Huy động vốn ngân hàng suy giảm
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 10.2009, số dư tiền gửi ngân hàng tăng 1,85% so với cuối tháng 9. Tuy nhiên, tốc độ tăng huy động vốn tại các ngân hàng đang giảm dần, có ngân hàng (NH) còn giảm về số tuyệt đối.
Do huy động vốn gặp khó khăn, một số NH đã đưa ra mức lãi suất (LS) tiền gửi dài hạn lên hơn 10%/năm (sát mức trần 10,5% của NHNN). Bên cạnh đó, mặt bằng LS tiền gửi kỳ hạn 3-6 tháng được áp dụng ở mức 8,5 -9,3%/năm. Trong những ngày gần đây, có NH đẩy mạnh khuyến mãi, áp dụng LS 10,3%/năm, phần lớn các NH khác áp dụng LS sát mức 10%/năm. Điểm đáng chú ý là LS đã tăng gần kịch trần nhưng lượng tiền huy động của các NH vẫn chưa được cải thiện mà có xu hướng giảm từ cuối tháng 10.2009.
Nguồn tin từ NH Công thương VN cho biết, trong tháng 10, vốn huy động từ cá nhân của NH này gần như không tăng và càng lúc càng khó huy động hơn. Tại NH Ngoại thương VN, tình hình huy động vốn VND trong tháng 10 cũng diễn ra tương tự. Một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank tiết lộ: kể từ cuối tháng 10 và sang đầu tháng 11, nguồn tiền huy động từ dân cư đang có xu hướng giảm. Trao đổi với Thanh Niên, nhiều lãnh đạo NH cổ phần khác cũng cho biết tình hình tương tự như tại Vietcombank.
Tiền chảy vào chứng khoán?
Giải thích về nguyên nhân khiến cho huy động vốn của NH giảm, lãnh đạo phụ trách bộ phận nguồn vốn của một NH quốc doanh cho rằng: LS cơ bản không thay đổi đã trở thành “bức tường” ngăn dòng vốn chảy vào NH.
Tuy nhiên, không ít lãnh đạo NH khác thì cho rằng LS không hẳn là nguyên nhân chính khiến cho huy động vốn giảm. Lãnh đạo cấp cao phụ trách nguồn vốn của NH Công thương VN nhận xét: "Các NH đều đẩy LS lên mức cao nhất có thể rồi. Bây giờ LS cho vay và huy động của chúng tôi là bằng nhau thì còn đẩy lên đâu được nữa?".
Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc NH Bảo Việt thì nhận xét: "Nếu như mặt bằng LS của tất cả các NH đã như vậy và không có sự chênh lệch lớn thì nguyên nhân khiến NH khó huy động vốn nằm ở những yếu tố khác chứ không phải ở LS". Theo ông Vũ, các kênh đầu tư khác có lợi nhuận hấp dẫn hơn gửi tiền NH có thể là nguyên nhân dẫn tới huy động vốn gặp khó khăn.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội NH VN cũng có nhận định tương tự. Theo bà Hương, so với chỉ số giá tiêu dùng, mức LS gần 10%/năm hiện nay vẫn đảm bảo LS thực dương nhưng kênh gửi tiền vào NH tỏ ra kém hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
Phó tổng giám đốc một NH tại TP.HCM đưa ra nhận xét: trước đây giao dịch chứng khoán một phiên chỉ 1.000 tỉ đồng là lớn thì giờ đây có phiên lên tới 9.000 tỉ đồng, còn bình thường là 3.000 - 4.000 tỉ đồng. Tiền này ở đâu ra nếu không phải đang chảy từ nguồn tiền tiết kiệm tại NH? Đó là chưa kể tới việc thị trường vàng, thị trường bất động sản cũng hút tiền tương tự như thị trường chứng khoán. "LS tiết kiệm cả năm được có 10%/năm là tối đa trong khi đầu tư các kênh khác nếu đúng hướng thì chỉ mất vài ngày đã có thể đạt mức này, LS huy động nào có thể cạnh tranh được?", vị lãnh đạo này bình luận. Trên thực tế, vào giữa tuần trước, khi giá vàng và giá USD tại thị trường tự do tăng đột biến, không ít người dân đã đến NH rút tiền để đi mua vàng.
Văn Tiến - Hoàng Ly
Thanh niên
|