Doanh nghiệp và ngân hàng lo đói vốn cuối năm
Các ngân hàng đang phải siết lại đối tượng cho vay bởi lo ngại vượt “room” tăng trưởng tín dụng. Chưa hết, trong khi tín dụng cho vay tăng trưởng nóng thì nguồn huy động vốn của các ngân hàng ngày càng khó và thấp.
Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp càng cần vốn, việc các ngân hàng phải đối diện với bài toán thiếu vốn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khát vốn
Ông Bùi Viết Thưởng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Duyên Hải (HP) cho biết trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2010, HP cần một lượng vốn khoảng 20 tỷ đồng phục vụ nhu cầu nhập khẩu và kinh doanh những sản phẩm nhập khẩu ấy.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, ngay cả giai đoạn tín dụng cởi mở, lượng vốn huy động cũng ít khi đủ với nhu cầu vay. Do đó, HP vẫn phải thường xuyên tìm kiếm kênh tín dụng ngoài ngân hàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết theo chu kỳ kinh doanh, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh vay vốn vào dịp cuối năm, bởi đây là mùa hoạt động kinh doanh diễn ra mạnh nhất trong năm.
Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất cũng đang gia tăng khi kinh tế trong nước và thế giới có những chuyển biến tích cực. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý II năm nay đạt mức 5,76%, cao hơn nhiều so với con số 4,5% đạt được trong quý II và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong quý IV.
Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP đạt mức tăng 4,56% và mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến 5,2% trong năm nay. Việc đã sử dụng gần hết “room” tín dụng được phép buộc các ngân hàng phải xem xét, cân đối lại hoạt động này.
Ông Ngô Xuân Dũng, Giám đốc điều hành Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cho biết hiện tại VIB đang phải rà soát lại toàn bộ các khoản đã cho vay để đáp ứng đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Chủ động có kế hoạch thích hợp trong huy động vốn, cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Các khoản vay dành cho sản xuất kinh doanh cùng với các dự án trọng điểm của Chính phủ và các địa phương sẽ được ưu tiên hàng đầu để tài trợ vốn. Đối với các dự án chưa thật sự cần thiết, VIB sẽ bàn bạc lại với khách hàng để giãn kế hoạch giải ngân.
Có thể nói hầu hết các ngân hàng từ nay đến cuối năm đều phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, lựa chọn những dự án tốt và đối tác tiềm năng để cho vay, không để tăng trưởng nóng như thời gian trước.
Ông Dũng cũng chia sẻ, nếu chỉ cho phép các ngân hàng sử dụng 30% số tiền huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhằm hạn chế rủi ro tín dụng sẽ gây bất lợi cho các ngân hàng “sống” nhờ vào huy động tiết kiệm, bởi có đến 90% tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn.
Ngân hàng có lo thiếu vốn?
Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 29,3%, trong khi đó nguồn vốn huy động của các ngân hàng chỉ tăng khoảng 22,9% so với cuối năm 2008.
Lý giải cho điều này, nhiều ngân hàng cho rằng, sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng bằng việc liên tục nâng lãi suất là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng luôn “đứng núi này, trông núi nọ” và chỉ thích gửi tiết kiệm trong ngắn hạn để chờ ngân hàng nào có mức lãi suất cao hơn là chạy đến gửi.
Bên cạnh đó, trước những biến động về lợi nhuận của giá vàng, USD, bất động sản, chứng khoán tăng cao, dòng tiền gửi tiết kiệm cũng bị sụt giảm đáng kể.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng nhận định rằng, từ đầu năm đến nay, tăng huy động vốn luôn thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Và sang đến năm 2010 việc cạnh tranh huy động vốn của các ngân hàng sẽ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo của một số ngân hàng cổ phần lại có quan điểm trái chiều.
Ông Dũng cho rằng, các ngân hàng không nên quá lo trong việc cân đối vốn. Bởi các tháng cuối năm, các ngân hàng thường tập trung thu hồi nợ và phần nào giảm giải ngân cho vay, vì thế, lượng tiền trong ngân hàng còn nhiều.
Bên cạnh đó, thời hạn của gói hỗ trợ lãi suất thứ nhất đã gần hết, nên hiện các doanh nghiệp đang chờ đợi thông tin về hướng hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ. Một điều quan trọng nữa là việc lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng do lãi suất huy động tăng nên doanh nghiệp cũng phải tính toán kỹ việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng tình với quan điểm này, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB) cũng chia sẻ: MB dự báo được tình hình và có sự chuẩn bị.
Thực tế, nguồn vốn của các ngân hàng không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân mà còn đến từ nhiều kênh khác gồm vốn tự có, vốn từ phát hành các công cụ tài chính (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi) nên có thể đảm bảo được nhu cầu của doanh nghiệp.
Mặc dù các ngân hàng đều khẳng định sẽ đảm bảo được nguồn vốn cho doanh nghiệp vào những tháng cuối năm, nhưng theo vị chuyên gia trên, điều quan trọng vẫn là làm sao doanh nghiệp có được cơ hội tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng.
Để thực hiện được điều này nên có sự điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, bên cạnh đó, lãi suất cơ bản cũng nên được điều chỉnh để thu hút vốn từ cá nhân và các tổ chức./.
Vietnam +
|