Thứ Tư, 18/11/2009 10:37

"Chấm điểm" Thống đốc Ngân hàng sau chất vấn

"Chấm điểm" Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu sau phiên chất vấn, có đại biểu chưa thật hài lòng, trong khi đại biểu khác nói "cũng không nên đòi hỏi thêm".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Tôi chưa thấy trách nhiệm và giải pháp

Sau hai lần đứng lên đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sáng 17/11, bà đã hài lòng với phần trả lời của Thống đốc chưa?

- Trả lời chất vấn, quan trọng nhất, lớn nhất là nhận trách nhiệm và đưa giải pháp chứ không phải giải trình.

Tôi chưa thật sự hài lòng.

Hai vấn đề tôi đặt ra là làm sao để ổn định tỷ giá đồng tiền và tiền xu.

Về việc ổn định tỷ giá đồng tiền, Luật đã giao chức năng cho Ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình hai dự án luật mà một trong những nội dung là đưa các tổ chức tín dụng thoát khỏi trần lãi suất cơ bản quy định trong Luật dân sự và có xu hướng của tự do hóa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Người dân lo ngại nếu thực hiện các chính sách như vậy liệu tỷ giá đồng tiền có được giữ ổn định.

Khi trả lời, Thống đốc thừa nhận đồng tiền mất giá. Như vậy có nghĩa là khi mục tiêu đặt ra mà không đạt thì phải xem lại giải pháp cũng như việc tổ chức thực hiện.

Ổn định giá trị đồng tiền là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, nhưng với tư cách tư lệnh lĩnh vực, tôi muốn Thống đốc làm rõ được giải pháp và vai trò tham mưu cho Chính phủ.

Thống đốc trả lời rất nhã nhặn, cầu thị nhưng mới chỉ nói được một phần. Trách nhiệm cụ thể, giải pháp cụ thể chưa thấy đâu.

Về phát hành tiền xu cũng vậy, khi phát hành thì Ngân hàng Nhà nước đưa ra những lý do rất thuyết phục như để hội nhập quốc tế, tiện ích của tiền xu và đảm bảo hạ tầng để lưu thông tiền xu.

Nhưng khi phát hành thấy ngay hiệu quả ta kém. Vậy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ở đâu? Chứ không thể nói như Thống đốc là đồng tiền nào hỏng, xỉn màu thì phải bỏ đi.

Thống đốc khoá XII là người kế tiếp nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc khóa trước, vậy có thực hiện được lời hứa trước Quốc hội không?

Thứ hai, phải làm rõ lý do vì sao dân ít dùng đồng tiền xu hoặc không dùng, ngay cả với những đồng tiền chưa bị xỉn màu.

Giải pháp nào cho những đồng tiền hiện nay đang dùng được? Bộ trưởng nói dân ít dùng là do tập quán. Nhưng  tập quán đó, nếu Nhà nước thấy không đúng thì phải có trách nhiệm giáo dục.

Mặt khác, vì sao nước ngoài dùng tiền xu phổ biến và hiệu quả? Vì họ có những dịch vụ chỉ dùng tiền xu. Chẳng hạn các máy bán hàng tự động, tàu điện... Ta đồng thời vừa phát hành đồng xu vừa phát hành tiền giấy thì đương nhiên dân dùng tiền giấy.

Quan trọng nhất là anh có giải pháp gì để không lãng phí tiền nhà nước. Vì một đống tiền đang còn tiêu được mà dân không dùng. Ta chưa biết rõ ràng hồi đó phát hành bao nhiêu tiền xu.

Tôi chưa rõ số tiền còn dùng được là bao nhiêu, đang có giá trị sử dụng tại sao lại ngừng.

Chi phí làm ra tiền nhiều, giá trị đang còn, tại sao không tiếp tục?

Tại sao Chính phủ lại không có những giải pháp như phát triển tiếp hạ tầng, các dịch vụ, xử lý những người không chịu nhận tiền xu đang còn giá trị sử dụng?

Chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc, vậy bà có định chất vấn tiếp lên Thủ tướng để làm rõ hơn vấn đề? 

- Tất nhiên trách nhiệm của ai là phải làm rõ. Kể cả Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trong chuyện này chứ đổ cho riêng Thống đốc hay Thủ tướng cũng chưa chuẩn lắm.

Chất vấn đương nhiên phải đi đến cùng vấn đề nhưng thời gian ở Hội trường không nhiều, nếu vẫn cứ tiếp tục theo đuổi vấn đề của mình thì không có cơ hội cho ĐB khác.

Hơn nữa, Thống đốc cũng ít khi trả lời tại Hội trường nên thái độ trả lời tuy nhã nhặn, cầu thị nhưng cũng có thể còn lúng túng. Vẫn có thể trao đổi tiếp bên ngoài để làm rõ thêm, không nhất thiết phải dồn đến cùng.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch:  "Chúng ta không nên đòi hỏi thêm"

Tôi cảm thấy phần trả lời của Thống đốc với chất vấn của tôi là đạt yêu cầu.

Những vấn đề về ngân hàng rất nhạy cảm, được xã hội quan tâm.

Khó khăn chung là do nguồn gốc của vấn đề: do cơ cấu kinh tế, do tác động nhiều mặt, nhất là lĩnh vực ngoại hối. Tôi cho rằng, những lèo lái chính sách tiền tệ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ là phù hợp. Chúng ta không nên đòi hỏi thêm.

Đơn cử như việc công bố kịp thời nhập khẩu vàng để xả áp lực của thị trường vàng nhằm giải tỏa tâm lý đầu cơ, tôi cho rằng là động thái phù hợp.

Cũng có ý kiến không hài lòng về phần trả lời của Thống đốc về vấn đề tiền kim loại. Tôi nghĩ phải có thời gian mới trả lời thỏa đáng được chuyện này.

Chất lượng lưu thông tiền kim loại liên quan đến việc mệnh giá quá thấp, trong khi chi phí đúc tiền cao.

Nếu Thống đốc giải thích rõ hơn rằng do cơ cấu tiền kim loại có nhiều năm rồi, với trượt giá hiện nay, tiền kim loại hiện hành không phù hợp, nhưng trong điều kiện hiện nay, để ổn định vĩ mô, chúng ta chưa đặt vấn đề thay đổi mệnh giá đồng tiền vì sẽ tác động đến tâm lý rất lớn, vì vậy phải duy trì tiền kim loại hiện nay, chỉ thu hồi tiền hư hỏng... thì đại biểu sẽ thấy rõ vấn đề hơn.

Lê Nhung

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Cảnh giác với rủi ro thanh khoản (18/11/2009)

>   Ngân hàng siết tín dụng: Chứng khoán, nhà đất vẫn vững (18/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước kiên quyết quản lý sàn vàng (18/11/2009)

>   Đại biểu Quốc hội lo chính sách tiền tệ… “phanh gấp” (17/11/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: "Phát hành tiền xu không hiệu quả" (17/11/2009)

>   DaiABank triển khai tiết kiệm lãi suất thả nổi (17/11/2009)

>   4 lý do không quy định lãi suất cơ bản (17/11/2009)

>   Đại biểu Quốc hội muốn NHNN ngày càng độc lập hơn (16/11/2009)

>   “Lặng lẽ” bỏ lãi suất cơ bản? (16/11/2009)

>   Chưa có bong bóng tài chính! (16/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật