Hội thảo về quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng
Ngày 20/8, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Quy hoạch và Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết: Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào công trình năng lượng. Trong thời gian tới, chiến lược phát triển năng lượng được thực hiện bằng các chính sách hợp tác quốc tế về xuất nhập khẩu năng lượng; phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo; cải cách cơ cấu tổ chức ngành năng lượng, hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Tạ Văn Hưởng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) thông tin, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đã được Bộ Chính trị thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007. Theo đó, phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện và Uranium) năm 2010 khoảng 47,5-49,5 triệu TOE (tấn dầu tương đương) và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE.
Đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, phát huy nội lực là giải pháp cấp thiết để đẩy mạnh phát triển năng lượng Việt Nam. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, vai trò của cơ quan tư vấn bao gồm tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm định là hết sức quan trọng. Trước đây các dự án năng lượng của Việt Nam đặc biệt là các dự án điện có quy mô lớn và công nghệ phức tạp (nhiệt điện, thủy điện, lưới điện siêu cao áp) thường phải mời các cơ quan tư vấn nước ngoài thực hiện hoặc tham gia với tư cách là tư vấn phụ.
Nhưng đến nay, các dự án lưới điện 500kV, các dự án nhà máy thủy điện công suất lớn như Sơn La, Lai Châu... với các tổ máy có công suất tới 600 MW đều do các cơ quan tư vấn của Việt Nam thực hiện. Điều này đã làm giảm nhẹ vốn đầu tư, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư đồng thời chất lượng vẫn được đảm bảo.
Ông Ngãi khẳng định, đối với các dự án lớn các cơ quan tư vấn Việt Nam vẫn có thể triển khai công tác khảo sát, thiết kế lập quy hoạch, Trung tâm điện lực, Báo cáo đầu tư, Dự đầu tư xây dựng các công trình và phối hợp với Cơ quan tư vấn nước ngoài thực hiện các bước tiếp sau đó.
Cũng trên quan điểm phát huy nội lực, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch VAMI cho biết, một phần quan trọng trong chương trình cơ khí trọng điểm phục vụ phát triển ngành năng lượng Việt Nam là chủ trương mạnh dạn của Chính phủ trong việc chỉ đạo các đơn vị trong và ngoài ngành được nhận nhiệm vụ thiết kế và chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhiều dự án thủy điện mà ngành điện đang đầu tư trong giai đoạn 2003-2010.
Chính từ cơ chế chỉ định thực hiện thiết kế và chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, VAMI đã giúp các nhà tư vấn, thiết kế Việt Nam tìm được đối tác đáng tin cậy mà trên 10 công trình thủy điện trong nước đã được chính các chuyên gia Việt Nam kết hợp với một số hãng, chuyên gia tư vấn nước ngoài dần nắm vững và sử dụng thành thạo các công cụ phần mềm tính toán đủ năng lực thiết kế cơ khí thủy công của các nhà máy thủy điện.
Trong các quy hoạch điện, than, dầu khí và chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đều coi việc thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế là chủ trương đồng thời là giải pháp cấp thiết. Theo kết quả của công tác quy hoạch cho thấy rõ nhu cầu năng lượng để có thể đáp ứng được phát triển kinh tế Việt Nam là rất lớn nhưng khả năng vốn lại có hạn, do đó không thể không tính đến đầu tư nước ngoài.
Chỉ tính riêng nhu cầu vốn của ngành Điện trong Quy hoạch điện VI là 80 tỷ USD trong 20 năm (2005 - 2025); cũng thời gian đó ngành dầu khí cần trên 30 tỷ USD cho các dự án thăm dò, khai thác, thu gom - vận chuyển..., trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chiếm 13 tỷ USD.
Ngành than rất cần thu hút vốn đầu tư và kinh nghiệm của các nước trong việc thăm dò, khai thác sâu và khí hóa than Bể than đồng bằng sông Hồng; ngành năng lượng mới và tái tạo trong đó phát triển các nhà máy điện gió có nối lưới công suất lớn cần vốn đầu tư lớn. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân không thể không có sự hợp tác của các nước phát triển đã có những thành đạt về lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến tháng 7/2009 dự án FDI vào lĩnh vực năng lượng đạt 6,2 tỷ USD chiếm 1,36% về số dự án và 3,74% về vốn đầu tư FDI cả nước.
Để thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, ngoài việc cần sớm nghiên cứu đề ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, giải quyết các vấn đề vướng mắc, còn cần tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư mang tính chuyên ngành trong và ngoài nước. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện.
Nguyễn Mạnh
tbktvn
|