liệu của vài ngày qua. Lãi suất liên ngân hàng ngày 17-11-2009 là: lãi suất qua đêm 10%/năm; lãi suất kỳ hạn 2 tuần 10,8%/năm; lãi suất kỳ hạn dài hơn ở mức 11-12%/năm vượt xa trần lãi suất 10,5%/năm. Như thế lãi suất cơ sở của các ngân hàng thương mại (dựa vào lãi suất liên ngân hàng) vượt "lãi suất trần" và chẳng ăn nhập gì với "lãi suất cơ bản" theo luật định là 7%/năm cả.

Tình trạng này không chỉ bây giờ mới xảy ra mà đã xảy ra nhiều lần và kéo khá dài. Luật không sát với cuộc sống. Lãi suất huy động vốn hiện tại của các ngân hàng thương mại cũng khoảng 10%/năm. Để có thể hoạt động các ngân hàng phải cho vay với mức lãi suất 12-14%/năm. Nếu họ phải cho vay "theo quy định của luật" với lãi suất không quá 10,5%/năm thì toàn bộ hệ thống ngân hàng mau chóng phá sản vì thua lỗ. Chính vì thế ngân hàng nào cũng phải tìm cách "lách" bằng phí hay các công cụ khác. Luật vô hình trung đã buộc toàn bộ hệ thống phải nói dối. Đấy là thực tế cuộc sống.

Luật không sát cuộc sống, thì cuộc sống coi luật chẳng ra gì.  Đấy là một thực tế. H. De Soto viết, "luật thịnh hành ngày nay ở phương Tây không đến từ các bộ sách phủ đầy bụi hoặc từ các sách luật chính thức của chính phủ. Nó là một thực thể sống, được sinh ra trong thế giới thực và được nuôi dưỡng bởi người dân bình thường khá lâu trước khi nó rơi vào tay của các luật sư chuyên nghiệp. Luật phải được khám phá ra trước khi nó có thể được hệ thống hoá." Ông trích dẫn nhà luật học Bruno Leoni,  "...luật là cái gì đó phải được phát hiện ra hơn là phải được ban hành và chẳng ai có uy quyền trong xã hội đến mức có thể đồng nhất hoá ý chí riêng của mình với luật của đất nước" (Sự bí ẩn của vốn, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 192).

Việt Nam có bao nhiêu điều luật chẳng ăn nhập gì với cuộc sống? Hẳn là không ít, và quy định về lãi suất cơ bản và lãi suất trần là như vậy. Thế thì phải sửa các quy định đó, chứ không phải đi ra tay "xử các tổ chức vi phạm và làm bình ổn thị trường lãi suất" [thị trường lãi suất?] như đòi hỏi của bà phó Chủ nhiệm, vì nếu làm nghiêm theo lời khuyên của bà thì cả hệ thống sẽ sụp đổ. Hệ thống ngân hàng sụp đổ thì là tai hoạ cho nền kinh tế và cho nhân dân. Và xét cho cùng nếu làm thế là không vì dân mà vì ý chí riêng của ai đó. May là Ngân hàng Nhà nước đủ tỉnh táo để không nghe theo ý của bà.

Đúng là cần phải chống nạn cho vay nặng lãi. Song quy định hiện hành không chống được nạn cho vay nặng lãi. Bà phó Chủ nhiệm và các vị đại biểu Quốc hội hãy sát thực tế hơn và sẽ thấy ngay khẳng định của tôi là đúng.

Có lẽ phải tìm các giải pháp khác sát thực tế hơn. Nếu vẫn cứ muốn giữ điều 467 của Bộ luật dân sự, thì tôi kiến nghị nên hành văn lại theo tinh thần thay "không quá 150% lãi suất cơ bản" bằng "không quá 150% lãi suất liên ngân hàng có cùng kỳ hạn hay có kỳ hạn gần nhất tương ứng". Chỉ cần thay như vậy là luật sát thực tế hơn và có thể giải toả được vô vàn khó khăn do chính bản thân luật mà các vị ban hành gây ra.

Mặt khác, cũng nên xem xét mức độ cho vay nặng lãi là bao nhiêu. Có thể tiến hành điều tra xã hội học để đo lường hay ước lượng. Liệu đã có điều tra nào như vậy để làm cơ sở cho các nhà làm luật. Tôi nghĩ là chưa. Theo cảm nhận của tôi, nếu so với tổng tín dụng cỡ 1.300 ngàn tỷ đồng do hệ thống ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế, thì tổng các khoản vay của người dân với nhau và được người dân coi là cho vay nặng lãi không thể quá 0,1% (một ngàn ba trăm tỷ).

Nếu cảm nhận của tôi là đúng và xét đến tính bất khả thi của các chế tài đối với cho vay nặng lãi thì thực sự không cần mất quá nhiều công sức để bàn vấn đề này. Nên tìm cách khác để giải quyết vấn đề cho vay nặng lãi. Còn nếu suy nghĩ như bà phó Chủ nhiệm, thì theo tôi ít nhất 50% (tức khoảng 700 ngàn tỷ đồng) tín dụng là cho vay nặng lãi, xử lý nghiêm chắc chắn khiến hệ thống sụp đổ.

Độc giả có thể tự đánh giá giữa những người kiến nghị thay đổi quy định lãi suất cơ bản, lãi suất trần và những người khăng khăng muốn giữ chúng, thì ai vì dân và ai vì lợi ích cục bộ.

 TS Nguyễn Quang A

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Áp lực huy động vốn ngày một tăng (19/11/2009)

>   SeABank sẽ thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu (19/11/2009)

>   Cho vay mua nhà: Cần nhà băng chủ động (18/11/2009)

>   ANZ thay đổi hệ thống nhận diện toàn cầu (18/11/2009)

>   "Chấm điểm" Thống đốc Ngân hàng sau chất vấn (18/11/2009)

>   Cảnh giác với rủi ro thanh khoản (18/11/2009)

>   Ngân hàng siết tín dụng: Chứng khoán, nhà đất vẫn vững (18/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước kiên quyết quản lý sàn vàng (18/11/2009)

>   Đại biểu Quốc hội lo chính sách tiền tệ… “phanh gấp” (17/11/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: "Phát hành tiền xu không hiệu quả" (17/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật