Thứ Ba, 10/11/2009 07:06

Lợi nhuận ngân hàng không đột biến

Tuần này (9 - 13/11) sẽ có thêm nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận 10 tháng đầu năm. Chắc chắn sẽ có những con số tốt, nhưng mức độ đột biến chắc không còn như những tháng quý II/2009.

Thông thường, nguồn thu trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng luôn gia tăng vào dịp cận Tết Nguyên đán. Chính nguồn thu này cùng với lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu đã đẩy lợi nhuận một số ngân hàng tăng đột biến trong quý IV/2007 và 2008.

Thế nhưng, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng trong quý IV năm nay đã dần phải thu hẹp kể từ tháng 10/2009. Không những chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra thu hẹp dần, các ngân hàng còn phải giảm dần tăng trưởng dư nợ.

Còn với hoạt động đầu tư trái phiếu, kinh doanh ngoại tệ và kể cả vàng cũng không đem lại nguồn lãi lớn cho ngân hàng như cách đây 2 năm.

Nhẹ nhàng về đích

Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, mức lợi nhuận bình quân thu về của riêng Ngân hàng 3 tháng cuối năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng 200 tỷ đồng/tháng. Như vậy, với tổng lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2009 (sau khi trích lập dự phòng, nhưng chưa bao gồm các công ty con) ACB thu về gần 1.800 tỷ đồng, cộng với mức bình quân thu về 3 tháng cuối năm thì Ngân hàng sẽ sớm hoàn tất chỉ tiêu.

Kế hoạch lợi nhuận của Tập đoàn ACB đưa ra cả năm là 2.700 tỷ đồng (trong đó Ngân hàng là 2.400 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về các công ty con trực thuộc Tập đoàn). Tuy nhiên, theo ông Hải, lợi nhuận ACB dịp cuối năm khó có thể tăng đột biến như quý IV năm trước.

Chẳng hạn như năm 2008, chỉ tính riêng quý IV/2008, ACB thu về trên 1.167 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế) đưa Ngân hàng "về đích" với mức lợi nhuận của cả năm là 2.556 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 2.500 tỷ đồng đề ra trước đó. Lợi nhuận "khủng" rơi vào quý IV/2008 đã bù đắp toàn bộ phần sụt giảm nguồn thu từ tín dụng năm 2008.

Cũng theo ông Hải, cuối năm 2008, ACB đã trích lập dự phòng rủi ro trong đầu tư lên đến 500 tỷ đồng, song Ngân hàng chưa tính đến việc hoàn nhập khoảng dự phòng này vào lợi nhuận của Tập đoàn trong năm nay.

VietA Bank cũng cho hay, khả năng vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra của cả năm là điều đã nhìn thấy được. Theo kế hoạch, VietA Bank dự kiến thu về 270 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay. Nhưng lũy kế 9 tháng đã đạt được 222 tỷ đồng, và theo đại diện của VietA Bank, ước đến cuối tháng 10/2009, lợi nhuận đã tiến sát ngưỡng chỉ tiêu đề ra và dự kiến hoàn thành trước tháng 12.

Theo một lãnh đạo cấp cao Eximbank, với chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng đưa ra đầu năm nay 1.500 tỷ đồng thì khả năng sẽ hoàn thành sớm trong quý IV này. Bởi lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank đạt 1.163 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và ước sẽ thu về bình quân khoảng 150 tỷ đồng/tháng trong quý IV/2009. Điều này cho thấy, việc vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra của Eximbank là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, vị lãnh đạo trên khẳng định, tỷ lệ vượt sẽ không nhiều so với kế hoạch Ngân hàng đề ra.

So với vốn điều lệ trước khi tăng và hiện đạt 8.800 tỷ đồng thì với kế hoạch lợi nhuận đưa ra của Eximbank năm nay 1.500 tỷ đồng nhiều người cho rằng, mức này chưa xứng tầm với quy mô của Ngân hàng.

Nhưng theo Eximbank, trong 2 năm qua hoạt động của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng, nên cần có thời gian để phục hồi và tăng trưởng. 10 tháng qua, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank đã được cải thiện đáng kể, hiện chỉ còn trên 2% so với tỷ lệ 4,71% vào cuối năm 2008.

Ngoài những ngân hàng trên thì Maritime Bank, MB, Vietcombank, HDBank cũng sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2009. Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank tính đến cuối tháng 9 đạt xấp xỉ 3.800 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm 3.400 tỷ đồng.

Còn MB cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2009 sau 9 tháng hoạt động vừa qua và đến cuối tháng 10, Ngân hàng đã thu về khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế… Với HDBank, chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trên 170 tỷ đồng thì lũy kế 9 tháng đầu năm nay đã vượt con số này và ước tính cả năm, sẽ thu về trên 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Nhưng tốc độ chậm lại!

Khó khăn của thị trường xuất hiện vào những tháng cuối của năm 2009 khi lãi suất đầu vào tăng, cho vay ra phải hạn chế, dẫn đến nguồn thu từ tín dụng sụt giảm. Hiện một số ngân hàng phải thu hẹp hoạt động tín dụng, vì không cân đối được nguồn, do cạnh tranh về lãi suất tiền gửi tiếp tục gay gắt đầu tháng 11.

Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Đặng Văn Thành khẳng định, khả năng vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là có thể. Theo kế hoạch đưa ra của cả năm 2009, Tập đoàn Sacombank dự kiến thu về 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Nhưng tính đến tháng 10/2009, chỉ riêng Ngân hàng Sacombank đã đạt trên 1.455 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất của cả Tập đoàn Sacombank (gồm cả những công ty con) thì đến cuối tháng 9/2009 đã đạt 1.535 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch đưa ra cả năm nay ở mức 1.600 tỷ đồng thì đích đến là rất gần, nhưng người đứng đầu Sacombank cho biết, lợi nhuận thu về của Ngân hàng sẽ khó có đột biến vào cuối năm. Thực tế, qua báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận quý III của STB giảm 15% so với quý II/2009.

Chỉ tiêu lợi nhuận Sacombank đưa ra năm nay có phần khiêm tốn hơn 2 năm trước. Tuy nhiên, theo ông Thành, để đảm bảo được mục đích tăng trưởng bền vững, không thể đòi hỏi lợi nhuận cao.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, SHB đạt 336,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của SHB cho thấy, lợi nhuận quý III/2009 của Ngân hàng giảm hơn một nửa so với quý trước đó.

Theo báo cáo tài chính của SHB, trong quý III, tổng thu nhập của ngân hàng này đạt 530,5 tỷ đồng, giảm 6,4% so với quý II. Trong khi đó, tổng chi phí lại tăng 13,4% từ 394,5 tỷ lên 447,3 tỷ đồng. Dẫn đến, lợi nhuận trước thuế của SHB quý III đã giảm so với quý II.

Đối với Maritime Bank, 9 tháng đầu năm là bước đột phá khi đạt mức lợi nhuận 700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 600 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Nhưng tốc độ đã chững lại khi kết thúc tháng 10, Maritime Bank đạt 780 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Các ngân hàng cho biết, tuy đủ khả năng để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận như kế hoạch khiêm tốn đã đề ra đầu năm 2009, nhưng không tăng đột biến. Bởi hoạt động tín dụng đang phải co dần, khi mức tăng trưởng dư nợ toàn ngành đến cuối tháng 10 đã vượt qua ngưỡng kiểm soát 30%.

Chi phí đầu vào tiếp tục đội lên theo xu hướng lãi suất tiền gửi trong 2 tháng qua, còn trần lãi suất cho vay ra không thay đổi.

Sau những tháng bùng nổ vào giữa năm, đến thời điểm này tâm lý thận trọng sau bài học năm 2008 của các ngân hàng vẫn còn. Những khoản trích lập dự phòng rủi ro hàng trăm tỷ đồng đã được các ngân hàng thực hiện, đây là một yếu tố tác động đáng kể tới kết quả lợi nhuận cuối năm nay.

Nhiều ngân hàng cho biết, để cho vay ra phải trích lập dự phòng rủi ro chung lên đến 0,75%. Chẳng hạn, theo giải trình của Vietcombank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất giữa quý III và quý II/2009 giảm 6,3% là do Ngân hàng đã thực hiện trích dự phòng rủi ro tín dụng.

Dù sao, lợi nhuận kế hoạch đã đạt và vượt, những sự cẩn trọng trong đảm bảo thanh khoản, dự phòng rủi ro… sẽ không bao giờ thừa nếu các ngân hàng không muốn những cú "sụt mạnh" mà đa số vừa nếm trải, chỉ mới vào… năm ngoái.

Thùy Vinh

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Căng thẳng lãi suất VNĐ (10/11/2009)

>   “Lách luật” cho vay bất động sản (09/11/2009)

>   VRB tăng gần 13 lần tổng tài sản sau 3 năm (09/11/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất vượt 418.576,2 tỷ, tăng 1.3% (09/11/2009)

>   7 tập đoàn chiếm gần 10% tổng nợ các tổ chức tín dụng (08/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước bác bỏ tin đồn nới biên độ tỉ giá (08/11/2009)

>   Doanh nghiệp và ngân hàng lo đói vốn cuối năm (08/11/2009)

>   Ngân hàng xoay đủ kiểu để hút vốn (07/11/2009)

>   Căng thẳng lãi suất huy động tiết kiệm (06/11/2009)

>   Tăng trưởng tín dụng đã vượt quá 30% (06/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật