Căng thẳng lãi suất huy động tiết kiệm
Số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng dự kiến giảm 21.000 – 23.000 tỉ đồng. Cuộc đua lãi suất tiết kiệm của tháng 11 đã khởi động. Lãi suất liên ngân hàng đụng trần 10,5%.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng đồng loạt lãi suất huy động tiền đồng, ngoại tệ và vàng vào ngày 4.11. Với VND, kỳ hạn một tháng là 9,45%/năm, từ 3 – 12 tháng là 9,49%/năm, từ 13 – 24 tháng là 9,7%/năm, 36 tháng là 9,8%/năm. Tiết kiệm linh hoạt 13 tháng lãi cuối kỳ là 9,89%/năm.
Dưới 10% để né thanh tra
Nhưng đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất thị trường. Đứng đầu thị trường phải kể đến mức lãi suất 9,99%/năm của hàng loạt ngân hàng thương mại. Việc Thống đốc ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ thanh tra những ngân hàng có lãi suất huy động 10%/năm trở lên hồi cuối tháng 10 đã đưa 9,99%/năm trở thành mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay.
Trước đó, có ngân hàng đã chuẩn bị phương án lãi suất trên 10%, nhưng phải rút lại để né thanh tra. Và tuyên bố trên, cũng khiến ngân hàng muốn hút tiền nhanh có ít lựa chọn lãi suất hơn, hoặc phải “lách” bằng lãi suất thưởng. Như OCB ngày 5.11 phát hành 1.000 tỉ đồng kỳ phiếu, cả ba kỳ hạn 3 – 6 – 9 tháng đều nằm ở mức 9,99%/năm. Còn ở VietABank, lãi suất kỳ hạn 1 đến 12 tháng hiện chỉ nằm trong khung hẹp từ 9,5% đến 9,75%/năm, đối với khoản gửi từ 200 triệu đồng trở lên sẽ được thưởng thêm từ 0,03 đến 0,1%/năm.
Tuy nhiên, có ngân hàng còn tung ra lãi suất tiết kiệm còn “sốc” hơn. Đầu tháng 11, ngân hàng Liên Việt vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mệnh giá tối thiểu là 100.000đ và 100 USD/chứng chỉ tiền gửi. Lãi suất cho chứng chỉ bằng tiền đồng cao nhất lên đến 10,2%/năm kỳ hạn 24 tháng, 10,1%/năm kỳ hạn 18 tháng, chứng chỉ tiền gửi bằng USD lãi suất cao nhất là 3,14%/năm kỳ hạn 9 tháng và 2,82 %/năm kỳ hạn 6 tháng.
Ngoài ngân hàng cổ phần, gần đây các ngân hàng thương mại nhà nước, nước ngoài cũng vào cuộc với đủ mọi hình thức khuyến mãi.
VietABank tung ra chương trình “gửi 1 lần trúng 999 lần” mỗi ngày đều chọn khách hàng may mắn. Giải thưởng là vé du lịch nước ngoài, tủ lạnh, máy ảnh, điện thoại, giải đặc biệt cuối năm là ba ký vàng SJC. Còn ngân hàng ACB sẽ giảm lãi suất 0,12%/năm trong năm vay đầu tiên đối với các khách hàng cá nhân. Vietcombank đầu tháng 11 đưa ra lãi thưởng cộng thêm 0,05 – 0,5%/năm. HSBC Việt Nam cũng tung ra chương trình bốc thăm với 11 kỳ nghỉ ở nước ngoài...
Sơ bộ, từ cuối tháng 10, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, như BIDV trong phát hành chứng chỉ tiền gửi từ ngày 22.10, đã đưa lãi suất lên mức 10%/năm. Vietcombank cũng đã tăng lãi suất USD và tiền đồng, và cộng thêm mức lãi suất thưởng từ 0,05 – 0,5%/năm. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, ACB cũng đã có bảng lãi suất mới từ 4.11 với lãi suất cao nhất 9,72%/năm kỳ hạn 3 tháng. Tăng mạnh nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ.
Không thể đứng ngoài cuộc
“Thấy lãi suất nơi khác hấp dẫn nhưng cũng phải đắn đo, vì lãi suất ở ngân hàng đang gửi cũng hấp dẫn và có nhiều ràng buộc khác”, chị Thanh Hiền, ngụ quận Tân Bình, nói.
Từ sau cuộc họp khoảng cuối tháng 10 với người đứng đầu ngân hàng Nhà nước, 23 ngân hàng đang thiếu vốn thanh khoản tất bật nâng lãi suất để thu hút tiền. Các ngân hàng còn lại, dù không thiếu thanh khoản, vẫn không thể đứng ngoài cuộc. “Nhà băng kia tăng lãi suất, tôi ngồi yên được không? Tôi phải giữ khách hàng của mình chứ”, ông Nguyễn Quốc Sỹ, phó tổng giám đốc ngân hàng Miền Tây, nói. Theo ông, tâm lý hiện nay của nhiều nhà băng, ngoài thiếu thanh khoản, là sợ mất khách, chính điều này đã “dắt dây” lãi suất huy động vào cuộc đua mới. Và để hút thêm tiền, không cách nào nhanh hơn bằng việc tăng lãi suất và quà tặng.
Cuộc điều tra phỏng vấn 500 nhà đầu tư cá nhân của Vietnam Report mới đây cho biết lãi suất là một trong những điều được họ quan tâm đầu tiên. Theo ông Sỹ, chỉ có một bộ phận người gửi tiết kiệm sẵn sàng bỏ nơi này đến nơi có lãi suất cao hơn. Nhưng dù vậy, ngay khi tăng lãi suất, các ngân hàng vẫn có thêm ngay lượng tiền gửi và khách hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết trong cuộc họp gần đây, đây là thời điểm đi vào cuối năm, giai đoạn doanh nghiệp rút tiền thanh toán chuẩn bị hàng hoá, nguyên vật liệu cho đầu năm, tiền lương thưởng cuối năm nên số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thường giảm 21.000 – 23.000 tỉ đồng. Mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã dâng cao lên tới 10,5% cho kỳ hạn 3 tháng tuần qua, nóng không kém huy động ngoài dân cư, đủ hình dung mức độ khan vốn thời điểm này của nhiều ngân hàng.
Ở các ngân hàng, dù hạn chế cho vay vì tăng trưởng tín dụng bình quân đã vượt 30%, nhưng họ không thể xua tay từ chối khách hàng thân thiết. Vì vậy, khi thanh khoản còn thiếu và dự báo tín dụng còn vượt mốc, thì cuộc đua lãi suất tiết kiệm hãy còn chưa chấm dứt.
Hồng Sương
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|