Thứ Năm, 12/11/2009 10:24

“Cứu cánh” tăng vốn: Bảo lãnh hoặc phương án dự phòng 

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang tích cực triển khai việc tăng vốn để một mặt đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu do Bộ Tài chính quy định (300 tỷ đồng vào năm 2010), mặt khác nhằm tăng năng lực tài chính, nâng khả năng giữ lại trong các hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, hoạt động này được nhận định là không mấy dễ dàng.

Trong phương án phát hành cho cổ đông chiến lược thực hiện tăng vốn từ 300 lên 600 tỷ đồng, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đặt ra khá nhiều tiêu chuẩn. Cổ đông chiến lược là các công ty trong và ngoài nước có thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường để nâng cao uy tín của VASS, góp phần làm mạnh cơ cấu cổ đông của Công ty. Cổ đông chiến lược phải cam kết hỗ trợ VASS về hoạt động quảng bá thương hiệu, gia tăng hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư. Điều kiện về vốn góp: mỗi cổ đông chiến lược phải sở hữu tối thiểu 10 tỷ đồng theo mệnh giá hoặc tối đa là 20% tổng số cổ phần đang lưu hành. Ngày 31/12 là hạn cuối cùng cho đợt phát hành này.

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT VASS cho biết, hiện một số cổ đông chiến lược đã đàm phán xong và đang làm thủ tục chuyển tiền mua cổ phần. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, lượng cổ phần bán vẫn chưa hết và VASS tiếp tục tìm kiếm đối tác. Mặc dù vậy, ông Ngọc tin tưởng đợt phát hành này sẽ thành công, vì ngành bảo hiểm đang rất tiềm năng. Ông Ngọc cho biết thêm, đầu năm 2010, Công ty sẽ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Hiện VASS đang tập trung củng cố nội lực, phát triển kinh doanh rồi mới tính đến việc niêm yết.

Theo phương án phát hành tăng vốn điều lệ từ 172 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng, CTCP Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long) dành một lượng cổ phần cho các đối tác chiến lược như một phương án dự phòng. Chỉ khi việc phát hành cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên không thành công mới dành bán cho đối tác chiến lược với giá do HĐQT quyết định. Hiện CTCK Rồng Việt là đơn vị bảo lãnh phát hành cho Bảo Long. Trong trường hợp phát hành cho cổ đông hiện hữu không thành công, CTCK Rồng Việt sẽ tìm đối tác bán tiếp hoặc mua vào và trở thành cổ đông của Bảo Long. Về kế hoạch niêm yết, Bảo Long đã thực hiện xin ý kiến cổ đông. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, Bảo Long sẽ làm thủ tục niêm yết (dự kiến niêm yết vào quý II/2010 trên HOSE).

Trong số các doanh nghiệp thực hiện tăng vốn lần này có không ít doanh nghiệp thực hiện lại do đợt phát hành trước không thành công. Ngoài yếu tố thị trường, việc tăng vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm được nhận định vẫn còn một số khó khăn. Nhìn vào giá và mức độ thanh khoản hiện nay thì cổ phiếu bảo hiểm chưa thực sự hấp dẫn NĐT. Do hoạt động trong ngành mang tính đặc thù, hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm không có nhiều đột biến. Lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện tại chủ yếu do hoạt động đầu tư tài chính mang lại, chứ chưa phải là từ hoạt động kinh doanh chính cũng là một trong những trở ngại khiến NĐT không thực sự mặn mà. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện tăng vốn khiến nguồn cung cổ phiếu bảo hiểm trên thị trường trở nên dồi dào. Đó là chưa kể các cổ phiếu đang niêm yết (Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, Vinare) hoặc giao dịch trên thị trường UPCoM (ABIC) có giá ở mức khá hợp lý. Chốt phiên giao dịch ngày 10/11, giá cổ phiếu Bảo Việt là 31.200 đồng/CP, Bảo Minh 23.600 đồng/CP, Vinare 27.800 đồng/CP, ABIC xấp xỉ 11.000 đồng/CP… So sánh về mặt thương hiệu, tiềm năng, quy mô và khả năng thanh khoản thì việc mua cổ phiếu bảo hiểm trên sàn có phần hấp dẫn hơn so với cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết, cho dù được mua tại mức giá khá thấp.

Nhìn vào dài hạn thì ngành bảo hiểm vẫn rất tiềm năng do mức độ sử dụng dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp. Tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao cũng là điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là bảo hiểm phi nhân thọ khai thác thị trường. Tuy nhiên, không ít chuyên gia tài chính cho rằng, kế hoạch tăng vốn của các doanh nghiệp vào thời điểm này để thành công cần có các phương án dự phòng hoặc có đơn vị bảo lãnh phát hành.

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dự án Vũng Tàu Plaza có đồng tài trợ vốn (11/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng (11/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước chưa thể độc lập (11/11/2009)

>   Lãi suất huy động VND 1 tháng lên tới 9,5%/năm (11/11/2009)

>   Tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát rình rập (11/11/2009)

>   Không quy định lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng? (10/11/2009)

>   Lợi nhuận ngân hàng không đột biến (10/11/2009)

>   Căng thẳng lãi suất VNĐ (10/11/2009)

>   “Lách luật” cho vay bất động sản (09/11/2009)

>   VRB tăng gần 13 lần tổng tài sản sau 3 năm (09/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật