Căng thẳng lãi suất VNĐ
Ngân hàng liên tục thay đổi lãi suất, tạo tâm lý nhiều người muốn gửi tiền kỳ hạn ngắn, đón đầu mặt bằng lãi suất mới
Lãi suất đầu vào quá cao, trong khi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh giậm chân tại chỗ, cho vay theo lãi suất thỏa thuận bị hạn chế, ngân hàng kinh doanh có thể thua lỗ hoặc lợi nhuận phải sụt giảm. Trước tình hình đó, thị trường lãi suất có dấu hiệu căng thẳng.
Áp lực điều chỉnh
Theo số liệu của Ngân hàng (NH) Nhà nước - SBV, thị trường đã hình thành mặt bằng lãi suất huy động VNĐ từ 8% đến 10%/năm, lãi suất cho vay sản xuất phổ biến 10% -10,5%/năm. Như vậy, chênh lệch lãi suất đầu vào với đầu ra quá nhỏ, nếu ngân hàng ồ ạt cho vay có thể đối mặt với rủi ro.
Vì thế, gần đây, SBV tuyên bố sẽ kiểm tra toàn diện các NH có lãi suất đầu vào từ 10%/năm trở lên. Lập tức, nhiều NH hạ nhiệt các kỳ hạn có lãi suất trên 10%/năm nhưng liên tục tăng thêm lãi suất các kỳ hạn ngắn, trong đó đáng chú ý nhất là lãi suất kỳ hạn từ 1 – 3 tháng của NH TMCP Hà Nội lên tới 9,99%/năm...
Tuy lãi suất các kỳ hạn ngắn đều chạm ngưỡng 10% nhưng huy động vốn tăng không nhiều, nguyên nhân là lãi suất cơ bản 7%/năm được duy trì đến đầu năm 2010, theo đó lãi suất tiết kiệm không còn “cửa” tăng thêm. Người dân nhìn thấy trong tương lai các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn nên gửi tiền có chừng mực.
Điều này thể hiện khá rõ khi tháng 5-2009, huy động vốn trên toàn hệ thống NH tăng 4,17%, song đến tháng 10-2009 chỉ tăng 1,85%. Nhiều NH lo ngại các khoản tiền gửi đáo hạn vào thời điểm cuối năm buộc phải tăng lãi suất kỳ hạn ngắn lên kịch trần để giữ chân khách hàng, đồng thời kích thích người dân gửi tiền khi thu nhập vào thời điểm cuối năm thường tăng lên.
“Vỏ quýt dày, móng tay nhọn”
Điều các NH đang tính toán là làm sao kinh doanh có lời khi giá vốn đã quá cao. Một số NH áp dụng lãi suất cho vay thả nổi, tức lãi suất cho vay chỉ cố định trong 3 tháng hoặc 6 tháng, thậm chí có NH cho vay mua nhà với lãi suất thỏa thuận khá thấp nhưng điều chỉnh lãi suất một tháng/lần. Sau thời gian đó, NH sẽ thay đổi lãi suất cho vay. Nhiều người cho rằng các NH nhìn thấy mặt bằng lãi suất sẽ tăng trong tương lai gần nên “đá” phần rủi ro sang bên vay.
Để hài hòa lợi ích hai bên, số ít NH áp dụng phương thức tiền gửi thả nổi, tức là NH sẽ tăng lãi suất nếu mặt bằng lãi suất tăng lên. Tuy nhiên, người gửi tiền luôn rơi vào tình thế bị động bởi phần lớn các NH không đưa ra cơ sở để tính tỉ lệ lãi suất sẽ tăng lên.
Trong khi đó, các NH tính lãi suất cho vay thả nổi bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với một tỉ lệ phần trăm nhất định. Điều này cho thấy việc gửi tiết kiệm và vay tiền NH đã thiếu bình đẳng về thông tin, phần nào lý giải vì sao NH không huy động được vốn dài hạn. Trong khi đó, NH thường xuyên tăng lãi suất, tạo cho người dân tâm lý gửi tiền kỳ hạn ngắn để đón đầu mặt bằng lãi suất mới.
Siết cho vay mua nhà ?
Theo quy định của SBV , NH thương mại chỉ được phép cho vay mua nhà theo lãi suất thỏa thuận đối với người có nguồn trả nợ từ lương.
Người vay vốn mua nhà có phương án trả nợ ngoài lương được xem là đối tượng kinh doanh nhà, lãi suất cho vay tối đa là 10,5%/năm.
Thực tế, các NH chỉ cấp vốn cho người mua nhà với lãi suất thỏa thuận phổ biến 12%-13%/năm, NH mới có lời. Thế nhưng, người vay rất ít vì không mấy ai có mức lương đáp ứng được điều kiện vay.
Trong khi nhu cầu vay mua nhà để kinh doanh khá lớn nhưng NH không cho vay vì giá vốn quá cao và lãi suất trần cho vay khống chế.
Việc SBV áp dụng cơ chế mới về cho vay mua nhà chẳng qua là biện pháp kiềm chế tăng trưởng tín dụng, hạn chế vốn chảy vào bất động sản, hướng các NH tập trung vốn cho sản xuất, có lợi cho nền kinh tế nhưng ngược với quy luật tiền bơm đến nơi cần tiền kinh doanh.
Thy Thơ
Người lao động
|