Thứ Năm, 12/11/2009 22:59

Ngân hàng chạy nước rút tăng vốn

Tuy thời gian từ nay đến thời hạn cuối của việc tăng vốn điều lệ đáp ứng quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP còn hơn 1 năm, nhưng nhiều ngân hàng đang "chạy nước rút" trong việc tăng vốn.

Theo yêu cầu tại Nghị định 141/NĐ-CP, vốn pháp định đối với NHTMCP cho năm 2010 là 3.000 tỷ đồng. Còn những ngân hàng  đã đáp ứng yêu cầu về vốn thì việc phát hành là nhằm tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động, tăng sức cạnh tranh.

Dồn hết cho cổ đông hiện hữu

Ngày 5/11, NH Việt Nam Tín Nghĩa đã chốt danh sách hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn điều lệ từ trên 1.133 tỷ đồng lên hơn 3.399 tỷ đồng; hạn nộp tiền mua là ngày 26/11/2009.

Số lượng mà ngân hàng  này phát hành thêm là trên 226,4 triệu cổ phiếu. Đối tượng chào bán là cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:2 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách nói trên được quyền mua thêm 2 cổ phiếu mới. Quyền mua chỉ được phép chuyển nhượng 1 lần). Giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/CP.

Từ ngày 10/11, VietA Bank bắt đầu tiến hành việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ trên 1.359 tỷ đồng lên hơn 1.631 tỷ đồng.

Theo đó, VietA Bank phát hành thêm trên 27 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 5:1, với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng/CP. Thời gian đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 11/11 - 1/12/2009.

MXBank cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng  dành 100% cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, với giá bán 10.000 đồng/CP.

TrustBank đang hoàn thiện thủ tục để tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank cho biết, vốn điều lệ của NH sẽ đạt 2.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho phép. Toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm sẽ được bán cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/CP.

"Chúng tôi có hướng kêu gọi đối tác nước ngoài, nhưng lúc này là chưa phù hợp. Tuy nhiên, trong tương lai, TrustBank sẽ gọi thêm vốn từ NĐT nước ngoài khi kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng", ông Toàn nói,

Từ nay đến cuối năm 2009, OCB sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn từ 1.405 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, phát hành cho đối tác chiến lược BNPP là 5%; phát hành cho cổ đông hiện hữu là 20%; số còn lại sẽ phát hành cho cổ đông riêng lẻ.

Tại HDBank, theo kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, trong năm 2009, NH này dự kiến tăng vốn từ 1.550 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và sang năm 2010 tăng lên 3.000 tỷ đồng.

DongA Bank đang xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ đợt 2/2009, từ 3.400 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng, bằng việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, kế hoạch đưa ra ở kỳ họp ĐHCĐ đầu năm nay, việc tăng vốn đợt 2 này được giao cho HĐQT tìm đối tác chiến lược để bán cổ phần.

Theo DongA Bank, với tình hình thực tế của thị trường trong năm 2009, việc bán cho đối tác bên ngoài với giá cả như hiện nay không mang lại quyền lợi mong muốn cho cổ đông.

Trong khi đó, dự kiến năm 2010, DongA Bank sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP. HCM. Để thực hiện lộ trình niêm yết và bảo đảm quyền lợi cho cổ đông, trong phiên họp ngày 3/11 vừa qua, HĐQT DongA Bank đã thống nhất thực hiện việc tăng vốn đợt 2 năm 2009.

Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu, mua theo tỷ lệ 100:32,35, với giá bằng mệnh giá 10.000đồng/CP. Thời gian cổ đông nộp tiền mua cổ phần dự kiến cuối tháng 12 hoặc ngay sau khi ngân hàng nhận được văn bản chấp thuận từ NHNN và UBCK.

Nguy cơ cung áp đảo cầu

Mặc dù giá cổ phiếu phát hành thêm của các ngân hàng ở mức "hời", một số NH còn phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, nhưng có ý kiến lo ngại rằng, nguy cơ cung lớn hơn cầu có thể xảy ra.

Mới đây, Techcombank phát hành trên 106 triệu cổ phần của đợt tăng vốn lần 2 năm 2009 (tương đương hơn 1.063 tỷ đồng) từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (trích lập tháng 9/2008) phân chia cho cổ đông theo tỷ lệ 100:24,5192. Sau hai lần phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông kể từ đầu năm, hiện vốn điều lệ của Techcombank đạt 5.400 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Eximbank, với nguồn thặng dư từ việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược trong và ngoài nước của NH trong năm 2007 thì sau 2 lần tăng vốn vẫn còn dư. Do đó, ngân hàng sẽ tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ vào năm tới, dù đang có mức vốn lớn nhất trong hệ thống NHTMCP (trừ VCB và CTG).

Chủ tịch HĐQT VCB, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, dự kiến năm tới ngân hàng ngân hàng sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ (hiện là hơn 12.000 tỷ đồng). Do ngân hàng đang xây dựng kế hoạch nên chưa thể tiết lộ chi tiết hơn.

Các ngân hàng đều cho biết, ngoài việc đáp ứng lộ trình tăng vốn thì vốn điều lệ tăng lên sẽ giúp ngân hàng có điều kiện tốt cho việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới, nâng cao sức mạnh.

OCB định hướng chiến lược giai đoạn 2010 - 2015 là xây dựng OCB trở thành ngân hàng có quy mô vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng, hiện đại, hiệu quả, đạt chất lượng tốt, an toàn. Từ nền tảng đó, OCB phát triển giai đoạn 2 thành một ngân hàng lớn, vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, có sức cạnh tranh cao, là một trong những NHTMCP hàng đầu.

MXBank cho rằng, tăng vốn điều lệ là yêu cầu tất yếu để tăng năng lực nội tại trong bối cảnh hội nhập.

Đó cũng chính là nền tảng để ngân hàng  đưa ra nhiều sản phẩm mới, đầu tư công nghệ, triển khai dịch vụ hiện đại, đem lại tiện ích tối đa cho khách hàng. Bên cạnh một hệ thống dịch vụ tài chính đa dạng, nhiều lựa chọn cho khách hàng thì việc mở rộng mạng lưới hoạt động sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng dễ dàng và thuận lợi hơn.

Thực tế thời gian qua, các ngân hàng đã chủ động tăng vốn điều lệ. Việc này đã diễn ra từ đầu năm và đang vào giai đoạn nước rút để kịp tiến độ theo quy định tại Nghị định 141 về vốn pháp định.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vốn tăng nhanh là điều kiện tốt để nâng cao sức cạnh tranh cũng như gia tăng hệ số an toàn (CAR). Về mức độ an toàn vốn của toàn hệ thống, ông Nghĩa cho biết, hiện chỉ còn lại Agribank có hệ số CAR dưới 8%, các NHTMNN ở mức 8 - 10% và NHTMCP lớn trên 12%. Đặc biệt, có NH có hệ số CAR lên tới 30%, trong khi tiêu chuẩn thế giới là 8%. Nợ xấu toàn ngành đang ở mức 2,46%.

Thế nhưng, vốn tăng nhanh sẽ gây áp lực cho ngân hàng trong việc làm thế nào để sử dụng đồng vốn hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường còn có những khó khăn nhất định và chủ trương của NHNN là giảm dần tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, với lượng cung cổ phiếu được các ngân hàng  chuẩn bị phát hành ra thị trường, một số chuyên gia chứng khoán nhận định, sẽ khó tránh việc cung áp đảo cầu.

Thực tế điều này đã xảy ra trong nửa đầu năm 2008 khi các cổ đông hiện hữu không mặn mà mua thêm, dù giá khá ưu đãi, dẫn đến kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng  không thành.

Thuỳ Vinh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tín dụng: Những câu hỏi chờ giải đáp (12/11/2009)

>   “Cứu cánh” tăng vốn: Bảo lãnh hoặc phương án dự phòng  (12/11/2009)

>   Dự án Vũng Tàu Plaza có đồng tài trợ vốn (11/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng (11/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước chưa thể độc lập (11/11/2009)

>   Lãi suất huy động VND 1 tháng lên tới 9,5%/năm (11/11/2009)

>   Tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát rình rập (11/11/2009)

>   Không quy định lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng? (10/11/2009)

>   Lợi nhuận ngân hàng không đột biến (10/11/2009)

>   Căng thẳng lãi suất VNĐ (10/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật