Ngân hàng siết tín dụng: Chứng khoán, nhà đất vẫn vững
Nếu các lần trước, mỗi khi Ngân hàng nhà nước có động thái siết tín dụng thì y như rằng các kênh đầu tư như nhà đất, chứng khoán... đang sôi động sẽ lập tức điều chỉnh. Lần này Ngân hàng nhà nước có Văn bản số 8883 ban hành ngày 12-11 cấm cho vay lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay đầu tư chứng khoán, bất động sản nhưng diễn biến hai kênh đầu tư trên vẫn diễn ra bình thường.
Không quan tâm chuyện vay tiền
Khảo sát bỏ túi tại TP.HCM của phóng viên với 20 nhà đầu tư chứng khoán ở các sàn SSI (quận 1), Beta (quận 4) cho thấy phần lớn nhà đầu tư không quan tâm đến Văn bản số 8883 của Ngân hàng nhà nước.
Ông Trần Trung, một nhà đầu tư chứng khoán ở sàn Beta cho biết sở dĩ lần siết tín dụng này nhiều người không quan tâm vì hiện tại nguồn tiền vào chứng khoán không phải tiền vay ngân hàng theo lãi suất thỏa thuận. Theo ông Trung, tiền vào chứng khoán thời gian qua chủ yếu từ đòn bẩy tài chính và nghiệp vụ này được tạo ra bởi các công ty chứng khoán.
“Dù kênh vốn trong ba tháng gần đây mang lại lãi cao nhưng sẽ chẳng có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm đi vay ngân hàng với tiền lãi khoảng 15%-16%/năm để mua cổ phiếu” - ông Trung phân tích.
Còn chị Tuyết Hương, một nhà đầu tư cổ phiếu OTC ở quận 1 cho biết lần siết tín dụng này chắc chắn thị trường chứng khoán không bị ảnh hưởng. Bởi lẽ phanh tín dụng kỳ này không tác động đến dòng tiền của nhà đầu tư. Khác với Chỉ thị 03 trước kia, thời điểm đó chứng khoán nóng nên khi ngân hàng bị buộc không được cho vay quá 3% vốn đã khiến ngân hàng phải siết tín dụng lại.
“Riêng lần này, việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận các ngân hàng chỉ áp dụng cho vay qua thẻ, vay tiêu dùng. Vì thế khi siết khoản này thì vốn tín dụng ở các nghiệp vụ vay khác vẫn phong phú” - chị Hương nói.
Chỉ ảnh hưởng chủ đầu tư lớn
Nhận định về Văn bản 8883 có làm kênh nhà đất hụt vốn, ông Nguyễn Xuân Châu, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Bất động sản Himlam, nói ngay là thị trường không ảnh hưởng.
Gần đây nhà đất giao dịch chậm là vì thuế thu nhập cá nhân tác động chứ không phải nhà đầu tư thiếu nguồn vốn. Bởi xét ở góc độ đầu tư sẽ không ai dám đi vay tiền ngân hàng với lãi suất cực cao đến 16%/năm để kinh doanh căn hộ trong lúc sức mua ảm đạm. Còn vay tiền mua nhà ở thì người mua thường vay mượn người thân, bạn bè; khi tìm đến nguồn vốn ngân hàng thì cũng vay rất ít nên không bị tác động gì. “Tôi nghĩ khi cấm cho vay bất động sản theo lãi suất thỏa thuận là Ngân hàng nhà nước nhắm đến các chủ đầu tư lớn” - ông Châu nhận định.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Giám đốc kinh doanh Thuduc House, cho rằng Văn bản 8883 không phải là siết tín dụng bất động sản. Vì có ai đi vay lãi cao để đầu tư nhà đất khi sức cầu giảm. Mặt khác, lâu nay các ngân hàng cũng rất hạn chế cho vay kinh doanh lĩnh vực này, nếu có cho vay mua nhà đất, ngân hàng cũng định giá và thẩm định các tài sản thế chấp khác rất khắt khe.
Điều chỉnh kênh vàng, ngoại tệ
Nhiều nhà đầu tư thì cho rằng Văn bản 8883 siết cho vay chứng khoán, nhà đất theo lãi suất thỏa thuận là Ngân hàng nhà nước muốn điều chỉnh các kênh đầu tư đang nóng khác như kênh vàng, ngoại hối. Nhận định này cũng có cơ sở vì trong dịp tổng kết về cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất tại TP.HCM mới đây, khi trả lời phóng viên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định việc cho vay bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Bùi Nhơn
Pháp luật
|