Thứ Tư, 11/11/2009 07:00

Ngân hàng Nhà nước chưa thể độc lập

Còn nhiều tranh cãi xung quanh Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi khi thảo luận ở tổ chiều 10/11. Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Vũ Viết Ngoạn đánh giá "tính độc lập của NHNN rất thấp".

Điều hành "giật cục"

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Viết Ngoạn nói xu hướng chung của các nước trên thế giới là NH Trung ương (NHTƯ) phải có tính độc lập.

Tại Việt Nam, NHNN vẫn thuộc Chính phủ nên tính độc lập chỉ là tương đối. Nếu muốn NHNN độc lập, trình độ phải cao, quản lý tốt, thị trường ngân hàng phát triển đến một mức nhất định. Từ đó, các chính sách đưa ra mới được thị trường cảm nhận tốt. Chẳng hạn, mỗi quyết định từ Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Kinh tế trưởng NHTƯ Đức đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, với dự thảo Luật NHNN sửa đổi lần này, ông Ngoạn đánh giá "tính độc lập của NHNN rất thấp". Các chính sách liên quan đến tiền tệ, Ngân hàng TƯ hầu như không quyết được gì mà phải trình Chính phủ quyết hết.

Chẳng hạn, trong việc điều hành lãi suất và tỉ giá - đây vừa là mục tiêu, vừa là công cụ - cần phân biệt rõ việc nào Chính phủ quyết, việc nào NHNN làm. Theo ông, "Chính phủ chỉ nên quyết định khung lãi suất và tỉ giá, còn cụ thể như thế nào là do NHNN".

Một Phó Chủ nhiệm khác của Ủy ban Kinh tế của QH, ông Nguyễn Văn Phúc đồng tình, năm 1997, khi soạn Luật NHNN, có những điều khoản bị thắt chặt do lo ngại rủi ro khiến tính độc lập tự chủ của cơ quan này bị hạn chế.

Sửa đổi lần này thậm chí còn thụt lùi so với Luật NHNN hiện hành khi Luật mới chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa một cơ quan ngang bộ và NHNN. NHTƯ phải là ngân hàng của các ngân hàng nhưng ở đây, Luật mới lại nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước của một cơ quan ngang bộ nên phải quản lý theo chế độ thủ trưởng, Thống đốc quyết định.

Điều này, theo ông Phúc, trong các bộ thì bộ trưởng được trao quyền đó nhưng Thống đốc không thể tự ra các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia.

Hơn nữa, nếu muốn NHTƯ có vị thế độc lập, không nên để nó quản lý vốn tại các ngân hàng.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cũng nói: "Với tình hình hiện nay, chúng ta chỉ hi vọng vào sự độc lập của NHNN ở thì tương lai. Luật sẽ sửa thường xuyên, dăm ba năm một lần, nên ta chấp nhận điều chỉnh ở mức này thôi".

Ông Kiêm, nay là ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho hay: "Ở các nước, quyết định sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ, tài chính là thuộc NHNN, công cụ nào, thời gian ra sao, mức độ nặng nhẹ.... Nhưng ở Việt Nam, từ tỉ giá, lãi suất, đến dự trữ bắt buộc đều qua Chính phủ. Chúng ta làm linh tinh, không theo chuẩn nào, nên mới có chuyện điều hành cứ " vón" lại, giật cục".

Có cần Hội đồng chính sách tiền tệ?

Có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về chuyện có nên thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ thuộc NHNN hay không. Ông Phúc cho rằng, để tăng tính độc lập, tự chủ trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ, hoạt động thu chi... của NHNN thì nên có Hội đồng này, bởi đó là tiếng nói tập thể.

Hiện nay, các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ vẫn do Chính phủ thực hiện, từ đề xuất của NHNN, dẫn tới có độ trễ nhất định so với thực tế bởi Chính phủ còn xem xét, quyết định. Vì thế, ông Phúc nhìn nhận vai trò NHNN ở Việt Nam còn "yếu và luôn dựa vào Chính phủ".

Theo ông, Hội đồng chính sách tiền tệ - nếu có - sẽ do Luật định. Hội đồng do Chính phủ thành lập, còn QH chỉ quyết định cơ cấu và thẩm định quyền của hội đồng. Tại các nước, tổ chức này thường có 9 người, 3 người do Hạ viện bầu, 3 do Nghị viện bầu và 3 do Tổng thống chỉ định. Thống đốc chỉ là một lá phiếu trong số này khi quyết định các vấn đề liên quan.

Ở nước ta, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ hiện nay chỉ là tư vấn chứ không có tính quyết định trong điều hành.

Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cũng góp ý, không nên bỏ Hội đồng Chính sách tiền tệ, bởi chính sách tiền tệ quốc gia liên quan đến đảm bảo an ninh kinh tế đất nước, nhằm đối phó với các tình huống khủng hoảng tài chính, vừa chống lạm phát vừa chống thiểu phát.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An) nói nên tăng quyền cho Thống đốc, không nên thành lập các hội đồng trong ngân hàng cũng như các bộ, ngành khác. Hội đồng gì thì trách nhiệm cũng thuộc về Thống đốc.

Ngoài ra, liên quan đến việc quy định về chính sách tiền tệ cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Hiến pháp năm 1992 quy định, QH quyết định các chính sách liên quan đến tiền tệ quốc gia. Luật NHNN cũng nêu QH quyết định chính sách tiền tệ quốc gia và quy định mức lạm phát dự kiến. Việc dự thảo Luật sửa thành "QH chỉ quy định mức lạm phát định hướng", theo nhiều đại biểu, là không hợp hiến và hạn chế quyền của QH. Vấn đề này, Chính phủ cần giải trình rõ hơn.

Hà Yên - Cao Nhật

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Lãi suất huy động VND 1 tháng lên tới 9,5%/năm (11/11/2009)

>   Tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát rình rập (11/11/2009)

>   Không quy định lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng? (10/11/2009)

>   Lợi nhuận ngân hàng không đột biến (10/11/2009)

>   Căng thẳng lãi suất VNĐ (10/11/2009)

>   “Lách luật” cho vay bất động sản (09/11/2009)

>   VRB tăng gần 13 lần tổng tài sản sau 3 năm (09/11/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất vượt 418.576,2 tỷ, tăng 1.3% (09/11/2009)

>   7 tập đoàn chiếm gần 10% tổng nợ các tổ chức tín dụng (08/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước bác bỏ tin đồn nới biên độ tỉ giá (08/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật