Thứ Sáu, 21/08/2009 19:32

Tháo gỡ vướng mắc cho người nuôi cá tra

Ngày 21/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Ban Chỉ đạo Sản xuất và Tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức buổi giao ban trực tuyến “Sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra” nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các hộ nuôi cá tra, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay.

Cá tra hiện nay được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam. Tính đến giữa tháng 8/2009, sản lượng thu hoạch cá tra đạt trên 450.000 tấn, gấp 8,2 lần so với đầu năm (56.000 tấn). Sản lượng cá tra thu hoạch trong 8 tháng đầu năm 2009 liên tục tăng với tốc độ trung bình đạt 13,5%/tháng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và những rào cản thương mại cũng như thuế quan trong thời gian vừa qua nhưng tình hình tiêu thụ cá tra của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2009 vẫn có nhiều tín hiệu đáng mừng. Từ 1/1-15/7/2009, cả nước đã xuất khẩu gần 300.000 tấn cá tra, basa sang 120 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch trên 660 triệu USD.

Cân bằng cung cầu cho thị trường cá tra

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, năm nay là một năm đặc biệt của xuất khẩu cá tra. Theo dự đoán của VASEP, đến cuối năm sản lượng cá tra xuất khẩu sẽ đạt bằng năm ngoái cả về mặt khối lượng và giá trị, mặc dù có 2 thị trường đang sụt giảm là Nga và Ukraina nhưng thị trường Mỹ lại tăng 59,5%. Thị trường quan trọng nhất là EU đang tăng so với những tháng đầu năm, đạt 41,9% về giá trị, trong đó thị trường Tây Ban Nha đạt 71 triệu USD.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, tuy đây là giai đoạn khó khăn đối với hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra nhưng năm nay lại không phải chịu sức ép về mặt tiêu thụ. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho ngành cá tra Việt Nam để tự điều chỉnh, cơ cấu lại sản xuất, liên kết để xuất khẩu.

Theo phản ánh của các hộ nuôi và các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, trong thời gian vừa qua có sự mất cân đối cung cầu trong cả quá trình từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu cá tra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề cơ bản là các tỉnh cần thống nhất được kế hoạch nuôi để đảm bảo được lượng xuất khẩu, quy hoạch sao cho cân đối giữa lượng cung và cầu, để người nông dân không bị thiệt.

Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi cá tra đều đã nhận được khoản vay kích cầu của Chính phủ, góp phần không nhỏ cho việc duy trì sản xuất và tăng năng suất chất lượng cá tra. Tuy nhiên các hộ dân kiến nghị, cá tra cần được coi là mặt hàng chiến lược quốc gia; giảm thuế VAT thức ăn chăn nuôi thủy sản (TĂCNTS); mặt hàng TĂCNTS nên đưa vào danh mục quản lý giá của Nhà nước; đồng thời Bộ NNPTNT nên sớm có hướng dẫn về nuôi trồng thuỷ sản.

Một trong những khó khăn mà người nuôi cá tra hiện nay đang gặp phải đó là các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh không lành mạnh, làm cho hạ giá thành sản phẩm cá tra của người nông dân, giá cá nguyên liệu luôn trong tình trạng bấp bênh. Giá cá tra nguyên liệu trong 5 tháng đầu năm đạt 14.500đ-17.000đồng/kg, tuy nhiên người nuôi cá vẫn bị lỗ do giá thành sản xuất cá tra cũng mất từ 14.000-17.000đồng/kg, chưa kể những khó khăn và rủi ro khác trong quá trình nuôi cá. Vì vậy, các hộ nuôi cá tra đều mong muốn có quy định giá sàn cá tra, giúp người nông dân nuôi có lời từ 10-15%. Đồng thời cần có những giải pháp kịp thời tạo môi trường liên kết 4 nhà giúp nuôi cá tra bền vững.

Nâng cao chất lượng cá tra là yếu tố hàng đầu

Mặc dù hiện nay, một số thị trường như Mỹ, EU - là những thị trường có tiêu chuẩn cá tra rất cao, đều đang tăng trưởng khá nhanh và mạnh, tuy nhiên, để sản phẩm cá tra được thị trường quốc tế tiêu thụ mạnh hơn nữa, VASEP khuyến nghị người nuôi cá tra tiếp tục nâng cao chất lượng nuôi trồng, chế biến cá tra, đây là yếu cơ bản và hàng đầu để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Giải đáp những vướng mắc của các hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, hiện nay thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y đang áp dụng khung thuế thấp nhất. Bộ Tài chính (TC) và Bộ NNPTNT đang phối hợp, xem xét một cách tổng thể để có phương án phù hợp nhất cho vấn đề này. Bộ TC cũng đã có văn bản tham gia với Bộ Công Thương (CT), thống nhất mức hỗ trợ về phí và lệ phí đối với quản lý về môi trường, giảm 50% mức phí hiện nay.

Về Dự án xây dựng kho đông lạnh, dây chuyền thiết bị chế biến, Bộ TC cũng đang phối hợp với Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và đưa bổ sung vào tín dụng của Nhà nước nhưng cần phải có hướng dẫn kỹ hơn về thông số kỹ thuật đối với kho đông lạnh và dây chuyền này.

Kết luận buổi giao ban, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong 8 tháng đầu năm mặc dù nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự cố gắng của các Bộ chuyên ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nỗ lực của người nuôi đã giúp duy trì được thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cá tra ở cả trong và ngoài nước, như tiêu thụ mạnh tại thị trường Mỹ, Ukraina; đã xuất khẩu vào thị trường Nga 30.000 tấn cá; từ tháng 9, mỗi tháng xuất khẩu 10.000 tấn cá tra. Công nghiệp sản xuất chế biến đã đi vào nề nếp hơn, triển khai việc quản lý chất lượng TĂNTTS, con giống.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đối với thị trường trong nước, trước mắt là phải đảm bảo chất lượng và VSATTP. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu, các địa phương tiếp tục xúc tiến đăng ký vùng nuôi theo hướng dẫn của Cục Nuôi trồng thủy sản-Bộ NNPTNTD, kiểm tra quy trình nuôi. Chậm nhất tháng 10/2009, Bộ NNPTNT sẽ ban hành quy định quy trình nuôi an toàn. Tiếp tục thực hiện kiểm tra chất lượng thức ăn và con giống. Địa phương chủ động bố trí ngân sách để thay đàn giống tốt. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Quản lý chất lượng - Bộ NNPTNT thực hiện quản lý nghiêm ngặt các cơ sở chế biến.

Về lâu dài, địa phương rà soát lại quy hoạch nuôi cá tra và hướng dẫn nhân dân thực hiện theo quy hoạch đó, phải xây dựng thành các Dự án cụ thể để sớm được phê duyệt và đầu tư.

Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu là duy trì và mở rộng thị trường. Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT, Bộ CT, VASEP, các địa phương, doanh nghiệp, Ban chỉ đạo phải liên tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường. Bộ trưởng cũng cho biết, các nhà máy chế biến sản xuất cá tra của Việt Nam đều đạt yêu cầu tiêu chuẩn của EU và hoàn toàn có thể công bố với thế giới về vấn đề đó, trong đó nhấn mạnh sản phẩm cá tra của Việt Nam là sản phẩm “Tốt, rẻ, ngon, an toàn”.

Kiều Liên

Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Bị kiện bán phá giá... vì giảm giá (21/08/2009)

>   Sớm bàn giao 2 bến cảng Nghi Sơn cho PVN (21/08/2009)

>   Mũ bảo hiểm sản xuất sau tháng 11-2008 vẫn dán tem CS (21/08/2009)

>   Giải pháp ảo hóa cho cơ sở hạ tầng thông minh (21/08/2009)

>   Hướng dẫn quyết toán bù lỗ mặt hàng dầu năm 2008 (21/08/2009)

>   Có nên có thêm gói kích cầu? (21/08/2009)

>   Trung Quốc định chặn dòng tiền nóng chảy vào CK (21/08/2009)

>   Từ 1/10, thu lệ phí cấp chứng chỉ trong lĩnh vực XD (21/08/2009)

>   Hội thảo về quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng (21/08/2009)

>   Đường tăng giá và tương lai từ năng lượng sạch (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật