Thứ Tư, 18/11/2009 08:27

Cảnh giác với rủi ro thanh khoản

Đang hiện hữu một số nhân tố đe dọa tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, như khó huy động vốn, sự mất cân đối giữa tốc độ tăng vốn huy động và vốn cho vay...

Rủi ro thanh khoản là rủi ro lớn nhất trong các rủi ro của ngân hàng, bởi nó không chỉ đe dọa sự an toàn của bản thân từng ngân hàng thương mại, mà còn liên quan đến sự an toàn của cả hệ thống. Chẳng thế mà cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ Mỹ từ cuối năm 2007, nhưng thực sự bùng nổ và tác động mạnh đến toàn thế giới, khi các ngân hàng lớn có nhiều năm tuổi bị phá sản hoặc đứng bên bờ bực phá sản do mất thanh khoản.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã không rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng do tính thanh khoản cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, không vì thế mà mất cảnh giác với rủi ro thanh khoản, hơn nữa, phải coi đó là công việc cần được quan tâm thường nhật. Trong thời gian từ nay đến đầu năm sau, công việc này lại càng cần được đặc biệt quan tâm, xuất phát từ một số căn cứ dưới đây.

Thứ nhất, giữa tốc độ tăng vốn huy động và tốc độ tăng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại đang mất cân đối. Theo thông tin sơ bộ, tính chung 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng vốn cho vay lên tới 29,3%, cao hơn tốc độ tăng vốn huy động (22%). Cần lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2009 được Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 30%, nhưng nay đã vượt mức này và cao hơn so với tốc độ tăng vốn huy động.

Thứ hai, tốc độ tăng vốn huy động như trên không phải là thấp và lãi suất huy động đã bảo đảm thực dương, đứng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, việc huy động vốn hiện nay gặp nhiều khó khăn, bởi lãi suất huy động hiện thấp hơn tỷ suất lợi nhuận của một số kênh đầu tư khác.

Trong khi lãi suất tiết kiệm tiền đồng trong 10 tháng qua chỉ khoảng 8%/năm, thì giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,2%, giá vàng tăng 35,1%, VN-Index tăng 86,02%. Mặc dù mức lãi suất tiết kiệm như trên không thấp, nhưng các ngân hàng vẫn khó thu hút lượng tiền tiết kiệm mới. Trong khi đó, một phần tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao trong năm trước nay đáo hạn đã không được gửi lại tiết kiệm, mặc dù các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động.

Thứ ba, theo thông lệ, từ nay đến cuối năm và đầu năm sau, nhu cầu vay và rút tiền của doanh nghiệp, khách hàng thường cao hơn các thời gian khác trong năm để trả tiền thưởng, mua tích trữ nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, tích trữ hàng để phục vụ Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.

Thứ tư, cơ cấu kỳ hạn đang mất cân đối. Trong điều kiện thị trường biến động nhanh, người có tiền gửi tiết kiệm thường chọn kỳ hạn ngắn. Do vậy, tỷ trọng huy động vốn kỳ hạn ngắn trong tổng số vốn huy động cao, trong khi nhu cầu vay vốn thường dài hơn, nên nhiều ngân hàng thương mại đã dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn vượt quá tỷ lệ quy định.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã quy định lại tỷ lệ đó, giảm từ 40% xuống 30%. Bên cạnh đó, do Ngân hàng Nhà nước cảnh báo và sẽ kiểm tra những ngân hàng thương mại huy động với lãi suất vượt quá 10%/năm, nên một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài theo quy định, nhưng lại tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu vay. Do vậy, mất cân đối cơ cấu kỳ hạn cũng tiềm ẩn rủi ro thanh khoản.

Thứ năm, tình trạng vay mượn trên thị trường liên ngân hàng đang nóng lên cả về tổng giá trị giao dịch, lẫn lãi suất vay mượn. Thực tế này cho thấy, huy động trên thị trường cấp I (các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội) gặp khó khăn, nên một số ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh việc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng (thị trường cấp II).

Diễn biến như vậy dễ dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng thương mại sẽ dựa vào nguồn này, trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn này chỉ để bù đắp dự trữ bắt buộc và bảo đảm khả năng thanh toán, chứ không được dùng để tăng trưởng tín dụng (cho vay).

Minh Nhung

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Ngân hàng siết tín dụng: Chứng khoán, nhà đất vẫn vững (18/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước kiên quyết quản lý sàn vàng (18/11/2009)

>   Đại biểu Quốc hội lo chính sách tiền tệ… “phanh gấp” (17/11/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: "Phát hành tiền xu không hiệu quả" (17/11/2009)

>   DaiABank triển khai tiết kiệm lãi suất thả nổi (17/11/2009)

>   4 lý do không quy định lãi suất cơ bản (17/11/2009)

>   Đại biểu Quốc hội muốn NHNN ngày càng độc lập hơn (16/11/2009)

>   “Lặng lẽ” bỏ lãi suất cơ bản? (16/11/2009)

>   Chưa có bong bóng tài chính! (16/11/2009)

>   Thanh khoản ngân hàng sẽ bất ổn? (16/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật