Từ Franchise đến Licensing
Franchise và Licensing đã khá phổ biến ở nước ta, dù vậy vẫn còn nhiều người chưa phân biệt được. Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã nhờ Luật sư Nguyễn Ngọc Bích giới thiệu hai hình thức kinh doanh này dưới dạng bài viết sau đây.
Ta gọi Franchise là nhượng quyền thương mại (NQTM) và Licensing là cấp phép (CP). Hai cái này khác nhau như thế nào? Tôi xin trả lời bằng cách trình bày về cả hai bên: bên giao và bên nhận. Trong NQTM, bên giao được gọi là bên nhượng quyền (franchisor), bên nhận là bên nhận quyền (franchisee); trong CP, là bên cấp phép (licensor) và bên nhận phép (licensee).
Nhượng quyền thương mại
Bạn có tiền, lại có một căn nhà mới có thể mở cửa hàng. Sau khi suy xét, bạn quyết định mở một tiệm bán thức ăn nhanh. Bạn muốn tiệm của mình làm sao đông khách và nổi tiếng. Muốn vậy, cửa hàng phải trang trí đẹp, thức ăn ngon, phục vụ tận tình và có thương hiệu. Để đạt đến mức này, nếu tự mình làm bạn phải mất vài ba năm; muốn tránh khó khăn này, bạn có thể xin NQTM ở một cơ sở sẵn sàng làm việc đó, tạm gọi là ABC. Và bạn sẽ trở thành franchisee, hay bên nhận.
Bên giao là người đã kinh doanh lâu năm; có nhiều cửa hàng được trang trí đẹp, có thức ăn ngon, cách phục vụ giống nhau, nổi tiếng qua một logo hay thương hiệu. Chỉ nghĩ đến nhãn hiệu ABC của họ là ai cũng biết và muốn đến ăn. ABC sẵn sàng NQTM cho bạn. Sau khi bàn bạc với bạn, họ khảo sát địa điểm của bạn và cuối cùng bằng lòng cấp cho bạn theo một hợp đồng (franchise agreement).
Thực hiện hợp đồng, ABC sẽ giúp bạn lập một tiệm ăn giống y như của họ; bán nguyên liệu làm thực phẩm cho bạn, hay bắt bạn phải mua ở một nhà cung cấp nhất định nào đó hầu bảo đảm chất lượng sản phẩm; cung cấp hay chỉ chỗ cho bạn mua các loại dụng cụ, bàn ghế theo kiểu của họ; tuyển nhân viên và huấn luyện những người này.
Họ truyền nghề cho bạn bằng các quyển cẩm nang soạn sẵn; cử người đến giúp đỡ; sau này kiểm soát cửa hàng của bạn; và cho bạn sử dụng nhãn hiệu của họ. Tiệm của bạn trở thành y như của họ. Chỉ trong năm tháng, sau khi ký hợp đồng, tiệm của bạn có danh tiếng của một cơ sở tồn tại hơn 50 năm! Mối lợi của bạn khi NQTM là như thế.
Bên giao cũng muốn bành trướng cơ sở của mình ra. Nếu họ phải bỏ tiền để lập cơ sở giống như của bạn thì tốn kém lắm, và khó phát triển được nhiều. Thay vào đó, họ đi kiếm những người như bạn và NQTM. Nếu tìm được bốn người như bạn và cấp cho bốn người này thì họ sẽ có mặt rất nhanh, tại bốn chỗ khác nhau. Đấy là cái lợi của họ. Mở nhiều như thế mà một tiệm nằm trong chuỗi cơ sở NQTM của họ bị lên báo là bán thức ăn ngộ độc thì tiếng tăm của họ mất hết. Thương hiệu nổi tiếng của họ trở thành… ăn vô là đi nhà thương! Đó là sự lo lắng nhất của bên giao.
Qua hợp đồng NQTM, bên giao sẽ cố gắng ngăn chặn chuyện này. Mục đích chính của hợp đồng NQTM là bảo vệ danh tiếng. Nó sẽ đưa ra các quy định cho mục đích trên. Ngoài ra, hợp đồng cũng buộc bạn phải trả phí ban đầu (cho công lao của bên giao) và sau đó phải chia doanh thu dựa trên số hàng bán mỗi tháng, gọi là tiền bản quyền. Luật về NQTM của các quốc gia bảo vệ bên nhận vì họ bị yếu thế so với bên giao và bên giao phải chứng minh là… thứ xịn để lấy tiền được.
Cấp phép
Nếu bạn đã từng kinh doanh nay muốn mở mang thêm, thí dụ ra thêm một loại nước giải khát mới của công ty ABC, bên cạnh những loại đang có hầu thêm tiếng tăm cho mình và làm thơm lây các sản phẩm đang có. Khi ấy bạn tìm ABC để họ cho phép bạn sản xuất loại nước của họ. Sau khi kiểm soát cơ sở của bạn và chấp nhận, họ sẽ thỏa thuận về các điều kiện cấp phép (licensing), ABC là người cấp phép (licensor); bạn là người nhận phép (licensee).
Cấp phép là việc bên giao chấp thuận cho bên nhận sử dụng trong một thời hạn nào đó một vật liệu, một tài năng vô hình hay hữu hình nào đó của mình, đã được đăng ký bảo hộ (để không ai bắt chước). Các thứ kia được gọi là đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc trí tuệ và bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, bí mật kinh doanh, giống cây trồng mới, các loại phần mềm, và quyền tác giả. Quá trình chuyển giao các đối tượng này gọi là chuyển giao công nghệ (trừ chuyển giao nhãn hiệu, tên thương mại, tên dịch vụ).
Đến đây, ta có thể thấy sự khác biệt giữa NQTM và CP. Về phía bên giao, cái gì là tài sản trí tuệ hay công nghiệp của họ đã được đăng ký bảo hộ thì họ có thể NQTM hoặc CP và thu tiền hàng tháng. Họ chia sẻ cho bên nhận danh tiếng của mình, xếp bên nhận vào hàng ngũ danh giá của mình. Về phía bên nhận, NQTM khi bắt đầu kinh doanh - thì bạn nhận trọn vẹn hình hài và thương hiệu của bên giao để cũng nổi tiếng như họ ngay sau khi mở cửa hàng của mình.
Nếu CP, và bạn chỉ làm sau khi đã từng kinh doanh, thì lấy một phần nào sự nổi tiếng của bên giao (một sản phẩm, một thương hiệu (thương hiệu có đăng ký bảo hộ được gọi là nhãn hiệu thương mại)). Dù chỉ nhận một phần, nhưng bạn cũng được thơm lây vì danh giá của mình như thế nào thì người nổi tiếng mới giao dịch.
NQTM tại Việt Nam chúng ta đã nghe biết nhiều (Phở 24, Kinh Đô, Kentucky, Lotteria). Có hai khó khăn ở ta khi thực hiện NQTM. Một, nó đòi hỏi đất làm cơ sở phải có những kích thước tối thiểu, đường đi… để bày biện cơ sở theo khuôn mẫu của bên giao. Ở các thành phố lớn khó kiếm ra địa điểm. Thứ hai là khách hàng. Ở các nước mà NQTM phổ biến thì sản phẩm là cho đại chúng; sang đến ta nó trở thành cho người trung lưu.
Ở Mỹ họ chia ra NQTM để phân phối sản phẩm (Coca-Cola, vỏ xe Goodyear, máy cày John Deer); loại khác là NQTM về hình mẫu kinh doanh (Mc Donald, Kentucky Fried Chicken). NQTM sẽ còn phong phú ở bên đó là như vậy, và nhất là vì đất bên họ còn nhiều.
Việc cấp phép phổ biến nhất ở ta hiện nay là cấp phép nhãn hiệu, tức là bên nhận được sử dụng nhãn hiệu của bên giao để gắn vào sản phẩm của mình. Khi cho bên nhận sử dụng nhãn hiệu, bên giao cũng sợ mất danh tiếng; nên họ sẽ buộc bên nhận phải sản xuất theo công nghệ của họ (để bảo đảm chất lượng); do vậy hai bên sẽ ký một hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Bên nhận muốn nắm công nghệ thì phải học; cho nên sẽ có một hợp đồng thứ hai là hỗ trợ kỹ thuật; khi ấy hai bên mới ký hợp đồng cấp phép nhãn hiệu. Hợp đồng sau sẽ buộc bên nhận trả tiền bản quyền bằng cách trả một số bách phân trên doanh thu hàng tháng. Hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật đòi bên nhận trả chi phí huấn luyện, sách vở. Hợp đồng công nghệ đòi trả tiền bản quyền tính trên doanh thu hàng tháng. Thế là “anh nổi tiếng” đòi anh “muốn nổi tiếng” nhiều tiền lắm!
Luật chuyển giao công nghệ của ta lúc đầu cố gắng bảo vệ bên nhận, chỉ cho đòi tổng cộng 5% trên doanh thu cho cả nhãn hiệu lẫn công nghệ. Doanh thu kia phải là doanh thu tịnh (net) tức là trừ đi một số chi phí mà bên nhận không thu được như phí bao bì, thuế VAT, chiết khấu thương mại. Vì 5% bó buộc kia, công nghệ mới vào Việt Nam rất ít! Sau này rút kinh nghiệm, luật mới bỏ sự khống chế đó.
Về cấp phép cũng có nhiều loại lắm. Có một loại mà chỉ có một giới biết ấy là việc phân phối phim. Nhà sản xuất (studio) làm phim xong và giao cho một nhà phân phối đem đi chiếu hay cho thuê lại thì hợp đồng bán phim ấy được gọi là “licensing agreement”.
Trong hợp đồng, mỗi cuộn phim là “hình ảnh” (pictures) và nó là tác quyền! Studio không bán cuộn phim như đa số chúng ta hay nghĩ! Nhà phân phối chỉ được phép sử dụng “hình ảnh” và trả tiền theo bản quyền; gồm một số tiền ban đầu; sau đó cứ có thu từ đâu (do bán vé) thì phải chia cho studio một tỷ lệ bách phân nào đó trên số tiền vé thu được.
Khi “cấp phép”, nhà sản xuất chỉ cho nhà phân phối quyền chiếu phim, tại một lãnh thổ, theo một ngôn ngữ và trong một thời gian. Các quyền khác liên quan đến “hình ảnh” (nhân thân và tài sản) họ vẫn giữ. Nhờ đó chúng ta có phim chiếu trên HBO, Cinemax… và tất nhiên với điều kiện là chờ… dài cổ kể từ khi phim công chiếu lần đầu.
Nguyễn Ngọc Bích
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
|