Thứ Hai, 16/11/2009 10:04

Chưa có bong bóng tài chính!

Đây là khẳng định của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát quốc gia, tại hội thảo "Thách thức mới, thành công mới" được Ngân hàng Quốc tế tổ chức dành cho các doanh nghiệp ngày 14.11.

Theo TS Nghĩa, cả thị trường bất động sản (BĐS) và thị trường chứng khoán (TTCK) hiện vẫn còn tiềm năng do nguồn cung BĐS thời gian tới sẽ dồi dào và chỉ số CK vẫn nằm trong xu hướng tăng giá.

CK vẫn nằm trong xu hướng tăng

Báo cáo cập nhật Đông Á và Thái Bình Dương của NH Thế giới mới đây đã đưa ra cảnh báo về bong bóng tài chính tại VN khi cho rằng, giá CK và BĐS đã ở mức cao và đang có xu hướng tạo đỉnh. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, suy giảm doanh thu và chi phí tiêu dùng có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, đề cập tới bong bóng tài chính cần xem xét hai vấn đề.

Thứ nhất, đối với thị trường BĐS, hiện nay tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này đang chậm lại. Điều này khi tác động lên thị trường BĐS sẽ khiến cung nhà ở trong tương lai có xu hướng giảm đi. Đáng chú ý, trong tổng số 166.000 tỉ đồng cho vay BĐS thì có tới 52% là ở thị trường TPHCM. Nguồn tín dụng lớn này khiến nguồn cung cho thị trường BĐS tăng và đẩy giá giảm mạnh (hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi). Còn tín dụng cho thị trường Hà Nội mới chỉ chiếm 15,4%. Trong khi đó, cầu tại thị trường Hà Nội không kém TPHCM nhưng cung chỉ bằng 1/4 thị trường này.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, việc cho phép xây dựng hàng loạt dự án đã gây ra cơn sốt đăng ký mua nhà. Tuy nhiên, chỉ trong 1-2 năm nữa khi các dự án hoàn thành, nguồn cung nhà ở tăng lên sẽ làm cho giá nhà đất hạ xuống. "Do đó, không thể có bong bóng!", TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Còn trên TTCK, thời gian qua, thanh khoản của thị trường này tăng lên một cách mạnh mẽ. Thể hiện ở quy mô giao dịch: Quý I dưới 1.000 tỉ đồng/phiên; quý II trên 1.000 tỉ đồng/phiên; quý III tăng lên 2.000 tỉ đồng/phiên và quý IV đạt mức 3.000 tỉ đồng/phiên. Liệu có nguồn tiền từ NH vào CK không?

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, có một khoản khá lớn. Quy định cho vay trực tiếp đầu tư CK là 20% VĐL của một NH đã được các NH triển khai rất tốt. Bên cạnh đó, VĐL của các NH trong thời gian qua được nhiều NH tăng mạnh nên nguồn vốn vào CK cũng tăng theo.

Ngoài ra, các hợp đồng núp dưới bóng "vay tiêu dùng" thì chưa có thống kê chính thức nhưng cũng chiếm khá lớn trong khoản tín dụng của các NH. Tuy nhiên, thanh khoản của TTCK thời gian qua chủ yếu là do vòng quay của luồng vốn. Hoạt động repo của các CTCK đã cải thiện vòng quay vốn lên 10 lần/tháng trong điều kiện TTCK của VN còn nhiều tiềm năng.

Nếu xét hệ số P/E của VN hiện là 19,6 lần (lúc nóng lên tới 47 đến 52 lần), chưa cao so với trung bình của thị trường Châu Á là 23 lần. Theo dự đoán của TS Lê Xuân Nghĩa, chỉ số CK VN sẽ nằm trong xu hướng tăng và có thể đạt ngưỡng 600 điểm vào đầu quý I năm tới.

Ngoại tệ: Quan trọng vẫn là thanh khoản cho thị trường

Trước thắc mắc của nhiều DN về tình hình căng thẳng trên thị trường ngoại tệ gây khó khăn cho hoạt động của các DN nhập khẩu, TS Lê Xuân Nghĩa, việc điều chỉnh linh hoạt hiện nay là để nợ nước ngoài của VN không tăng quá mạnh. Điều quan trọng là cần tạo thanh khoản cho thị trường này.

Sở dĩ việc tụt hạng của VN trên thị trường quốc tế (từ 68 xuống thứ 75) theo giải thích của Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát quốc gia chủ yếu là do VN mất điểm ở điều hành chính sách vĩ mô. Điều này giải thích giá vàng và giá USD tăng mạnh những ngày qua là do lòng tin của NĐT giảm mạnh (bên cạnh yếu tố đầu cơ).

Theo TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, chính sách tỉ giá phải hài hòa ba yếu tố là nhập khẩu đang tăng, xuất khẩu đang giảm và vay nợ bằng USD của Chính phủ và các DN trong nước. Trên thực tế, nguồn thu ngoại tệ đang giảm cả về xuất khẩu và đầu tư. Nhưng theo ông Cao Sỹ Kiêm, mức nhập siêu hiện nay hoàn toàn có thể chấp nhận được, thâm hụt cán cân thanh toán (hiện khoản 4,5 tỉ USD) cũng ở mức chấp nhận được.

Việc điều hành chính sách tỉ giá, theo nguyên Thống đốc NHNN, cần phải hài hòa cả ba lợi ích trên, cộng với ổn định tâm lý người dân. Bên cạnh đó, NHNN và các NHTM cần chú ý tới yếu tố đơn hàng của các DN để ưu tiên giải quyết nguồn cung ngoại tệ và căn cứ theo cung cầu ngoại tệ để giúp các DN thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện thời. Ông Cao Sỹ Kiêm cũng nhận định, cầu ngoại tệ đang tăng mạnh do các DN tập trung sản xuất cuối năm và tăng dự trữ hàng tết và cho năm 2010.

"Tình hình hiện nay không có giải pháp nào có thể giải quyết triệt để và hài hòa các lợi ích mà chỉ là điều chỉnh theo hướng có lợi nhất bởi mục tiêu lớn nhất đang chi phối chính sách tiền tệ là chống suy giảm và ổn định kinh tế vĩ mô", nguyên Thống đốc NHNN nói.

Đối với các DN có nhu cầu ngoại tệ cao và đang đứng trước lựa chọn là nên vay USD hay vay VND để mua USD, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện vay VND đang được hỗ trợ lãi suất 4% nhưng từ năm 2010 thì mức hỗ trợ chỉ còn 2% và khi đó hệ thống lãi suất sẽ tăng. Vào thời điểm đó, có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ tăng lãi suất trở lại. Khi đó, nếu lãi suất VND cao hơn lãi suất USD do FED điều chỉnh thì việc vay USD sẽ có lợi hơn và rủi ro tỉ giá sẽ giảm nhẹ hơn.

Chuyên gia này cho rằng, việc mua bán USD sang đầu năm 2010 cũng sẽ "đỡ khốn khổ" hơn hiện nay. Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát quốc gia cũng cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng một loạt vấn đề liên quan tới hoạt động hoán đổi ngoại tệ theo hướng mạnh hơn, thời gian dài hơn và các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ trong nước để cải thiện căng thẳng trên thị trường ngoại hối hiện nay.

Lưu Thủy

Lao động

Các tin tức khác

>   Thanh khoản ngân hàng sẽ bất ổn? (16/11/2009)

>   Huy động vốn ngân hàng suy giảm (16/11/2009)

>   Ngân hàng khép dần tín dụng cầm cố (14/11/2009)

>   Huy động vốn sẽ còn khó khăn (14/11/2009)

>   Thông tin hoạt động ngân hàng từ 06/11-12/11/2009 (13/11/2009)

>   Hội nghị lãnh đạo tài chính khu vực châu Á lần 1 (13/11/2009)

>   Giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất đạt trên 414 nghìn tỷ đồng (13/11/2009)

>   Thực hiện một số nội dung về cho vay lãi suất thỏa thuận (13/11/2009)

>   Ba bên phối hợp thu ngân sách (13/11/2009)

>   Hỗ trợ lãi suất: Chủ tịch xã cũng có quyền xác nhận? (13/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật