Trọng tài kinh tế: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Vẫn còn tồn tại, nhiều bất cập khiến cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chưa được giới doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Năm 2005, Vinaconex ký hợp đồng cung cấp 130 lao động cho Công ty BMI của Đức sang làm việc tại Libya trong các dự án do công ty này nhận thầu thi công.
Sau một thời gian thực hiện hợp đồng, do chủ đầu tư tại Lybia gặp khó khăn về tài chính nên BMI không có tiền trả lương cho các công nhân Việt Nam.
Với ý định giải quyết êm thấm, Vinaconex đã thuê một công ty đòi nợ của Đức đại diện cho mình đến làm việc với BMI. Tuy nhiên, việc đòi nợ vẫn không thành. Cuối cùng, Vinaconex đành khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) do trong hợp đồng có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói trên. Kết quả là Vinaconex đã thắng kiện và sau khi được tòa án tại Đức công nhận, cho thi hành phán quyết của trọng tài, phía BMI đã buộc phải chuyển trả 187.000 USD số tiền lương còn nợ của người lao động.
Theo ông Nguyễn Minh Chí - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vinaconex chỉ là một trong số ít ỏi doanh nghiệp Việt Nam hiểu và vận dụng cơ chế trọng tài để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho biết, tại cuộc hội thảo với VASEP ông tham dự, ở đấy nhiều doanh nghiệp phát biểu là họ hầu như không biết gì về trọng tài kinh tế, kể cả việc soạn hợp đồng cũng rất sơ sài. “Có doanh nghiệp bảo hợp đồng làm ăn của họ dài lắm cũng chỉ cỡ 2 trang và phải cố căng khổ chữ ra cho to mới được như thế”- GS.TS Lê Hồng Hạnh nói. “Ưu tiên” toà án
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trong khoảng 2 năm trở lại đây, có gần 60% số vụ tranh chấp thương mại ở Việt Nam là xảy ra giữa các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài. Và doanh nghiệp Việt Nam hầu như vẫn thường thua thiệt trước các doanh nghiệp nước ngoài trong các cuộc chơi kinh tế do thiếu nhiều kinh nghiệm thương trường.
Khi bất đồng quan điểm trong kinh doanh các bên đối tác lập tức xảy ra tranh chấp nhưng cách mà các doanh nghiệp Việt Nam thường làm là đưa sự việc ra tòa án địa phương để giải quyết.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, ông Micheal Moser - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế quốc tế HongKong (HKIAC) cho rằng giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam thường làm như trên không phải là cách hiệu quả để lấy được công bằng trong các vụ tranh chấp thương mại.
Theo ông Micheal Moser, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn được giải quyết tranh chấp thương mại tại nước mình để hưởng các "ưu thế sân nhà" thì doanh nghiệp nước ngoài cũng vậy. Như vậy, các bên tranh chấp dù đã nhận được phán xét cuối cùng của tòa án cũng không thỏa mãn hoàn toàn, từ đó có thể dẫn đến việc cưỡng chế thi hành các quyết định của tòa án như bồi thường thiệt hại cũng khó thực hiện. Hơn nữa, chi phí cho các vụ kiện từ khi bắt đầu đến khi kết thúc có thể lớn gấp nhiều lần so với số tiền có thể bên thắng kiện được nhận.
Nhiều bất cập
Bất cập về mặt pháp luật được đa số các ý kiến cho là một trong những cản trở chủ yếu đối với hoạt động trọng tài.
Theo Luật sư Trần Hồng Phong, quy định về thủ tục tố tụng trọng tài tại Pháp lệnh Trọng tài thương mại còn nhiều điều chung chung, không rõ ràng khiến cho ông khi tư vấn cho khách hàng vẫn e ngại, chưa dám khuyên họ chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Luật sư, trọng tài viên Phan Thông Anh dẫn giải một nguyên nhân khác là có nhiều trường hợp tòa án tranh giành thẩm quyền xét xử với trọng tài. “Theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại, đúng ra tòa án phải từ chối giải quyết vụ tranh chấp khi có thỏa thuận trọng tài, trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu”- Luật sư, trọng tài viên Phan Thông Anh nói.
Theo Trọng tài viên Phan Trung Hoài, hiện còn nhiều vướng mắc trong quá trình xét xử trọng tài hiện nay. Chẳng hạn, một số hợp đồng thương mại có điều khoản trọng tài, tuy nhiên, tên của Trung tâm Trọng tài chỉ định trong hợp đồng chỉ cần sai một chữ đôi khi cũng bị tòà án tuyên là vô hiệu, dẫn tới thực tế, vụ việc lại được chuyển sang toà xét xử. Một số trường hợp khác thì lại vướng mắc ở công tác giám định. “Muốn khắc phục tình trạng này, cần có quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề cơ quan giám định, chất lượng giám định”- ông Hoài nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, v iệc phát triển và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài là một xu thế tất yếu và tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của công tác xét xử ngành tòa án. Hòa giải tranh chấp là biện pháp giải quyết hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức này vẫn chưa đáp ứng được thực tế đòi hỏi của nền kinh tế. Số vụ việc giải quyết tranh chấp của VIAC chưa nhiều, chưa tương xứng với sự phát triển của các giao dịch thương mại. Việc tuyên truyền chưa được tốt, các doanh nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi vai trò và tính ưu việt của cách giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài.
Nhận định về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ, Trọng tài viên, nói: “ Doanh nghiệp vẫn chưa hiểu biết thấu đáo về những điểm mạnh của cách giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài kinh tế. Bên cạnh đó, trình độ của trọng tài viên cũng cần được chú ý nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế”.
Nguyễn Thành
Tổ quốc
|