Thứ Bảy, 22/08/2009 07:14

Hàng tồn kho cạn, kinh tế đi lên

Có một chỉ số không kém phần quan trọng để đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế đã kết thúc hay chưa, đó chính là hàng tồn kho. Kinh tế thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng hay chưa là câu hỏi đang được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra. Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà phân tích thường tập trung vào một số chỉ số kinh tế như giá nhà đất, tăng trưởng tiêu dùng hay tỷ lệ thất nghiệp...

Nhưng có một chỉ số không kém phần quan trọng để đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế đã kết thúc hay chưa, đó chính là hàng tồn kho. Mới đây, cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan đã nhận định, suy thoái kinh tế Mỹ đang dần kết thúc dựa trên yếu tố “hàng tồn kho đã cạn, sản lượng đang ở dưới mức tiêu dùng”.

Phản ánh cung - cầu

Trước khi đề cập đến vai trò của hàng tồn kho trong thời kỳ khủng hoảng, cần nhìn lại mối quan hệ giữa cung - cầu và hành vi của người tiêu dùng. Quan hệ cung cầu chính là quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng. Đại diện cho bên cung là lực lượng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ (người lao động) và đại diện cho bên cầu là khách hàng (người tiêu dùng). Đây không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa hai đại lượng mà là hai mặt của một chủ thể, có ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của một cá nhân hoặc của toàn xã hội.

Trong một xã hội hay trong mỗi con người thì luôn có hai yếu tố vừa là người lao động vừa là người tiêu dùng. Hành vi của mỗi người tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công việc của họ. Tiêu dùng tăng thì sản xuất sẽ tăng và ngược lại (hình 1). Trước khủng hoảng, cán cân cung cầu thường có xu hướng nghiêng về phía cung. Nguyên nhân là tâm lý tích cực của người tiêu dùng đã tác động đến sản xuất, tạo ra một lượng hàng hóa dư thừa. Phần hàng hóa dư thừa đó được gọi là hàng tồn kho và ít được quan tâm trong điều kiện kinh tế bình thường.

Ví dụ rõ nhất là khả năng tiêu dùng c ủa người dân Mỹ, theo nhà báo Fareed Zakharia, tiêu dùng của người Mỹ bằng tổng sản lượng của Trung Quốc, cộng với Ấn Độ rồi nhân đôi. Năng lực “tiêu pha” của người dân Mỹ lớn vì họ được hỗ trợ bằng các khoản vay tiêu dùng trước. Một người Mỹ có thể có đến cả chục thẻ tiêu dùng ghi nợ, khi họ còn tin tưởng vào khả năng kiếm tiền trong tương lai thì họ sẵn sàng tiêu xài trước những đồng tiền của tương lai đó.

Khi xảy ra khủng hoảng, người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu, đặc biệt là các khoản không cần thiết. Kéo theo các hệ quả như sản xuất suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, xuất khẩu giảm sút...

Tuy nhiên, tiêu dùng là bắt buộc, chỉ có thể giảm chứ không thể ngừng. Một phần nhu cầu của người tiêu dùng vẫn được đáp ứng nhờ lượng hàng tồn kho và sự duy trì sản xuất ở mức vừa đủ. Không ai mạo hiểm mua nhiều hàng hơn, cũng không ai dám sản xuất trên mức đặt hàng. Đến một lúc nào đó, hàng tồn kho sẽ cạn và sản lượng ở dưới mức tiêu dùng, cầu sẽ bằng và vượt cung. Khi đó, sẽ quay lại chu kỳ tăng đơn đặt hàng, nhà sản xuất mua thêm nguyên liệu, tuyển thêm lao động và kinh tế dần dần phục hồi.

Bộ Thương mại Mỹ vừa đưa ra thống kê cho thấy các công ty Mỹ đã cắt giảm sản xuất, đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân khi khủng hoảng bắt đầu giữa năm 2007, nay phải gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của xã hội. Hình 2 cho thấy tín hiệu để có thể đánh giá khủng hoảng kinh tế sắp kết thúc. Đường số 1 là tình trạng cung - cầu thời kỳ tiền khủng hoảng, x là lượng hàng tồn kho cho thấy tình trạng cung lớn hơn cầu. Để cung - cầu bằng nhau (đường số 2) cần một khoảng thời gian t để tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho x. Khoảng thời gian t này chính là thời kỳ khủng hoảng và khi cầu quay trở về bằng hoặc lớn hơn cung là tín hiệu khủng hoảng sắp kết thúc.

Và gói kích thích kinh tế của Việt Nam...

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của ta phần lớn là mặt hàng cơ bản nên khả năng xuất khẩu vẫn duy trì khả quan, nhưng bị sụt giảm về giá trị do nguyên nhân giá giảm. Khủng hoảng xảy ra, nhu cầu nhập khẩu của các nước đều giảm, chúng ta không thể trông chờ vào việc duy trì năng lực xuất khẩu, việc mở rộng thị trường cũng không thể có ngay được mà phải tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa để giải phóng hàng hóa, kích thích sản xuất.

Có thể thấy hàng tồn kho ảnh hưởng lớn như thế nào qua con số thống kê một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất trong sáu tháng đầu năm do hàng tồn kho nhiều như nhà máy supe phốt-phát Lâm Thao còn 40.000 tấn tồn kho, giấy Bãi Bằng cũng còn tới 18.000 tấn tồn kho... Nếu không tiêu thụ được hết lượng hàng tồn kho này thì dù có được vay hỗ trợ lãi suất những doanh nghiệp này cũng không dám đầu tư, tiếp tục sản xuất.

Ngược lại với phản ứng của người dân, để đối phó với khủng hoảng, chính sách đầu tiên và quan trọng nhất của các chính phủ sẽ là kích cầu. Khuyến khích người dân tiêu dùng và chính phủ cũng mạnh tay chi tiêu công. Gói kích thích kinh tế của Việt Nam bao gồm nhiều loại hỗ trợ khác nhau. Trong đó, theo một số chuyên gia, gói kích thích tiêu dùng như hoãn thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng vẫn chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn có khả năng dẫn đến kích cầu cho hàng ngoại.

Thực tế, tiêu dùng của người dân suy giảm trong nửa đầu năm nay, phần tăng trưởng tiêu dùng trong thời gian này là nhờ tiêu dùng của Chính phủ. Việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 4% không phân biệt doanh nghiệp mạnh hay yếu kém, có khả năng tạo việc làm hoặc xuất khẩu hay không, nên còn mang tính cào bằng. Riêng về gói hỗ trợ lãi suất kích cầu nông nghiệp đã triển khai được ba tháng nhưng số lượng nông dân có khả năng tiếp cận với nguồn vốn này vẫn còn thấp.

Nhìn chung, gói kích thích kinh tế được thực hiện càng sớm càng tốt và trước tiên nên ưu tiên vào việc tiêu thụ lượng hàng tồn kho. Về phương pháp, các chương trình kích cầu cần phải trực tiếp đến người tiêu dùng và trực tiếp trên từng hàng hóa thay vì hỗ trợ qua các doanh nghiệp hoặc hỗ trợ gián tiếp đến người tiêu dùng.

Trong giai đoạn khủng hoảng, không thể đặt niềm tin doanh nghiệp sẽ giảm giá hay người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu qua các giải pháp kích cầu không quy định chặt chẽ. Không mua sản phẩm hàng hóa cụ thể sẽ không nhận được hỗ trợ. Ví dụ chương trình thưởng dập xe cũ đổi xe mới ở Đức, Mỹ hay chương trình giảm thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ khi mua ô tô ở Việt Nam đều thành công nhờ hỗ trợ trực tiếp.

Đặc biệt, cần có chương trình, giải pháp mạnh hơn để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa nhằm giúp các doanh nghiệp có thể đứng vững ở trong nước. Có thể thấy rằng vấn đề này sẽ được quan tâm hơn trong thời gian tới qua chương trình vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Bộ Chính trị vừa ban hành.

Thực hiện được các giải pháp trên đã góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải tự điều chỉnh nhằm hưởng lợi từ các chương trình kích cầu này. Đối với việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nên hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp nào có khả năng tạo việc làm, xuất khẩu... Các doanh nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng một số điều kiện về mặt tài chính, thị trường, lao động...

Nhìn qua Trung Quốc, chính phủ nước này vừa đưa ra chính sách thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Theo đó, một số mặt hàng được áp thuế xuất khẩu xuống 0%, áp dụng trong tháng 7-2009. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng tỷ lệ hoàn thuế đối với các sản phẩm gỗ nhằm giảm áp lực trong nước, hỗ trợ xuất khẩu và giữ vững thị trường.

Tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế đều cần được giải quyết từ quan hệ cung - cầu. Những con số nhiều khi không được đánh giá đúng mức vào lúc này có thể sẽ đóng vai trò rất quan trọng vào lúc khác. Kích thích tiêu dùng nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho là một ví dụ như thế.  

Chu Mạnh Quân

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp rau quả khảo sát thị trường Trung Quốc (22/08/2009)

>   Tăng cường kiểm tra nhà máy chế biến thủy sản (22/08/2009)

>   Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (22/08/2009)

>   Nhà ở giá rẻ: Còn khó nhiều bề (22/08/2009)

>   Thủy sản tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững (22/08/2009)

>   Xúc tiến xây dựng sàn giao dịch chè (21/08/2009)

>   Trọng tài kinh tế: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ (21/08/2009)

>   Ủy ban Tài chính Quốc hội giám sát vốn kích cầu (21/08/2009)

>   Dự báo lần đầu tiên xuất khẩu tăng trưởng âm (21/08/2009)

>   Bộ Công Thương và NHNN ký thỏa thuận phối hợp hoạt động (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật