Thứ Năm, 19/11/2009 11:14

Áp lực huy động vốn ngày một tăng

Lãi suất tiền gửi, đặc biệt là kỳ hạn ngắn ngày tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng, bất chấp chi phí đầu vào đội lên và nguy cơ cho vay lỗ nhiều hơn lãi. Lý do là để ứng phó với tình trạng tiền nhàn rỗi "kén" lãi suất, đồng thời cân đối lại nguồn huy động và cho vay.

Hầu hết các ngân hàng cổ phần đã quay lại với sản phẩm tiết kiệm kỳ hạn tuần. Tại VietA Bank, lãi suất kỳ hạn tuần là 7,8 - 8,4%/năm (1 - 3 tuần). Tại SCB, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tuần là 7,8 - 8,8%/năm (tăng 0,2 - 0,6%/năm). Với những kỳ hạn còn lại, rất nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất lên mức 10%/năm, trong đó 9,99%/năm là con số đang được áp dụng cho nhiều kỳ hạn. Thế nhưng, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, nguồn vốn huy động về dần ít lại.

Nguyên nhân là do đợt vàng, ngoại tệ "sốt" giá vừa qua, cùng với chứng khoán giảm giá xuống mức hấp dẫn nên nhiều người đã chọn các kênh đầu tư này để bỏ vốn, thay vì gửi tiết kiệm. Thậm chí, một số khách hàng còn rút tiền tiết kiệm để mua USD, vàng vì lo ngại lạm phát cao bùng phát.

Những tháng cuối năm, đa số ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi chậm hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều này đã được dự báo trước, song theo Tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh, áp lực huy động vốn đang ngày một tăng, dẫn đến khó khăn trong việc cân đối nguồn để cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng, kinh nghiệm hàng năm cho thấy, lượng tiền gửi tiết kiệm thường hụt vào các tháng cận Tết Nguyên Đán, do DN có nhu cầu sử dụng vốn để chi trả nhiều hơn là gửi lại trên tài khoản thanh toán của ngân hàng, dẫn đến nguy cơ mất cân đối nguồn. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, các ngân hàng cần phải có sự chuẩn bị.

Theo Thống đốc NHNN, tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng trong toàn ngành là hơn 30%. Trong khi đó, huy động 10 tháng tăng 25,72%, trong đó tính trung bình tháng 9 và tháng 10, tốc độ huy động vốn chỉ tăng 1,6%.

Do tình hình huy động vốn khó khăn, tăng trưởng dư nợ huy động giảm buộc các ngân hàng phải cân đối lại bài toán đầu ra. Hiện các ngân hàng đang giảm dần những khoản vốn cho vay đối với khách hàng cá nhân, đồng thời gia tăng điều kiện tín dụng, sàng lọc bớt khách hàng, thay vì chạy đua tiếp thị vốn vay như trước. Đặc biệt là ngày 12/11, NHNN có Công văn số 8883/NHNN-CSTT về lãi suất cho vay thỏa thuận.  Theo đó, các tổ chức tín dụng không được thực hiện lãi suất thoả thuận đối với các khoản cho vay để đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính (vàng, ngoại tệ, chứng khoán) và các hoạt động có liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Các trường hợp cho vay lãi suất thực hiện chưa đúng quy định thì phải khắc phục, xử lý dứt điểm trước ngày 31/3/2010. Điều này có nghĩa là, lãi suất cho vay không được vượt quá mức trần 10,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng lên đến 9,99%/năm. Như vậy, sau khi trích lập dự phòng rủi ro chung là 0,75%/năm, phần còn lại không đủ trang trải chi phí.

Phó tổng giám đốc Maritime Bank, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, phát triển tín dụng trong bối cảnh hiện nay lãi thu về rất ít, thậm chí không đủ để trang trải chi phí trong hoạt động. Tuy nhiên, các ngân hàng không thể đóng cửa tín dụng, mà phải tăng cường huy động vốn để cho vay trên cơ sở sàng lọc khách hàng. Với bản thân Maritime Bank, tính đến ngày 31/10, doanh số tiết kiệm đạt trên 46.000 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2008, do có chính sách lãi suất tương đối hấp dẫn.

Song, cái khó nhất đối với các ngân hàng hiện nay không phải là "room" tín dụng đã chạm tới ngưỡng kiểm soát của NHNN hay chưa, mà chính là việc cân đối nguồn.

Hiện tăng trưởng dư nợ của rất nhiều ngân hàng cổ phần đều chưa chạm tới ngưỡng tăng trưởng theo tỷ lệ đăng ký với NHNN (dựa trên quy mô và năng lực thực hiện). Tuy nhiên, do nhiều ngân hàng đã mạnh tay đẩy vốn trong ba quý đầu năm nên đã chạm ngưỡng an toàn trong hoạt động tín dụng. Theo quy định của NHNN, các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn. Trong khi đó, vốn huy động kỳ hạn dài lại rất ít.

Theo một nguồn tin từ NHNN, huy động vốn kỳ hạn trên 1 năm hiện toàn ngành chỉ chiếm khoảng 5 - 6%. Thế nhưng, không ít ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn, trong đó tập trung vào lĩnh vực bất động sản (cho vay mua nhà, đất trả góp…).

Trả lời đại biểu Quốc hội sáng 17/11, Thống đốc NHNN cho biết, hiện nay và cả trong những tháng tới, NHNN chưa thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, mà có nới lỏng nhưng trên cơ sở kiểm soát của Chính phủ và NHNN. Khi có dấu hiệu lạm phát cao, công cụ được sử dụng đầu tiên sẽ là tăng dự trữ bắt buộc, vì hiện tỷ lệ này chỉ có 3%.

Vân Linh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SeABank sẽ thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu (19/11/2009)

>   Cho vay mua nhà: Cần nhà băng chủ động (18/11/2009)

>   ANZ thay đổi hệ thống nhận diện toàn cầu (18/11/2009)

>   "Chấm điểm" Thống đốc Ngân hàng sau chất vấn (18/11/2009)

>   Cảnh giác với rủi ro thanh khoản (18/11/2009)

>   Ngân hàng siết tín dụng: Chứng khoán, nhà đất vẫn vững (18/11/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước kiên quyết quản lý sàn vàng (18/11/2009)

>   Đại biểu Quốc hội lo chính sách tiền tệ… “phanh gấp” (17/11/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: "Phát hành tiền xu không hiệu quả" (17/11/2009)

>   DaiABank triển khai tiết kiệm lãi suất thả nổi (17/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật