Thứ Bảy, 22/08/2009 09:25

Hệ lụy của phân cấp đầu tư

Chính phủ sẽ có những điều chỉnh trong vấn đề phân cấp quản lý đầu tư nhằm khắc phục những bất cập hiện nay.

Trường hợp điển hình là việc hàng loạt dự án sân golf đã được cấp phép trong thời gian qua tại các địa phương nhưng không có một sự “quản lý” rõ ràng trên bình diện quốc gia. Nếu như trước đây, các sân golf ra đời sau khi được hàng loạt bộ ngành thẩm định và đánh giá thì nay, một vị chủ tịch tỉnh có thể ký quyết định cấp phép trong vài tuần.

Thực tế bất cập

Một loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được UBND các tỉnh thành và Ban quản lý các khu công nghiệp cấp phép trong hơn hai năm qua theo đúng tinh thần phân cấp đầu tư của Luật đầu tư mới, góp phần không nhỏ trong việc làm tăng lượng vốn FDI vào VN. Tuy nhiên, phân cấp đã và đang mang lại những hệ lụy mới cho nền kinh tế. Phân cấp cũng đưa đến những bất cập khác khi mà hàng loạt quy hoạch phát triển ngành, vốn được soạn thảo công phu và tốn kém, bỗng dưng mất hết ý nghĩa. Nhiều dự án thép với số vốn đầu tư hàng tỷ USD, trên thực tế không nằm trong quy hoạch chung đã được công bố và đang có hiệu lực.

Ông Trương Văn Đoan - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trong một cuộc hội thảo mới đây đã thừa nhận rằng có nhiều bất cập trong vấn đề này và Chính phủ cũng đã nhận ra vấn đề. Đặc biệt, trong vấn đề thẩm định dự án, các tỉnh nếu cẩn thận thì vẫn phải trình Trung ương vì không đủ trình độ để “đọc” dự án.

“Phân cấp ở quy mô và đối tượng như thế nào cần quy định rõ, Hà Nội thì phải khác Hà Giang chứ không thể giống nhau như hiện nay”.

Mặc dù tinh thần phân cấp đã thể hiện rõ trong các văn bản pháp quy, tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ nhà đầu tư thì tác động ở khía cạnh cải thiện thủ tục lại chưa thật rõ ràng. Lãnh đạo một ban quản lý khu kinh tế tại miền Trung cho biết: “Nếu như trước đây, các dự án lớn sau khi nộp hồ sơ ở ban quản lý thì sẽ được chuyển lên Bộ Kế hoạch Đầu tư để xem xét cấp phép. Khi đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ chủ động xin ý kiến đóng góp của các bộ ngành để cấp phép. Nay ban quản lý được cấp phép, nhưng vẫn phải xin ý kiến đóng góp của các bộ, nên thủ tục cũng chưa giảm. Bộ Kế hoạch Đầu tư ký công văn gửi các bộ khác mà việc trả lời vẫn còn chậm trễ, chúng tôi ở cấp thấp hơn nên càng khó”.

Hơn nữa, sau khi phân cấp xét duyệt đầu tư, nhiều tỉnh thành đã không tuân thủ đúng quy định về việc gửi báo cáo về Cục đầu tư nước ngoài để theo dõi và tổng hợp. Mới đây, việc Cục đầu tư nước ngoài phải công bố lại số liệu chính thức về đầu tư nước ngoài năm 2008. Theo đó, có gần 400 dự án với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ USD chưa được “ghi sổ” do các tỉnh thành không chịu báo cáo đã cho thấy cần có những điều chỉnh trong vấn đề này cho phù hợp.

Điều chỉnh ?

Những lo ngại của các chuyên gia vào thời điểm phân cấp về việc liệu UBND các tỉnh thành và các ban quản lý có thể đảm đương được toàn bộ quy trình cấp phép hay không đã được kiểm chứng bằng thực tế trong thời gian qua. Vì vậy, vấn đề đặt ra không phải là tranh luận về phân cấp nữa mà là thời điểm để đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp.

Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Giáo sư Nguyễn Mại, một chuyên gia hàng đầu về đầu tư đã nói rằng thực tiễn phân cấp tại VN đã phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Phân cấp ở quy mô và đối tượng như thế nào, chẳng hạn đối với Hà Nội thì phải khác với Hà Giang chứ không thể giống nhau như hiện nay. “Trước đây, một dự án thép được thẩm định kỹ lưỡng, chuyên gia của nhiều bộ ngành cùng ngồi lại xem xét. Nay các dự án thép với quy mô hàng tỷ USD, chỉ mỗi Sở Kế hoạch Đầu tư làm sao thẩm định nổi?” – ông dẫn chứng.

Ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho rằng phân cấp là quá trình tất yếu phải làm, nhưng cụ thể ra sao thì cần phải xem xét kỹ các điều kiện thực tế. Theo ông Giá, vấn đề hiện nay là cần xem xét lại các điều kiện để có thể phân cấp. “Theo tôi, phân cấp chỉ có thể thực hiện tốt trên cơ sở bốn điều kiện sau. Thứ nhất, phải có quy hoạch tốt cả về vùng miền, địa phương lẫn quy hoạch về phát triển từng ngành nghề. Thứ hai, phải có chính sách thống nhất và việc thực thi các chính sách đó phải thống nhất. Thứ ba, phải có bộ máy chính quyền tốt tại các địa phương, không như hiện nay nhiều địa phương lúng túng, cái gì cũng hỏi. Và thứ tư, cần con người thực hiện tốt, tức là yếu tố cán bộ” – ông đề xuất.

Rất có thể, sắp tới Chính phủ sẽ là “rút lại” một số nội dung trong vấn đề phân cấp. Chẳng hạn, đối với các dự án lớn thuộc các lĩnh vực quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch phát triển của quốc gia và vùng, các tỉnh thành sẽ không còn được tự quyết định, hoặc quy trình xin ý kiến thẩm định các bộ ngành trung ương sẽ được tiến hành chặt chẽ hơn.

Vấn đề hiện nay nằm ở chính các tỉnh thành. Nhiều địa phương có thể sẽ xem lại chính sách của mình ngay trong thời gian ngắn. Rất có thể, một số dự án lớn sẽ được đẩy nhanh nhằm tranh thủ cơ hội trước khi các quy định về phân cấp có thể bị điều chỉnh. Thiết nghĩ, đây cũng là việc Chính phủ cũng cần có sự điều chỉnh.

Thảo Minh

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   81.000 tấn xăng Dung Quất "bơm" ra thị trường (22/08/2009)

>   Hội thảo “Lợi thế của DNVN trong thời kỳ suy thoái KT” (22/08/2009)

>   Đã đến lúc điều chỉnh lại các chính sách ưu đãi (22/08/2009)

>   Việt Nam cần tạo thế chủ động cao ngay trong nước (22/08/2009)

>   Nếu chú tâm, doanh nghiệp sẽ làm được (22/08/2009)

>   Hàng tồn kho cạn, kinh tế đi lên (22/08/2009)

>   Doanh nghiệp rau quả khảo sát thị trường Trung Quốc (22/08/2009)

>   Tăng cường kiểm tra nhà máy chế biến thủy sản (22/08/2009)

>   Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (22/08/2009)

>   Nhà ở giá rẻ: Còn khó nhiều bề (22/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật